Tư tưởng Ph.Ăngghen về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân - Giá trị và những vấn đề cần bổ sung, phát triển hiện nay
(LLCT) - Ph.Ăngghen (1820 - 1895) đã cùng với C.Mác (1818 - 1883) xây dựng học thuyết về sứ mệnh lịch sử (SMLS) toàn thế giới của giai cấp công nhân (GCCN). Tuy luôn khiêm nhường nhận mình chỉ là người thể hiện những ý tưởng của C.Mác, nhưng trên thực tế, Ph.Ăngghen có công rất lớn đối với xây dựng và phát triển học thuyết này. Chính Ph.Ăngghen là người đã tiếp cận đa diện và hệ thống về GCCN hiện đại, là người đã luận chứng khoa học về SMLS bao gồm tính tất yếu, nội dung, điều kiện, lộ trình... cùng nhiều bổ sung quan trọng để hoàn thiện học thuyết này. Đồng thời, Ph.Ăngghen còn chỉ rõ, phải đặt lý luận ấy “trên mảnh đất hiện thực” để hiện thực hóa và phát triển nó. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, những tư tưởng của Ph.Ăngghen cần tiếp tục được các Đảng Cộng sản vận dụng và bổ sung, phát triển cho phù hợp với bối cảnh mới.
Từ khóa: Ph.Ăngghen, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
1. Những tư tưởng căn bản của Ph.Ănghen về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Ph.Ăngghen đã mở rộng góc độ nghiên cứu về giai cấp công nhân
Đây là công lao rất lớn về nghiên cứu khoa học của Ph.Ăngghen. Ông đã sử dụng nhiều khái niệm để chỉ GCCN. Mỗi khái niệm là sự mở rộng để tiếp cận đối tượng phản ánh, nhưng quan trọng hơn là những nội hàm lý luận đã góp phần làm rõ các quan điểm nền tảng về GCCN. Chẳng hạn như: “giai cấp vô sản ngày nay”, “giai cấp làm thuê hiện đại”, “giai cấp công nhân thành thị”, “giai cấp công nhân công nghiệp cơ khí”, “giai cấp gắn liền với đại công nghiệp”; “giai cấp công nhân công xưởng”, “giai cấp lao động làm thuê hiện đại”, “giai cấp của những người bán sức ngày nào xào ngày ấy”; “giai cấp của những người lính trơn của đạo quân đại công nghiệp”, “giai cấp của những “nô lệ da trắng”. Ph.Ăngghen cũng lưu ý: “Tôi thường dùng những từ: người lao động hoặc công nhân (working men) và người vô sản, giai cấp công nhân, giai cấp không có của, giai cấp vô sản như những từ đồng nghĩa”(1).
“Giai cấp công nhân hiện đại” là khái niệm quan trọng nhất đã được C.Mác và Ph.Ăngghen sử dụng trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848); và cho đến nay, vẫn được các nhà nghiên cứu tiếp tục sử dụng rộng rãi. Nội hàm của khái niệm này có 2 lớp ý nghĩa.
Lớp nghĩa thứ nhất, là nghĩa từ vựng trong tiếng Anh - nơi xuất hiện quá trình công nghiệp hóa đầu tiên trên thế giới. Work là công xưởng - một cách sản xuất bằng máy móc cơ khí và tổ chức sản xuất theo kiểu dây chuyền, liên hợp. Worker là công nhân công xưởng; Còn “modern working class” là từ để chỉ GCCN hiện đại làm việc với máy móc cơ khí. Họ được gọi là “công nhân công xưởng” để phân biệt với công nhân công trường thủ công trước đó. “Cuộc cách mạng công nghiệp đã... đẻ ra một GCCN công xưởng đông đảo... Cuộc cách mạng công nghiệp chiếm lĩnh hết ngành sản xuất này đến ngành sản xuất khác thì giai cấp này cũng càng lớn lên không ngừng”(2). Khái niệm “giai cấp công nhân hiện đại” là để phản ánh thực tại này.
Lớp ý nghĩa thứ hai, cũng được các nhà kinh điển nhấn mạnh đó chính là tính chất hiện đại về phương thức lao động, công cụ lao động và quan hệ mới trong lao động công nghiệp cùng nhiều đặc điểm mà do đó, “giai cấp công nhân hiện đại” phân biệt với các giai tầng lao động đương thời.
Điểm phân biệt lớn và sâu sắc nhất là ở chỗ, họ “là sản phẩm của đại công nghiệp”- quá trình công nghiệp hóa đầu tiên trong lịch sử nhân loại diễn ra từ đầu thế kỷ XVIII. Trong tác phẩm Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh (1845), Ph.Ăngghen viết: “Những người vô sản đầu tiên xuất hiện trong công nghiệp và trực tiếp do công nghiệp sản sinh ra”(3). Ở tác phẩm Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản (1847), Ph.Ăngghen khẳng định: “Giai cấp vô sản là do cuộc cách mạng công nghiệp sản sinh ra; cuộc cách mạng này xảy ra ở Anh vào nửa sau của thế kỷ trước (tức là thế kỷ XVIII - người viết), và sau đó tái diễn ở tất cả các nước văn minh trên thế giới...”(4).
GCCN hiện đại là chủ thể và là sản phẩm tiêu biểu của quá trình sản xuất vật chất hiện đại. Ph.Ăngghen viết: “Cuộc cách mạng công nghiệp chiếm lĩnh hết ngành sản xuất này đến ngành sản xuất khác thì giai cấp này cũng càng lớn lên không ngừng”(5). Họ là những người sử dụng, vận hành các công cụ, phương tiện là máy móc, công nghệ ngày càng hiện đại để tạo ra của cải vật chất; họ là lực lượng sản xuất hàng đầu, do đó, lao động sản xuất vật chất của họ có vai trò quyết định sự tồn tại, phát triển của xã hội công nghiệp. Tính chất xã hội hóa của sản xuất công nghiệp vừa rèn luyện những phẩm chất cho GCCN trở thành giai cấp tiên tiến nhất, có tác phong công nghiệp, lối sống vị tha; Và điều quan trọng cần nhấn mạnh là, từ xu thế tính chất xã hội hóa của đại công nghiệp, nảy sinh những tiền đề, điều kiện hiện thực cho CNXH hiện đại!
GCCN hiện đại là sản phẩm xã hội của quá trình công nghiệp hóa TBCN. Cuộc cách mạng công nghiệp và cơ chế cạnh tranh TBCN đã làm tan rã cơ cấu giai cấp của xã hội cũ, làm cho nhiều giai tầng xã hội suy tàn và buộc phải gia nhập vào hàng ngũ giai cấp vô sản. Quá trình này làm cho GCCN ngày càng đông đảo và chiếm tuyệt đại bộ phận dân cư. “Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”(6).
Chính việc mở rộng khái niệm GCCN và tường minh những nội hàm đã giúp hậu thế nhận rõ những đặc điểm ưu việt của GCCN, giai cấp gắn liền với xu thế xã hội hóa trong sản xuất và từ đó xuất hiện những tiền đề cho CNXH.
Ph.Ăngghen góp phần làm rõ quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Trước C.Mác và Ph.Ăngghen, các nhà không tưởng đề cập đến ước vọng về CNXH thường khá trừu tượng hoặc chủ quan khi đề cập đến vấn đề: làm thế nào để xây dựng xã hội ấy? Chỉ khi phát triển thành khoa học thì lý luận về GCCN hiện đại, mà Ph.Ăngghen là người đã góp công lao lớn, mới giải quyết khá triệt để vấn đề trên.
Mục tiêu đầu tiên mà cuộc cách mạng XHCN của GCCN hướng tới là giải phóng sức sản xuất, phát triển xã hội để trên cơ sở đó đạt được công bằng, bình đẳng một cách tích cực. Khác với các nhà không tưởng coi bất công áp bức của CNTB là nguyên nhân hàng đầu của CNXH, Ph.Ăngghen thấy nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất mà GCCN là đại biểu, mới là nguyên nhân hàng đầu của lịch sử. SMLS trước tiên của GCCN là phát triển xã hội, thông qua giải phóng những lực lượng sản xuất mang tính xã hội hóa thoát khỏi sự hạn chế của quan hệ sản xuất tư nhân TBCN. Mục tiêu ấy khi được thực hiện sẽ tạo ra điều kiện để mỗi con người và mọi người đều được phát triển tự do, toàn diện.
Theo Ph.Ăngghen: “Một xã hội tổ chức theo nguyên tắc cộng sản chủ nghĩa, sẽ làm cho những thành viên trong xã hội đó có khả năng sử dụng một cách toàn diện năng lực phát triển toàn diện của mình”(7). Xã hội ấy, theo dự đoán của C.Mác và Ph.Ăngghen: “sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(8). “Sự đối lập giữa thành thị và nông thôn cũng sẽ không còn”(9). Ph.Ăngghen khẳng định: “Đó là điều kiện tất yếu của sự liên hợp cộng sản chủ nghĩa, sự liên hợp ấy là do những nguyên nhân hoàn toàn vật chất đưa đến”(10).
Nội dung của SMLS của GCCN bao gồm toàn diện các quá trình xây dựng một hình thái kinh tế - xã hội mới trên các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa tư tưởng... Trong đó nội dung cơ bản và quyết định nhất là xây dựng cơ sở kinh tế - xã hội cho CNXH. Phát triển “đại công nghiệp” theo hướng hiện đại và “sự trưởng thành của giai cấp công nhân” cả về số lượng, chất lượng là công việc cơ bản. Nội dung chính trị - xã hội bao gồm việc xóa bỏ chế độ TBCN và xây dựng, phát triển chế độ dân chủ XHCN... Nội dung văn hóa - tư tưởng chủ yếu là cải tạo những tư tưởng cổ truyền không còn phù hợp, xây dựng nền văn hóa mới, trong đó hệ tư tưởng, lối sống của GCCN với các đặc trưng lao động, công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do, sẽ là hệ giá trị chủ đạo của xã hội XHCN.
Lực lượng cùng GCCN thực hiện SMLS là toàn thể các giai cấp, tầng lớp đang bị quan hệ sản xuất TBCN và chế độ TBCN áp bức, bóc lột. Trong cuộc giải phóng này, GCCN không chỉ tự giải phóng mà còn đồng thời cùng giải phóng và “lãnh đạo toàn xã hội trong cuộc giải phóng ra khỏi ách áp bức bóc lột cuối cùng trong lịch sử.” GCCN là giai cấp lãnh đạo; các giai cấp tầng lớp khác như nông dân, trí thức là đồng minh trong quá trình thực hiện SMLS. Bản thân GCCN cũng phải tự “xây dựng một đội ngũ trí thức vô sản cho mình” để bắt kịp nhu cầu phát triển của đại công nghiệp và cách mạng XHCN.
Điều kiện chủ quan để GCCN thực hiện SMLS: Trước hết GCCN phải thật sự trưởng thành cả về số lượng và chất lượng để xứng đáng là giai cấp gánh vác trách nhiệm với toàn thế giới. Sự phát triển của GCCN một mặt gắn liền với sự phát triển của công nghiệp hóa (có thể do chính họ chủ động hoạch định và thực hiện); mặt khác thông qua tác động của chế độ chính trị với quan hệ giữa GCCN với các giai tầng khác.
Điều kiện chủ quan quyết định nhất là việc GCCN được tổ chức thành giai cấp tự giác, với tổ chức hạt nhân là Đảng Cộng sản - bộ tham mưu, đội tiền phong của nó, sẽ thực hiện sứ mệnh lịch sử phủ định chế độ TBCN, xác lập chế độ XHCN. Đảng của GCCN có trình độ giác ngộ cao về lý luận, trung thành với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa do hiểu biết tường tận quy luật của lịch sử, đại biểu cho lợi ích của toàn giai cấp và của dân tộc là người thay mặt GCCN lãnh đạo cuộc cách mạng XHCN.
Biện pháp thực hiện SMLS của GCCN: Ăngghen nhấn mạnh việc GCCN giành chính quyền, trở thành giai cấp lãnh đạo xã hội và coi đó là tiền đề chính trị hàng đầu. Cùng với sự nghiệp đó, Người cũng nhấn mạnh vai trò thúc đẩy phát triển sức sản xuất của xã hội trên cơ sở thiết lập chế độ công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu bằng nhiều biện pháp, dưới nhiều hình thức.
Tiến trình thực hiện SMLS của GCCN: Ở trong nước, GCCN phải trở thành giai cấp đại diện cho dân tộc, trở thành giai cấp lãnh đạo xã hội, “trở thành nhà nước”,“trở thành giai cấp dân tộc”; Lãnh đạo nhân dân xóa bỏ chế độ cũ, xác lập chế độ XHCN là mục tiêu chính trị và điều kiện chính trị để GCCN thực hiện SMLS của mình. Trong quan hệ quốc tế, GCCN mỗi nước phải giúp đỡ GCCN và các dân tộc khác thực hiện sự nghiệp giải phóng. GCCN trên toàn thế giới phải được đoàn kết lại, được tổ chức khoa học với tình hữu ái giai cấp và chủ nghĩa quốc tế của “những con người sẽ xây dựng thế giới mới”.
Ph.Ăngghen đã tổng kết, phát triển lý luận về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Qua hàng chục năm nghiên cứu, Ph.Ăngghen là người đã tổng kết toàn diện chủ nghĩa Mác nói chung và SMLS của GCCN nói riêng.
Điển hình là tác phẩm Chống Đuyrinh của Ph.Ăngghen (1878). Cùng với phần luận chiến chống các tư tưởng phản động, sai trái của Đuyrinh, tác phẩm này có thể được coi là tập đại thành của chủ nghĩa Mác. Với tác phẩm này, Ph.Ăngghen trình bày có tính chất tổng kết toàn diện sự phát triển của chủ nghĩa Mác; chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa 3 bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác là Triết học, Kinh tế chính trị học và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Đặc biệt là lý luận về SMLS của GCCN trong quá trình phát triển và những giá trị khoa học và cách mạng của nó. Theo C.Mác, tác phẩm này là “sự trình bày chủ nghĩa Mác đầy đủ nhất, rõ ràng nhất” và là “sách gối đầu giường của những người công nhân có tri thức”.
Chính Ph.Ăngghen cũng là người có nhiều điều chỉnh, bổ sung, phát triển khoa học đối với lý luận về SMLS và được Mác tán thành. Trong quan điểm của các ông, nhận thức về GCCN và quá trình thực hiện SMLS của nó phải được thường xuyên bổ sung, điều chỉnh. Tư tưởng của giai cấp cách mạng ngày càng được lớn mạnh trong các cuộc luận chiến để tự bảo vệ tính khoa học, tính cách mạng và sự trong sáng trước những mưu toan phủ nhận, xuyên tạc của kẻ thù hoặc chủ nghĩa cơ hội trong phong trào. Tư tưởng đó cũng ngày càng hoàn thiện thông qua cuộc đấu tranh trong nội bộ giai cấp và nỗ lực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Đó là những vấn đề có tính quy luật của phát triển lý luận về GCCN do chính Ph.Ăngghen đề xướng.
Thực tế thay đổi thì lý luận cũng phải vận động tương ứng, phát triển, làm mới để tiệm cận chân lý là ý nghĩa phương pháp luận lớn nhất. Cảm hứng tích cực về tương lai của GCCN, tuy có những tác dụng tích cực với phong trào công nhân đương thời, nhưng trong các tác phẩm giai đoạn sau 1871, cũng đã bớt dần đi sự lãng mạn mà thay vào đó là những tư duy khoa học hơn. Các ông đã thẳng thắn thừa nhận sai lầm khi nhận định về tình hình thế giới, về CNTB, về phương pháp, sách lược cách mạng của phong trào công nhân trong thời kỳ cách mạng châu Âu rất sôi nổi giữa thế kỷ XIX... Và thay vào đó, là những điều chỉnh, sửa chữa phù hợp với thực tế đang không ngừng vận động. Chẳng hạn khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản không thể chỉ đạt được thông qua một đợt xung phong ở một nước hay một vài thành phố lớn như kiểu Công xã Paris mà “sẽ đồng thời xảy ra ở trong tất cả các nước văn minh, tức là ít nhất, Anh, Mỹ, Pháp, Đức...”(11) . Rằng, cần rất quan tâm đến các biện pháp đấu tranh, kể cả đấu tranh nghị trường “là một điểm đáng được nghiên cứu tỉ mỉ hơn nữa”(12).
2. Giá trị, đóng góp của Ph.Ăngghen cho lý luận về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và một số vấn đề cần bổ sung, phát triển
Thật khó phân định rạch ròi đâu là cống hiến lý luận của Ph.Ăngghen, đâu là cống hiến của C.Mác; bản thân ông cũng luôn coi mình chỉ là người thực hiện những ý tưởng khoa học của Mác. Tuy vậy, từ các nghiên cứu của hậu thế, đặc biệt là những đánh giá của VI.Lênin về Ph.Ăngghen, có thể tóm tắt những giá trị lớn mà Người đóng góp cho lý luận về SMLS của GCCN sau đây.
Ph.Ăngghen là nhà kinh điển đi sâu vào nghiên cứu GCCN như một đối tượng nghiên cứu đặc thù và có nhiều đóng góp có giá trị lớn; rất nhiều kết luận khoa học của Ph.Ăngghen đã được C.Mác đánh giá cao và sử dụng như những luận điểm khoa học cơ bản để luận chứng cho SMLS của GCCN. Logíc căn bản nhất của học thuyết Mác là công nghiệp hóa, sự phát triển của GCCN và tính tất yếu của CNXH. Làm sáng tỏ logíc ấy, có công lao lớn của Ph.Ăngghen.
Ph.Ăngghen đã có công luận chứng bằng nhiều luận điểm khoa học liên ngành, cái mà thiếu nó thì chủ nghĩa duy vật lịch sử chưa thể có được “nền móng” khoa học vững chắc và sâu rộng như hiện nay. Cũng chính từ đó mà lập luận về SMLS của GCCN càng tăng thêm tính thuyết phục. Có thể kể đến tri thức bách khoa toàn thư của Ph.Ăngghen trong nhiều tác phẩm như: Biện chứng của tự nhiên, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ sở hữu và của nhà nước, Lútvich Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức, Luận văn quân sự...
Cùng với C.Mác và sau này là nỗ lực bản thân, Ph.Ăngghen đã có nhiều công lao trong việc tổ chức GCCN quốc tế trong các tổ chức Quốc tế (Quốc tế 1 và Quốc tế 2) và từ đó, khẳng định trên thực tế, bằng hành động về tính chất toàn thế giới của SMLS, khẳng định vai trò của lãnh đạo đoàn kết quốc tế trong thực hiện chủ nghĩa quốc tế của GCCN.
Sau khi Mác mất, Ph.Ăngghen là người thừa kế xứng đáng nhất trong việc tiếp tục hoàn thiện các tác phẩm của C.Mác, Ph.Ănghen là người đã chỉnh lý, biên tập và xuất bản Quyển II và Quyển III bộ Tư bản hoặc hiện thực hóa nhiều ý tưởng mà khi sinh thời Mác chưa kịp thực hiện. Chính những tác phẩm của Ăngghen 12 năm sau khi Mác mất (1883 - 1895) đã làm sáng tỏ thêm rất nhiều luận điểm khoa học của học thuyết Mác và SMLS của GCCN. Lênin đã đánh giá: “Sau bạn ông là C.Mác (mất năm 1883), Ph.Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh”(13).
Một vài luận điểm cần tiếp tục nghiên cứu và bổ sung phát triển từ di sản lý luận của Ph.Ăngghen
Chủ nghĩa Mác - Lênin và lý luận về GCCN, SMLS cũng như nhiều ngành khoa học khác đều đứng trước thách thức của thời đại bùng nổ thành tựu của khoa học - công nghệ và chịu sự giám định, khảo nghiệm của thực tiễn. Tri thức luôn được xác định bởi hoàn cảnh lịch sử và luôn là những chân lý tương đối. Nhân loại coi đó là một trong những quy luật phát triển của khoa học. Theo đó cũng có một số luận điểm nhận định liên quan đến lý luận về GCCN, SMLS đã bị thực tế vượt qua và cần phải điều chỉnh.
Dưới đây là một số tư tưởng của Ăngghen về GCCN đương thời cần được nghiên cứu thêm và làm rõ hơn trong bối cảnh hiện nay:
Lao động trí tuệ ngày càng có vai trò to lớn trong lao động sống của công nhân hiện đại. Ph.Ăngghen trong Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh (1845) có đề cập đến những hiểu biết rộng rãi của những người vô sản, những quan niệm không bị ràng buộc bởi thiên kiến tôn giáo và dân tộc ở họ; những tri thức mà lớp “công nhân công xưởng” vận dụng khi sản xuất công nghiệp...
Tuy vậy, xu thế “trí tuệ hóa” của GCCN chỉ được bộc lộ rõ hơn trong những cuộc cách mạng công nghiệp gần đây. Công cụ lao động của công nhân không chỉ là máy móc cơ khí với những tư duy về kỹ thuật và quy trình sản xuất nữa; ngày nay họ phải vận hành một tổ hợp máy móc được tích hợp thành một khối liên kết đa chức năng và biết lập trình các hoạt động. Theo đó, năng lực vận hành máy móc còn bao gồm các kỹ năng lập trình, tư duy tưởng tượng về kết quả và các quy trình sẽ diễn ra với sản xuất (tư duy suy luận ảo).
Theo đó, trí tuệ hóa lao động công nghiệp là một yêu cầu tự nhiên khi đào tạo công nhân. Yêu cầu về tri thức của công nhân hiện nay ở nhiều ngành công nghiệp là tương đương với hiểu biết của một kỹ sư. Thậm chí, theo một nghiên cứu gần đây: “Về cơ bản, vũ khí cạnh tranh quyết định ở thế kỷ XXI là giáo dục và kỹ năng của lực lượng lao động... Nếu bạn chọn công nghệ sinh học thì chiến lược của bạn phải là: bạn có đào tạo đủ tiến sĩ sinh học chưa? Bởi vì tiến sĩ sinh học trong công nghệ sinh học là tương đương với công nhân sản xuất trong các ngành công nghiệp khác”(14). Theo đó, phẩm chất trí tuệ của công nhân cũng cần được bổ sung, nâng cao thêm về trình độ mà họ cần có khi tham gia vào lao động hiện đại.
Công nhân đang “sở hữu và sử dụng một loại tư liệu sản xuất đặc biệt”- tri thức. Trong sản xuất hiện đại, người ta thừa nhận rằng, tri thức là một yếu tố đầu vào của sản xuất. Nó bao gồm hiểu biết nghề nghiệp, tay nghề, các “kỹ năng mềm của công nhân” và cả tình cảm, đạo đức nghề nghiệp... Những tư liệu sản xuất ấy lại đang tồn tại bên trong của một người công nhân cụ thể. Nó cũng buộc các nhà tuyển dụng phải quan tâm và người lao động cũng có quyền mặc cả để có đồng lương xứng đáng với “tư liệu sản xuất đặc biệt” mà mình đóng góp.
Rõ ràng kinh tế tri thức đã khách quan tạo ra điều kiện để người lao động hiện đại có một vị thế khác, vì họ cũng là người đồng sở hữu và sử dụng một tư liệu sản xuất đặc biệt. Và hiển nhiên, khái niệm vô sản chưa đủ để phản ánh một bộ phận công nhân hiện đại.
CNXH không có sản xuất hàng hóa, là luận điểm Ph.Ăngghen đưa ra trong Chống Đuy rinh (1878): “Cùng với việc xã hội nắm lấy những tư liệu sản xuất thì sản xuất hàng hóa cũng bị loại trừ, và do đó, sự thống trị của hàng hóa đối với những người sản xuất cũng bị loại trừ. Tình trạng vô chính phủ trong nội bộ nền sản xuất xã hội được thay thế bằng một sự tổ chức có kế hoạch, có ý thức”(15).
Sản xuất hàng hóa hiện nay cùng với cơ chế kinh tế thị trường vẫn là những ứng dụng mới mẻ và hữu ích nhất cho sự phát triển kinh tế để từ đó thực hiện công bằng, bình đẳng ở các nước XHCN. Chưa thấy từ thực tiễn xây dựng CNXH, những dấu hiệu của xu thế xóa bỏ nền sản xuất hàng hóa. Trên thực tế hiện nay và theo sự khẳng định của các Đảng Cộng sản đang cải cách, đổi mới, thì “nền kinh tế nhiều thành phần sẽ còn tồn tại lâu dài trong CNXH” và hệ quả của nó - sản xuất hàng hóa, hiển nhiên cũng sẽ còn tồn tại lâu dài.
Nhưng cái gì chưa diễn ra, thì không phải là không thể diễn ra. Bởi vậy, tư tưởng về CNXH là “nền sản xuất vật phẩm” và “không có sản xuất hàng hóa”, vẫn có thể xem là một tư tưởng cần có thêm sự kiểm chứng từ thực tiễn.
Ph.Ăngghen là lãnh tụ vĩ đại của GCCN và là nhà bác học đã có nhiều đóng góp vĩ đại cho học thuyết Mác. Cùng với thời gian những giá trị lớn lao trong tư tưởng của ông đang được thực tiễn tiếp tục khẳng định và kiểm chứng. Đó cũng là biểu hiện tiêu biểu cho sức sống của Học thuyết này.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2021
(1), (3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.327-328, 353.
(2), (5), (12) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.22, Sđd, tr.450, 450, 758.
(4), (6), (7), (8), (9), (10), (11) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.457, 610, 475, 628, 475, 475, 472.
(13) V.I.Lênin: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.3.
(14) Nhiều tác giả, Rowan Gibshon biên tập: Tư duy lại tương lai, Nxb Trẻ TP. Hồ Chí Minh, Thời báo kinh tế Sài Gòn, Trung tâm Kinh tế châu Á Thái Bình Dương cùng xuất bản, 2002, tr.381-382.
(15) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, sđd, t.20, tr.392.
Nguồn: PGS, TS Nguyễn An Ninh
Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa