Ý thức chính trị có vai trò hết sức quan trọng, góp phần
phát huy sự chủ động, sáng tạo và hành động chính trị tích cực của sinh viên Việt
Nam. Hiện nay, ý thức chính trị của sinh viên không chỉ tuân theo quy luật nội
tại vốn có mà còn chịu sự tác động của những yếu tố khác, như: quá trình toàn cầu
hóa, tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước, chất lượng giáo dục ý
thức chính trị...
Ý thức chính trị của sinh viên là một trong những nhân tố
tinh thần, có sức mạnh góp phần giúp sinh viên vượt qua khó khăn của cuộc sống
và cảnh giác trước những âm mưu phá hoại của kẻ thù, bảo vệ lý tưởng cao đẹp; đồng
thời, khơi dậy lòng tự hào, niềm tin, ý chí, bản lĩnh kiên cường của con người
xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước hiện
nay. Hiện nay, ý thức chính trị của sinh viên chịu sự tác động của những yếu tố
sau:
Một là, tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội cho
sinh viên Việt Nam phấn đấu trở thành những công dân toàn cầu; được tiếp xúc
nhiều hơn với đời sống chính trị thế giới, từ đó có thêm các tri thức chính trị,
giúp sinh viên nâng cao nhận thức và trình độ chính trị.
Tuy nhiên, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng làm du nhập
những luồng chính trị ngoại lai không phù hợp với chế độ chính trị xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam, làm một bộ phận sinh viên dao động về chính trị, thậm chí mất
phương hướng, nhận thức sai lầm về chính trị. Lợi dụng quá trình toàn cầu hóa
và hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến
hòa bình” với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, từ đó làm cho một bộ phận sinh
viên dễ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nói, viết, làm trái quan điểm,
chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Đặc biệt, các thế lực
thù địch triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tuyên truyền,
kích động, xuyên tạc, nhất là trước những sự kiện “nóng” về chính trị, tác động
tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin chính trị của sinh viên.
Hai là, tác động của tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của
đất nước.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Nhìn lại 35
năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng được
hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa”(1). Công tác xây dựng Đảng về chính
trị được chú trọng, về tư tưởng tiếp tục được tăng cường, về đạo đức được đề
cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân,
cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đạt
được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế,
vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Đảng ta đã
lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, đưa đất nước vững vàng vượt qua khó khăn
trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam và trên thế giới.
Những điều kiện thuận lợi trên tác động trực tiếp tới sinh hoạt và học tập của
sinh viên. Sinh viên luôn đặt niềm tin và kỳ vọng về những định hướng, quyết
sách đúng đắn, tạo đột phá cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Hầu hết sinh viên Việt Nam có thái độ sống tích cực, năng động, có chí hướng và
say mê học tập, xung kích trong nghiên cứu khoa học, sáng tạo, tình nguyện và
tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế; giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức
nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin, luận
điệu sai trái, những biểu hiện tiêu cực của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của
các thế lực thù địch, phản động, nhất là trên các phương tiện truyền thông xã hội;
khắc phục tình trạng “nhạt Đảng”, “khô đoàn”, “xa rời chính trị”.
Tuy nhiên, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, phát
triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có một số bất cập, hạn chế
đã tác động tiêu cực đến ý thức chính trị của sinh viên. Chỉ thị số 42-CT/TW,
ngày 24-3-2015, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ
giai đoạn 2015 - 2030” chỉ rõ: “Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý
thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống
văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi
kéo, kích động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng
tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp”(2). Văn kiện Đại hội
X, nhiệm kỳ 2018 - 2023, của Hội Sinh viên Việt Nam đánh giá: “Một số ít sinh
viên còn thờ ơ về chính trị, sống thiếu lý tưởng, lệch lạc về quan điểm sống, dễ
bị ảnh hưởng của những trào lưu không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không
lành mạnh, mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Không ít sinh viên thiếu ý
chí phấn đấu, không tích cực học tập, thiếu kỹ năng thực hành xã hội, không đáp
ứng được yêu cầu của thị trường lao động sau khi ra trường”(3).
Ba là, tác động từ môi trường chính trị - xã hội của các trường
đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay.
C. Mác khẳng định: “Con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào
thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức ấy”(4). Do vậy, môi trường chính trị
- xã hội ở các trường đại học, cao đẳng tác động không nhỏ đến quá trình phát
triển ý thức chính trị của sinh viên ở nước ta hiện nay. Môi trường ấy là tổng
hòa các quan hệ chính trị - xã hội, đời sống chính trị, tư tưởng, tình cảm, đạo
đức, lối sống… của các tổ chức và cá nhân trong nhà trường, có ảnh hưởng thường
xuyên, trực tiếp đến quá trình phát triển ý thức chính trị của sinh viên.
Quá trình tác động này biểu hiện thông qua các mối quan hệ của
sinh viên trong suốt quá trình sinh hoạt và học tập tại trường. Đó là quan hệ
giữa sinh viên với giảng viên, giữa sinh viên với lãnh đạo nhà trường, giữa
sinh viên với các cơ quan, tổ chức trong nhà trường và quan hệ giữa các sinh
viên với nhau. Các mối quan hệ đó luôn luôn tồn tại đan xen trong tất cả các hoạt
động của sinh viên, từ học tập, rèn luyện đến vui chơi, tham gia các hoạt động
chính trị - xã hội, các phong trào xung kích của tuổi trẻ… Thông qua các quan hệ
đó, sinh viên tiếp nhận một cách trực tiếp các tác động tích cực của môi trường
chính trị - xã hội của nhà trường, từ đó nâng cao nhận thức chính trị, tình cảm,
niềm tin chính trị và ý chí quyết tâm. Mặt khác, thông qua các quan hệ đó, với
tư cách là “chủ thể sáng tạo”, sinh viên còn tác động trở lại làm cho môi trường
chính trị - xã hội của nhà trường phong phú và phát triển bền vững.
Trong quá trình đào tạo tại trường, sinh viên được học tập,
nghiên cứu các môn khoa học cơ bản, cơ sở, nhất là các môn lý luận chủ nghĩa
Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; được rèn luyện thông qua các hoạt động giáo
dục chính trị, đạo đức, giáo dục truyền thống và các hoạt động chính trị - xã hội,
hoạt động ngoại khóa. Mặt khác, đại đa số giảng viên của các trường đại học,
cao đẳng là những người có kiến thức sâu rộng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có
kinh nghiệm và đam mê với sự nghiệp trồng người, luôn gần gũi, tận tình giảng dạy,
dìu dắt các thế hệ sinh viên. Thông qua đó, thế giới quan, nhân sinh quan và
phương pháp luận, tác phong khoa học của sinh viên được hình thành, phát triển;
cùng với đó, hệ thống tri thức chính trị, tình cảm, niềm tin vào mục tiêu, lý
tưởng của Đảng, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được xây dựng và củng
cố.
Bên cạnh những thuận lợi, môi trường chính trị - xã hội của
các trường đại học, cao đẳng còn có hạn chế, bất cập, tác động tiêu cực đến ý
thức chính trị của sinh viên ở nước ta hiện nay. Tại một số trường đại học, cao
đẳng, công tác nắm bắt, định hướng dư luận sinh viên ở một số thời điểm, một số
đơn vị chưa được quan tâm; việc xử lý, giải quyết các tình huống mới, phát sinh
còn chậm, lúng túng. Các hoạt động tạo môi trường để sinh viên học tập, sáng tạo,
nghiên cứu khoa học ở nhiều nơi chưa có nhiều đột phá, chưa tận dụng được nguồn
lực và tiềm năng của sinh viên. Đặc biệt, còn có “một bộ phận nhà giáo và cán bộ
quản lý giáo dục chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu
tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”(5).
Bốn là, chất lượng giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên
hiện nay.
Hình thức, phương pháp giáo dục ý thức chính trị cho sinh
viên luôn có sự đổi mới phù hợp với tâm lý tuổi trẻ, hướng vào phát huy tính chủ
động, độc lập, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm. Cùng với
giáo dục chính khóa trong nhà trường, vai trò của các cơ quan, tổ chức chính trị
- xã hội cũng được phát huy trong hoạt động giáo dục, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh trong các nhà trường đã có nhiều phong trào, hành động thiết thực,
như cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt” (đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt,
tình nguyện tốt, hội nhập tốt), “Xây dựng môi trường giáo dục tích cực, thân
thiện, lành mạnh”, “Sinh viên Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”…; các diễn
đàn, như “Vườn ươm ý tưởng nghiên cứu khoa học”, “Đồng hành cùng sinh viên
trong nghiên cứu khoa học”,… đã tăng cường giáo dục, góp phần nâng cao ý thức
chính trị cho sinh viên; thực hiện mục tiêu của các nhà trường là đào tạo ra những
thế hệ sinh viên không chỉ thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn có lập
trường kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, có lòng yêu nước nồng nàn, có
năng lực sáng tạo, có khả năng tiếp thu tri thức mới, hăng hái đi đầu trong các
phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ.
Bên cạnh những mặt tích cực, giáo dục ý thức chính trị cho
sinh viên hiện nay còn có những hạn chế nhất định. Ở một số trường, việc dạy và
học các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa được coi trọng đúng
mức; một số giảng viên, sinh viên, thậm chí cả các bậc phụ huynh coi đó là môn
học phụ, việc dạy và học chưa tạo được hứng thú cho người học, chất lượng chưa
cao. Nội dung, chương trình, phương thức giáo dục chậm đổi mới, chưa thật gắn kết,
phù hợp, thiếu hấp dẫn, lôi cuốn sinh viên. Đội ngũ làm công tác giáo dục lý luận
ở nhiều nơi còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Những tồn tại
này gây ảnh hưởng đến ý thức chính trị của sinh viên. Một bộ phận sinh viên
chưa có nhận thức chính trị đầy đủ, đúng đắn.
-St-
bài rất thực tế
Trả lờiXóa