Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

ĐẤU TRANH BÁC BỎ QUAN ĐIỂM “NHÂN QUYỀN CAO HƠN CHỦ QUYỀN”

 "Nhân quyền cao hơn chủ quyền'', ''Nhân quyền không biên giới'', ''Chủ quyền hạn chế'', ''Can thiệp nhân đạo''... là những cách diễn đạt khác nhau của cùng một tư tưởng lý luận

và ý đồ chính trị của các thế lực cực hữu phương Tây dùng dân chủ, nhân quyền làm công cụ để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước XHCN và các quốc gia đi theo con đường độc lập dân tộc, trong đó có Việt Nam.

Quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Tất cả các quốc gia dân tộc đều có những đóng góp vào giá trị đó. Quyền con người là thành quả của các cuộc đấu tranh: đấu tranh giai cấp, chống áp bức, bóc lột; đấu tranh giành độc lập dân tộc và đấu tranh chống lại sự suy thoái về đạo đức, lối sống, hướng đến sự hoàn thiện phẩm giá con người. Với chúng ta, bảo đảm quyền con người chân chính thuộc bản chất của chế độ xã hội XHCN của Đảng và của Nhà nước ta.

Trong chiến lược ''diễn biến hòa bình'', ngoại giao nhân quyền là một vũ khí lợi hại của chủ nghĩa đế quốc. Chống phá nước ta về nhân quyền là một nội dung trọng tâm của các thế lực thù địch. Chúng ta cần thấy, lực lượng tham gia vào chiến dịch chống phá ta hiện nay có sự thay đổi theo hướng mở rộng về số lượng, thành phần, đối tượng. Đó là gồm các tổ chức phi chính phủ (“NGOS”) ở nước ngoài được các quốc gia “hà hơi tiếp sức”, hỗ trợ về chính trị, cung cấp tài chính,… như: tổ chức Nhà tự do (FH), Ân xá quốc tế (AI), Phóng viên không biên giới (RSF), Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ), Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW),...

Khác với các giai đoạn trước đây, điểm mới trong chiến lược ''diễn biến hòa bình'' cũng là điểm mới trong việc sử dụng luận điểm ''Nhân quyền cao hơn chủ quyền'' của chủ nghĩa đế quốc là song song với việc truyền bá hệ tư tưởng tư sản, lối sống, văn hóa là áp đặt pháp lý đơn phương nhằm gây khó khăn, từng bước làm biến đổi chế độ xã hội ta.

Ảo tưởng thành lập ''Nhà nước Đêga độc lập'' ở Tây Nguyên, ''Nhà nước Khmer Rôm'' ở Tây Nam Bộ; ''Vương quốc H'mông tự trị'' ở Tây Bắc; ''Vương quốc Chăm'' ở Nam Trung Bộ cùng với mưu đồ xây dựng các tổ chức chính trị đội lốt tôn giáo phi pháp như ''Tin Lành Đêga'', "Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất'', ''Ủy ban liên tôn đấu tranh vì tự do tôn giáo''... là những kịch bản đầy tham vọng của họ. Có thể nói về chiến lược của chủ nghĩa đế quốc hiện nay là lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, lợi dụng luận điểm ''Nhân quyền cao hơn chủ quyền'' để can thiệp, chống phá cách mạng nước ta.

Thực tế lịch sử Việt Nam cho thấy, khi mất chủ quyền dân tộc, mọi người dân không có đầy đủ quyền con người mà chỉ là những người “vong quốc nô”. Chính Hồ Chí Minh đã rất đau xót khi phải thốt lên rằng: “Thân phận người An Nam chỉ là thân phận người nông nô”; “chúng tôi chẳng có quyền gì cả trừ quyền đóng thuế cho “mẫu quốc” Pháp, cho bọn chủ bản xứ... chúng tôi đã đau khổ nhiều và chúng tôi còn phải đau khổ nữa. Những người “khai hóa” nước chúng tôi không để chúng tôi tự do”. Trong tác phẩm Đông Dương, Người đã lên án thực dân Pháp: “chưa có bao giờ ở một thời đại nào, ở một nước nào, người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách một cách độc ác trơ tráo đến thế”.

Mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc là mấy ngàn năm lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổ quốc là giá trị thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam. Chỉ khi nào đất nước được độc lập, chủ quyền quốc gia được bảo vệ thì mới có hạnh phúc của mỗi con người, quyền của mỗi người dân mới được bảo đảm. Chủ quyền quốc gia và quyền con người có mối quan hệ khăng khít, bền chặt, biện chứng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một quốc gia mất chủ quyền thì nhân dân của quốc gia đó cũng sẽ không bảo đảm được quyền con người, việc bảo đảm quyền con người chỉ có được trong quốc gia thực sự có chủ quyền. Với thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, nhân dân Việt Nam từ chỗ là người nô lệ, bị mất nước trở thành những người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ chính vận mệnh của mình.

Như vậy, rõ ràng, ở đây không thể có cái gọi là “nhân quyền cao hơn chủ quyền” mà chỉ là sự thống nhất giữa quyền con người và chủ quyền quốc gia, lập luận “nhân quyền cao hơn chủ quyền” chỉ là ngụy biện cho những toan tính chính trị đen tối. Xét trên cả góc độ lý luận lẫn thực tiễn, quan điểm này tất yếu sẽ bị lịch sử bỏ qua bởi tính phi khoa học, phi logic, phi thực tiễn và hàm hồ của nó.

Bác bỏ luận điểm ''Nhân quyền cao hơn chủ quyền'' trong bối cảnh chính trị quốc tế hiện nay, chúng ta cần nhận thức đầy đủ, toàn diện về mục tiêu, chiến lược cách mạng của Đảng, về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời chúng ta cần nắm chắc đặc điểm của tình hình quốc tế liên quan đến cuộc đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người.

Trong điều kiện hiện nay, cuộc đấu tranh chống ''diễn biến hòa bình'' nói chung, đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Cuộc đấu tranh này cần phải phục vụ cho mục tiêu nhiệm vụ của chiến lược cách mạng hiện nay: "Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

1 nhận xét:

  1. Hiện nay, các thế lực thù địch không từ thủ đoạn nào để chống phá sự nghiệp cách mạng, chống phá Đảng, chống phá chế độ ta; dã tâm của chúng là không thay đổi. Do đó, cần nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của chúng để phòng ngừa.

    Trả lờiXóa