Hiện nay, trước diễn biến trên thế giới và khu vực có nhiều biến động phức
tạp, trong đó có tình hình Biển Ðông. Điển hình là các sự kiện như: dàn khoan
Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên biển Đông năm
2014; và mới đây nhất tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng các tàu hải cảnh,
tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam...Liên
quan vấn đề này các thế lực phản động đã triệt để lợi dụng internet và mạng xã
hội để tung ra những thông tin sai sự thật nhằm xuyên tạc, chống phá vấn đề chủ
quyền biển, đảo của Việt Nam, bôi nhọ, nói xấu mối quan hệ Việt Nam- Trung
Quốc.
Trước hết, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã lập nên các tờ báo,
đài phát thanh phản động ở nước ngoài như BBC, Đài châu Á tự do (RFA)..; các
trang mạng xã hội như facebook, Youtube, Twitter,… để phát tán tài liệu, hình
ảnh, video xuyên tạc tình hình, diễn biến phức tạp trên Biển Đông. Thủ đoạn
quen thuộc của các thế lực thù địch là lợi dụng những “điểm nóng” trên biển
Đông để bóp méo, bịa đặt, xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước
trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Gây chia rẽ, bất ổn trong
nước.
Các thế lực thù địch còn tán phát nhiều tài liệu, bài viết có nội dung
xuyên tạc đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ; chính sách quốc phòng
của Việt Nam và khả năng chiến đấu của Quân đội, gây tâm lý bất an, hoài nghi
của một bộ phận quần chúng do thiếu thông tin, do ngộ nhận; đòi “hợp tác với
một nước khác để giải quyết tình hình”, từ đó đánh vào tâm lý người dân, cho
rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước “vì phe này, phe kia” để chủ quyền biển, đảo bị
xâm lấn; đưa ra luận điệu: khi đất nước chỉ có một đảng thì không có đủ sức
mạnh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, từ đó hướng lái tư tưởng đòi đa nguyên chính
trị, đa đảng đối lập.
Lợi dụng các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch rêu rao rằng Đảng, Nhà
nước Việt Nam “nhu nhược” trong đường lối, chính sách bảo vệ chủ quyền quốc gia
trên biển; hải quân Việt Nam “hèn yếu”, “nhu nhược”...
Mục đích của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội khi lợi dụng internet và
mạng xã hội để đưa các thông tin tuyên truyền sai sự thật, xuyên tạc về tình
hình biển Đông là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ giữa Đảng,
Nhà nước, Quân đội và nhân dân trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt
Nam. Do đó, các thế lực thù địch đã lợi dụng những diễn biến phức tạp trên Biển
Đông để kích động một bộ phận nhân dân biểu tình, tuần hành gây mất ổn định an
ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, từ đó tác động tiêu cực tới nhận thức,
tư tưởng, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của nhân dân
vào sự lãnh đạo của Đảng. Mưu đồ sâu xa của các thế lực là thông qua vấn đề
biển, đảo đểchống phá chế độ, gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực
hiện “diễn biến hòa bình”; chia rẽ quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước
có liên quan, làm cho Việt Nam rơi vào tình trạng đối đầu, bị cô lập.
Do đó, đối với vấn đề tranh chấp trên Biển Ðông hiện nay, chúng ta phải đặc
biệt cảnh giác trước chiêu bài của các phần tử phản động và thế lực thù địch.
Việt Nam không thể trở thành con bài chính trị - nhất là của hai nước lớn, điều
đó sẽ hết sức nguy hiểm cho lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh: âm mưu độc chiếm Biển Ðông của Trung Quốc
không hề thay đổi. Ðối với giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc hiện nay Ðảng,
Nhà nước ta đã xác định: giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình. Kiên
quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc. Chủ
quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc là bất di, bất dịch, bất khả xâm phạm.
Giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Giữ vững mối
đoàn kết với tất cả các nước. Không được để xảy ra xung đột. Không để lệ thuộc
về kinh tế; không để bị cô lập về chính trị; không để bị lôi kéo đi theo nước
này để chống lại nước khác; không để đối đầu về quân sự.
Quan điểm của Ðảng, Nhà nước ta về giải quyết những mâu thuẫn trên biển
hiện nay là thực hiện tốt phương châm: Bốn không, bốn tránh, chín K, bốn giữ
vững. Bốn không: không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này
để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ
Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ
lực trong quan hệ quốc tế. Bốn tránh: tránh xung đột, tránh đối đầu, tránh bị
cô lập về chính trị, tránh bị lệ thuộc về chính trị. Chín K: kiên quyết, kiên
trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, kiềm chế, không
để nước ngoài lấn chiếm và không để xảy ra xung đột, đụng độ, không nổ súng
trước. Bốn giữ vững: giữ vững chủ quyền quốc gia; giữ vững môi trường hoà bình,
ổn định để phát triển; giữ vững quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt - Trung; giữ
vững ổn định chính trị trong nước.
Trước vấn đề tranh chấp trên Biển Ðông hiện nay, có quan điểm cho rằng Việt
Nam cần phải kiện Trung Quốc ra toà trọng tài quốc tế và phải đánh Trung Quốc.
Thực ra, hiện nay Việt Nam chưa kiện, chứ không phải không kiện. Bởi, Việt Nam
chủ trương đấu tranh bằng phương pháp hoà bình theo từng cấp độ, theo diễn biến
của tình hình và trên cơ sở phương châm 16 chữ (láng giềng hữu nghị, hợp tác
toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và 4 tốt (láng giềng tốt, bạn
bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) trong quan hệ với Trung Quốc. Mặt khác, Việt
Nam luôn tích cực đấu tranh cả trên thực địa và ngoại giao. Khi cần thiết,
chuẩn bị đầy đủ các yếu tố ta sẽ kiện, mà đã kiện là phải thắng.
Hơn bất kỳ một dân tộc nào, dân tộc ta thấu hiểu được sự mất mát đau thương
của chiến tranh. Trong điều kiện hiện nay, nếu chiến tranh xảy ra sẽ là vô cùng
nguy hại, sẽ là thiệt hại vô cùng lớn cả về con người và cơ sở vật chất, cả về
kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, ngoại giao; đặc biệt là không còn môi
trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước...
Khi chúng ta đã dùng hết mọi biện pháp hoà bình, không còn biện pháp nào
khác thì chúng ta buộc phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thố, biển đảo của Tổ quốc. Khi buộc phải đánh, chúng ta sẽ đánh
và đã đánh là phải thắng.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, đất nước Việt Nam có Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có nhân dân anh hùng, có quân đội anh hùng. Việt Nam đã có Ðiện Biên Phủ trên bộ, Ðiện Biên Phủ trên không, nếu tình huống xấu nhất xảy ra (dù ta không hề muốn), chắc chắn chúng ta sẽ có Ðiện Biên Phủ trên biển. Bởi vậy, hơn lúc nào hết mỗi chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn luôn tỉnh táo, cảnh giác để nhận diện các luận điệu, thủ đoạn xuyên tạc đường lối đối ngoại để chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực, thù địch, phần tử xấu./.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Trả lờiXóa