Thứ Năm, 8 tháng 6, 2023

Nhận diện, đấu tranh với quan điểm phủ nhận thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới đất nước

 

Thời gian vừa qua trên Internet và các trang mạng xã hội đã có nhiều bài viết chống phá, tuyên truyền nhiều luận điệu xuyên tạc về bản chất của Đảng, Nhà nước Việt Nam, phủ nhận những thành quả của đất nước ta đạt được trong thời kỳ đổi mới. Trước hết, chúng ta cần nhận diện âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, đó là: Chúng luôn coi nhẹ, phủ nhận những thành tựu to lớn, ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới; tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc, trái với quan điểm, nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta. Chúng kết hợp chống phá đường lối chính trị với chống phá trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tập trung công kích, xuyên tạc thành tựu của đổi mới là do Đảng, Nhà nước Việt Nam "tự vẽ lên", "tự mình khen mình", chứ thực chất, theo chúng là "không có thật"; đất nước vẫn trong cảnh nghèo nàn, tụt hậu, đời sống nhân dân còn rất khó khăn, người dân nghèo thì không được thụ hưởng…

Thứ nhất, phải khẳng định tính tất yếu khách quan của đổi mới và không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới.

Đổi mới ở Việt Nam do Đảng khởi xướng và lãnh đạo bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986). Đó là sự lựa chọn tất yếu nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, là bước ngoặt trong tiến trình phát triển của đất nước. Sau hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 (bổ sung phát triển năm 2011) và hơn 35 năm đổi mới đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, trở thành điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả nổi bật; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Tất cả những điều đó cho thấy đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Hai là, đổi mới ở Việt Nam là toàn diện, đồng bộ, có nguyên tắc, có lộ trình và bước đi thích hợp.

Đổi mới toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Đổi mới theo những nguyên tắc cơ bản như: Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi và biện pháp phù hợp; lấy chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước ta; đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị làm cho các tổ chức trong hệ thống chính trị hoạt động năng động và có hiệu quả hơn; sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi của cách mạng; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, kết hợp sức mạnh của nhân dân và sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.

Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang tiến hành đổi mới mạnh mẽ, toàn diện; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Những thành tựu đó là kết tinh trí tuệ, sức lực và bản lĩnh Việt Nam; phủ nhận thành quả cách mạng Việt Nam đồng nghĩa với phủ nhận một trong những trang sử hào hùng nhất của dân tộc; phủ nhận công lao, sự hy sinh xương máu của bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta; phủ nhận vai trò lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước của Đảng ta; đó là việc làm hoàn toàn trái với sự thật, với công lý và lẽ phải, xúc phạm quá khứ thiêng liêng của dân tộc, cần phải vạch trần, đấu tranh phê phán và bác bỏ.

1 nhận xét:

  1. Mỗi người dân Việt Nam cần tỉnh táo trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; không để chúng lợi dụng, lôi kéo, kích động tiến hành các hoạt động bất hợp pháp.

    Trả lờiXóa