Thứ nhất, quyền con người là giá trị chung của nhân loại, là mục tiêu
hướng tới của mọi xã hội dân chủ và văn minh. Quyền con người là phạm trù tổng
hợp, phức tạp, nên có nhiều quan niệm khác nhau, tuy nhiên quyền con người
không trừu tượng, mà luôn gắn với cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột và “phụ
thuộc vào bản chất của phương thức sản xuất và bản chất chính trị - xã hội với
quan hệ sản xuất thống trị quy định nên chế độ chính trị - xã hội ấy”(3), “Quyền
con người là những bảo đảm pháp lý phổ quát nhằm bảo vệ các cá nhân và các nhóm
chống lại những hành động và sự lãng quên làm tổn hại đến các quyền tự do cơ
bản và phẩm giá con người”(4)...
Tư tưởng quyền con người xuất hiện từ chế độ thị tộc, nhưng phải
đến thời kỳ cận đại mới được thảo luận sôi nổi và được đề cập như một học
thuyết thực sự. Vì vậy, quyền con người thường bị lợi dụng nhằm gây hiểu lầm
rằng, nó là thành tựu của riêng văn minh phương Tây. Cùng với sự ra đời của
Liên hợp quốc năm 1945, những văn kiện quốc tế về quyền con người cũng được xây
dựng và phát triển (Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948, Công ước về
các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân
biệt đối xử về chủng tộc năm 1965, Công ước về các quyền dân sự, chính trị
(ICCPR) năm 1966, Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (ICESCR) năm
1966...), quyền con người được khẳng định là những giá trị bẩm sinh, vốn có của
mỗi cá nhân, được ghi nhận và bảo vệ bởi pháp luật quốc gia và quốc tế; là
những giá trị, ngôn ngữ và tiêu chuẩn chung của nhân loại. Thực tế, quyền con
người trước khi chuyển hóa vào hiện thực trong cuộc sống, “phải trở thành quan
niệm của chính con người, nghĩa là được con người coi là cái thiết yếu, cái cần
phải như vậy - cần cho sự tồn tại”(5).
Ở Việt Nam, Đảng ta luôn coi quyền con người là thành quả của cuộc
đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp
bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm
chủ thiên nhiên; qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại.
Việc chỉ rõ nguồn gốc quyền con người là cơ sở bác bỏ những luận điệu sai trái,
xuyên tạc, coi quyền con người như một phát kiến, sản phẩm của riêng giai cấp
tư sản và chủ nghĩa tư bản phương Tây; góp phần quan trọng trong đấu tranh
chống các quan điểm cực đoan, phiến diện của các lực lượng thù địch, phản động
luôn sử dụng thủ đoạn áp đặt cái gọi là “chuẩn mực” quyền con người tư sản vào
các nước không “cùng quỹ đạo” hòng xóa bỏ chế độ chính trị ở những quốc gia
này.
Thứ hai, quyền con người luôn gắn liền với quyền dân tộc tự quyết và chủ
quyền quốc gia, gắn bó mật thiết trong toàn bộ quá trình phát triển của lịch
sử. Muốn có quyền con người, phải thực sự có chủ quyền quốc gia. Khi chủ quyền
của một quốc gia, dân tộc bị xâm phạm, chà đạp thì không thể tồn tại các “quyền
sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” của nhân dân. Ở cấp độ quốc tế,
quyền dân tộc tự quyết được khẳng định trong Hiến chương Liên hợp quốc(6) và
được nhấn mạnh trong các văn kiện quốc tế, rằng: “Tất cả các dân tộc đều có
quyền tự quyết... Khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm quyền con
người”(7). Vì vậy, không một quốc gia, không một tổ chức nào được phép tự
coi mình là đại diện cho quyền con người toàn nhân loại, sử dụng cái gọi là
“nhân quyền cao hơn chủ quyền” hay “nhân quyền không biên giới” nhằm can thiệp
vào công việc nội bộ các quốc gia có chủ quyền, bởi đó là hành động vi phạm
nghiêm trọng quyền con người.
Đối với Việt Nam, thực tiễn lịch sử cho thấy, khi mất chủ quyền
thì người dân không có tự do, dẫn đến các quyền con người bị chà đạp, “Thân
phận người An Nam chỉ là thân phận người nông nô”(8). Do đó,
để giành quyền tự do của mỗi cá nhân thì trước hết phải giành quyền tự do cho
cả dân tộc. Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là nền tảng, là điều kiện quan
trọng để thực hiện quyền con người. Chỉ đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945
thành công, Nhà nước Dân chủ Cộng hòa ra đời, địa vị của người dân Việt Nam mới
được thay đổi từ nô lệ trở thành chủ nhân của một quốc gia độc lập, các quyền
công dân của người Việt Nam lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp năm
1946. Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, hiện nay Việt Nam đang từng bước
thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - đây
chính là biểu hiện cao nhất và cụ thể nhất của quyền con người Việt Nam, của sự
khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc.
Thứ ba, quyền con người là giá trị phổ quát và mang tính tất yếu, song
phải được ghi nhận và bảo vệ bằng pháp luật. Quyền con người dù được thừa nhận,
song lại không mặc định được áp dụng trực tiếp trong xã hội, chỉ khi mang tính
pháp lý, các quyền ấy mới chuyển thành những quyền con người mang đầy đủ giá
trị hiện thực, và pháp luật chính là phương tiện để thực hiện quá trình chuyển
hoá đó. Trên phạm vi thế giới, việc pháp điển hóa các quyền ấy thành các tiêu
chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người diễn ra một cách có hệ thống kể từ khi
Liên hợp quốc ra đời. Theo đó, quyền con người đã trở thành một hệ thống tiêu
chuẩn pháp luật quốc tế, và việc tôn trọng, bảo vệ các quyền con người là thước
đo về trình độ văn minh của các nước và các dân tộc trên thế giới. Trong phạm
vi quốc gia, việc bảo vệ quyền con người thể hiện ở việc ghi nhận các quyền
trong pháp luật cùng với các thành quả phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội,
qua đó, cũng là cách để một quốc gia tuyên bố với thế giới về hiện thực quyền
con người của mình. Vì thế, không thể có cái gọi là “nhân quyền không biên
giới”, nhân danh quyền con người để thực hiện các hành động bất hợp pháp, như
xâm phạm chủ quyền và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.
Tại Việt Nam, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và Nhà nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập cho đến nay, cả hệ thống chính trị
Việt Nam luôn nỗ lực bảo đảm quyền con người. Cùng với sự phát triển của đất
nước, những tiêu chuẩn về quyền con người càng được củng cố. Trên cơ sở này,
Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, tham gia
các điều ước quốc tế, phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng nhằm thực hiện tiến
bộ xã hội, mang lại những thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận
và đánh giá cao.
Thứ tư, quyền không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm cá nhân. Sự thống
nhất giữa quyền và nghĩa vụ được hiểu rằng, các quyền của con người chỉ ra
những nghĩa vụ của xã hội nhằm thỏa mãn nhu cầu của mỗi cá nhân, đồng thời mỗi
cá nhân phải tôn trọng và thực thi nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với xã hội và
cộng đồng. “Không có quyền lợi nào mà không có nghĩa vụ, không có nghĩa vụ nào
mà không có quyền lợi”(9). “Ai cũng có nghĩa vụ đối
với cộng đồng trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do
và đầy đủ”(10)... Điều này có nghĩa, mỗi cá nhân trong khi được hưởng thụ các
quyền cần tôn trọng tự do của người khác và tôn trọng lợi ích của cộng đồng,
cũng như vậy, “Nhà nước trong các chức năng của mình, vừa phải tôn trọng, bảo
đảm quyền con người, quyền công dân, vừa phải bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
cũng như lợi ích chung của cả cộng đồng”(11). Mọi
thành viên của xã hội đều có quyền và nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền và tự
do của người khác. Do đó, tuyệt đối hóa quyền con người một cách máy móc mà
không thấy nghĩa vụ cá nhân với cộng đồng và với xã hội là sai lầm.
Quan điểm quyền không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm cá nhân
cũng được Đảng ta khẳng định: “Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân không tách
rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân”(12). Năm
2005, Sách trắng “Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền
con người ở Việt Nam” cũng khẳng định: “... các quyền và tự do của
mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và
lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng”(13). Đây
chính là cơ sở quan trọng để chúng ta bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, vu cáo
Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền con người.
V3.
bài rất ý nghĩa
Trả lờiXóa