Thứ Tư, 28 tháng 6, 2023

Cần phải giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng

Công tác kỷ luật của Đảng luôn bảo đảm khách quan, công tâm, nghiêm túc Trước việc một số đảng viên là cán bộ cấp cao của Đảng có khuyết điểm bị xử lý kỷ luật, các thế lực thù địch, phản động đã triệt để lợi dụng, tìm mọi cách xuyên tạc, kích động, rằng: đó là do các bè phái “đấu đá” nhau. Luận điệu đó của chúng không thể che lấp được sự thật là: “Công tác kỷ luật của Đảng luôn bảo đảm khách quan, công tâm, nghiêm túc”. Khen thưởng và kỷ luật là một mặt hoạt động thường xuyên của quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để thực hiện tốt công tác này yêu cầu mọi tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời. Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị, lĩnh vực công tác nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh. Như vậy, mọi đảng viên đều bình đẳng, không có bất kỳ tổ chức, cá nhân ngoại lệ, đứng ngoài, đứng trên kỷ luật của Đảng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) Về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ, một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta trong đấu tranh, duy trì nghiêm kỷ luật của Đảng. Thực tiễn vừa qua, Đảng ta đã thực hiện công tác kỷ luật bảo đảm nghiêm túc, đúng quy định của Điều lệ Đảng; nhờ đó, tạo được niềm tin của đảng viên, quần chúng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng tiên phong lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong quá trình hoạt động lãnh đạo cách mạng Việt Nam, để đảm bảo sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức đảng, Đảng ta đã tiến hành thường xuyên, chặt chẽ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đã phát hiện những vi phạm Điều lệ Đảng và kịp thời xử lý kỷ luật những đảng viên có khuyết điểm, bất kể họ là đảng viên giữ hay không giữ cương vị lãnh đạo. Đáng chú ý là, những sai phạm đó khá đa dạng, ở nhiều lĩnh vực, cả trong quản lý kinh tế, phẩm chất đạo đức, lối sống, v.v. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đang tiến hành và đạt được kết quả quan trọng bước đầu. Nhiều vụ việc được truy xét, xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, khách quan, được nhân dân đồng tình, nhất là những vụ kỷ luật cán bộ cao cấp của Đảng, như vụ cách chức nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, v.v. Quy trình tiến hành điều tra, xử lý kỷ luật được thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch, thận trọng, công tâm, nghiêm túc, đúng người, đúng tội, không phân biệt đảng viên là cán bộ Trung ương hay đảng viên ở cơ sở, là cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu, nghỉ công tác. Các vụ việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đều được tổ chức đảng các cấp xem xét khách quan, toàn diện, thấu tình, đạt lý, trên cơ sở các quy định của luật pháp và Điều lệ Đảng, đảm bảo đúng quy trình, nguyên tắc. Như vậy, công tác kỷ luật có ý nghĩa rất quan trọng và là việc làm thường xuyên, hết sức bình thường của Đảng; đồng thời cũng là sự tất yếu phản ánh quy luật phát triển của đảng cầm quyền. Thế nhưng, điều bất bình thường là ở chỗ các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động lại lợi dụng việc Đảng ta kỷ luật đồng chí A, đồng chí B để xuyên tạc rằng: “Đây là cuộc thanh trừng trong Đảng”. Nội dung, bản chất, sự thật của vấn đề bị các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, bóp méo, tạo hình ảnh phản cảm trên các trang mạng xã hội nhằm gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong các tầng lớp nhân dân. Khi các vụ việc đang trong quá trình điều tra thì họ đưa ra những phỏng đoán về nguyên nhân và mức độ kỷ luật sắp tới, lồng ghép các chi tiết không có thực để thổi phồng khuyết điểm, hoặc làm sai lệch bản chất với dụng ý xấu. Họ xuyên tạc một cách trắng trợn rằng: đó là do các phe cánh, bè phái “đấu đá” nhau, hạ bệ, thanh trừng nhau để tranh giành quyền lực, v.v. Sau khi đảng viên bị kỷ luật thì họ quay sang kích động, đưa ra các câu hỏi nghi vấn tại sao trước kia không xử lý các sai phạm? cấp trên liên đới có bị kỷ luật không? ai thay thế, người đó thuộc phe cánh nào? v.v. đồng thời, ngay cả một số cán bộ, đảng viên của Đảng liên đới trách nhiệm cũng bị xem xét, kỷ luật, song họ cố tình lờ đi và xuyên tạc rằng Đảng và Nhà nước bao che. Không những thế, họ còn khéo che đậy thủ đoạn, cố tình chuyển từ vấn đề môi trường sang chính trị, lợi dụng vấn đề liên quan đến môi trường để kích động biểu tình, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Để đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc đó, trước hết chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận diện, thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng công tác kỷ luật, chỉnh đốn Đảng để xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho nhân dân thấy rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn và mục tiêu chống phá xuyên suốt của chúng là: xóa bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Để thực hiện mục tiêu đó, họ dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; một trong những thủ đoạn đó là triệt để lợi dụng công tác kỷ luật của Đảng để xuyên tạc, kích động, nhằm chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, chia rẽ giữa Đảng với nhân dân, gây sự hoài nghi trong xã hội. Mặt khác, cần tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân thấy rõ mục đích công tác kỷ luật của Đảng là để giáo dục, ngăn chặn cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu đòi hỏi của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chứ không phải là sự “thanh trừng”, tranh giành quyền lực, như luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Mặt khác, tổ chức đảng các cấp cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Qua kiểm tra, giám sát để thực hiện tốt công tác khen thưởng, kỷ luật, làm cơ sở đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc về công tác kỷ luật, chỉnh đốn Đảng. Việc xử lý kỷ luật phải bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; thực hiện thống nhất về hình thức, mức độ giữa tổ chức đảng với chính quyền cùng cấp. Đặc biệt là, sau khi thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên phải giữ vững được sự đoàn kết, thống nhất, không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết trong các tổ chức đảng và trong cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong phát hiện sai phạm; tăng cường giám sát công tác kỷ luật ở các cấp, tránh hiện tượng bao che, làm qua loa, hoặc quá tả không theo đúng quy định của pháp luật, gây bức xúc trong xã hội để tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Cùng với đó, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tổ chức, nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc tự phê bình và phê bình; xử lý kịp thời, công khai, minh bạch những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, sẵn sàng đưa ra khỏi Đảng những người không còn đủ tư cách đảng viên. Cấp ủy viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ trì phải “chí công, vô tư”, tránh nể nang, xa rời nguyên tắc, Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên, cán bộ thuộc quyền; tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với đòi hỏi của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

1 nhận xét: