Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Cần tỉnh táo khi dùng ChatGPT

Tháng 11/2022, công ty chuyên nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) có trụ sở tại San Francisco, bang California (Mỹ) cho ra mắt sản phẩm thử nghiệm chatbot ChatGPT, mô phỏng cuộc trò chuyện giữa người với người. Đây là một chương trình máy tính sử dụng AI và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để hiểu các câu hỏi của khách hàng đồng thời tự động trả lời.

Người dùng chỉ điền cụm từ “ChatGPT” trên Google thì trong 0,4 giây đã cho ra gần 660 triệu kết quả. Đây là ứng dụng có số người dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử bởi chỉ trong 2 tháng có mặt trên thị trường đã có tới hơn 100 triệu người dùng. Ước tính, trung bình mỗi ngày có 13 triệu người sử dụng ChatGPT. Sản phẩm công nghệ này đã phá vỡ kỷ lục mà không một ứng dụng nào trước đó làm được, cho thấy sức hút vô cùng mạnh mẽ của nó. Đây là ứng dụng có những tiện ích nhất định đối với người dùng, là một phần mềm được ứng dụng công nghệ và AI đang trong quá trình thử nghiệm thu thập dữ liệu bằng nhiều nguồn, nhiều thứ tiếng khác nhau.

Không chỉ là công cụ để trò chuyện thông thường, ChatGPT còn thành thạo nhiều việc phức tạp hơn, chẳng hạn viết hoặc sửa mã (code) máy tính, viết bài đăng email, báo cáo theo yêu cầu, thậm chí viết cả luận văn, kịch bản cho chương trình truyền hình hay làm thơ, soạn nhạc. Đặc biệt, có khả năng cắt ghép, tổng hợp những nguồn thông tin sẵn có trên các trang điện tử, sách, báo, văn bản, Wikipedia... xuất hiện trên Internet để đưa ra phản hồi, đáp ứng được câu hỏi của người sử dụng đưa vào ChatGPT. Nó có khả năng trả lời một cách uyển chuyển, dùng câu từ biểu cảm gắn kết với những tình huống khác nhau khi trả lời các câu hỏi do người dùng cung cấp.

Theo các chuyên gia, ở nhiều nước, ChatGPT chưa được ra mắt như một công cụ chính thức bởi nó liên quan đến vấn đề đạo đức và trách nhiệm khi những thông tin trả lời sai lệch, không chính xác, vi phạm các chuẩn mực. Hơn nữa, ChatGPT chỉ là ứng dụng ảo, không thể thay thế cảm xúc con người. Bởi vậy, nó không thể đại diện cho ý chí, tình cảm của dân tộc Việt Nam đối với Bác Hồ kính yêu, Đảng quang vinh, càng không thể nhân danh người dân Việt Nam để đặt ra những câu hỏi như vậy, đây chỉ là một công cụ để kẻ xấu sử dụng chống phá.

ChatGPT là ứng dụng thông minh, nhưng dù thông minh đến đâu suy đến cùng cũng là sản phẩm do con người sáng tạo ra, hoàn toàn không có lý trí và tình cảm, người dùng cũng không nên tin tưởng hoàn toàn vào kết quả mà nó đưa ra và cần kiểm tra chính xác thông tin trước khi sử dụng. ChatGPT có thể trả lời sai, thiên lệch, hoặc gây nhầm lẫn vì chỉ dựa trên dữ liệu huấn luyện mà không có kiểm soát đảm bảo chất lượng, tính đúng đắn của thông tin. Chính những người sáng lập ra ứng dụng này cũng nói về các nhược điểm như thiếu sự sáng tạo một cách đúng nghĩa, chỉ trả lời chung chung mà không cá nhân hóa và thiếu sự xác thực, thiếu dẫn nguồn...

ChatGPT không có trách nhiệm với các thông tin mà nó trả lời, chính kẻ sử dụng ứng dụng này để xuyên tạc, chống phá mới phải chịu trách nhiệm. Qua câu trả lời, người ta cũng thấy rõ đó là câu trả lời "vô hồn", chưa thể hiểu được các biện pháp tu từ trong ngôn ngữ Việt hoặc thực sự phớt lờ nghĩa bóng.

Điều mấu chốt ở đây, ChatGPT vô tình trở thành kẽ hở, “mảnh đất” để các thế lực thù địch lợi dụng, khai thác phục vụ cho mưu đồ xấu, các thế lực thù địch đã cố tình lập lờ và “nhân danh ChatGPT” để đưa ra những định kiến chủ quan, phủ nhận thực tế, đánh giá phiến diện, xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có thể thấy rằng, những tiện ích mà ChatGPT đem đến đã được chứng minh trên thực tế. Tuy nhiên, bằng chiêu trò lợi dụng thành tựu của khoa học công nghệ, những kẻ giảo hoạt đã lạm dụng để cung cấp cho ChatGPT những thông tin sai lệch nhằm phục vụ ý đồ đen tối. Khi đó, lúc người sử dụng đặt yêu cầu cho ChatGPT thì rủi ro mà nó gây ra là lừa đảo, truyền bá thông tin xuyên tạc, rất nguy hiểm nếu người dùng tin, sử dụng và hành động theo những thông tin sai trái ấy.

Do vậy, đối với người dùng khi sử dụng ChatGPT và những ứng dụng tương tự như vậy, khi đặt những câu hỏi và khi có câu trả lời, chỉ xem đó là những vấn đề cần tham khảo, phải có sự đối chứng, kiểm nghiệm, xác thực thông tin, lựa chọn những nguồn tin chính thống, đáng tin cậy. Đồng thời, cảnh giác, tỉnh táo, tránh mắc vào những cạm bẫy bởi “ma trận” tin giả, bịa đặt, xấu độc do những kẻ giảo hoạt giăng ra./.

1 nhận xét: