Theo V.I.Lênin, chủ nghĩa cơ hội là chủ nghĩa của những người chủ
trương và hành động vô nguyên tắc; luôn hy sinh cái cơ bản để đạt tới lợi ích
cục bộ, trước mắt và sẵn sàng thỏa hiệp chính trị. Và những người cơ hội chủ
nghĩa là những người không kiên quyết, vô nguyên tắc, không rõ ràng, lờ mờ,
quanh co, do dự, thiếu kiên định, dao động, lừng chừng về chính trị. Với những
người này, thì họ “dễ dàng thừa nhận mọi công thức và rời bỏ mọi công thức cũng
dễ dàng như thế”. Vốn bắt nguồn từ bản chất của chủ nghĩa cơ hội, những người
sa vào chủ nghĩa cơ hội, những người cơ hội chủ nghĩa bao giờ cũng tránh đặt
các vấn đề một cách rõ ràng, dứt khoát, tìm cách thoả hiệp quan điểm này với
quan điểm kia, để đứng trung dung giữa những quan điểm đối chọi nhau, do đó, đối
với họ, chỉ luôn là những lời nói bóng gió và giả thiết trống rỗng; là lời nói
không đi đôi với việc làm, “cái thói nói cách mạng suông mà không ngượng
miệng”.
Thực tế là, trong Đảng vẫn còn đó không ít những thủ đoạn, biểu
hiện của những kẻ cơ hội chủ nghĩa - những người mang danh mácxít song lại sẵn
sàng hy sinh lợi ích lâu dài, bền vững của giai cấp vô sản để mưu lợi cho sự
“hào nhoáng bề ngoài và chốc lát của mình”, sẵn sàng thoả hiệp với mọi cái xấu
để đạt được lợi ích cá nhân, tìm cách thích nghi với mọi phía và mong được các
phái chấp nhận, dung nạp, tạo thành bè phái và cánh hẩu. Thực tế cũng cho thấy
là, nơi nào có quyền lực, có nhiều lợi ích thì chủ nghĩa cơ hội càng dễ phát
sinh; đồng thời ở nơi đó, cũng không thể thiếu những kẻ cơ hội chủ nghĩa -
những kẻ “lập lờ”, “ẩn mình” dưới những lời nói hay nhưng trong việc làm thì vô
nguyên tắc, chỉ chăm chăm lo lợi ích của chính mình mà không màng đến lợi ích
của Tổ quốc, của nhân dân. Vì thế, để bảo vệ Đảng, V.I.Lênin kiên quyết đấu
tranh với những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái đó và phê phán kịch liệt
sách lược cơ hội chủ nghĩa của những người kém tính Đảng, kém ý thức tổ chức,
mang nặng chủ nghĩa cá nhân, những người làm chia rẽ sự thống nhất về tư tưởng
và hành động trong Đảng, chia rẽ nội bộ Đảng, phá hoại sức mạnh khối đoàn kết
của Đảng.
Chủ nghĩa cơ hội gồm khuynh hướng cơ hội tả khuynh, hữu khuynh,
chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa biệt phái. Nhìn bề ngoài, chúng có vẻ đối lập
nhau, song đều giống nhau là những trào lưu tư tưởng, chính trị đối lập, thù
địch với chủ nghĩa Mác, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bởi rằng,
về mặt lý luận và thực tiễn, những người theo chủ nghĩa cơ hội luôn bảo vệ lợi
ích của giai cấp tư sản và chống lại giai cấp vô sản, bằng cách và tìm cách sửa
chữa chủ nghĩa Mác, lấy từ chủ nghĩa Mác những điều mà giai cấp tư sản có thể
chấp nhận được, nhưng vứt bỏ nguyên lý cách mạng, linh hồn của chủ nghĩa Mác.
Do vậy, V.I.Lênin khẳng định, Đảng phải đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và coi
đó là quy luật phát triển của Đảng; đồng thời, nhấn mạnh rằng: “Khi nói đến đấu
tranh chống chủ nghĩa cơ hội thì không bao giờ được quên đặc điểm của tất cả
chủ nghĩa cơ hội hiện đại trong mọi lĩnh vực là: nó mang tính chất không rõ
ràng, lờ mờ và không thể nào hiểu nổi được. Do bản chất của mình, phái cơ hội
chủ nghĩa bao giờ cũng tránh đặt các vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát; bao
giờ cũng tìm con đường trung dung, quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai
quan điểm đối chọi nhau và "tìm cách “thoả thuận” với cả quan điểm này lẫn
quan điểm kia, vì nó quy những sự bất đồng ý kiến của mình lại thành những điều
sửa đổi nhỏ nhặt, những sự hoài nghi, những nguyện vọng thành tâm và vô hại,
v.v. và v.v..”[1].
V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích Nga đã tiến hành đấu tranh triệt để
trong nội bộ phong trào công nhân và ngay trong hàng ngũ của Đảng để chống chủ
nghĩa cơ hội hữu khuynh, chủ nghĩa giáo điều tả khuynh và chủ nghĩa bè phái, vì
“bọn này dĩ nhiên là kẻ thù chính của chủ nghĩa bônsêvích trong nội bộ phong
trào công nhân. Nó lại còn là kẻ thù chính trên phạm vi quốc tế nữa”[2]. Đồng thời, đấu tranh quyết liệt với bọn
Tờrốtkit trên tinh thần: “Cuộc đấu tranh ấy phải được tiến hành thẳng tay, và
nhất định phải đẩy, như chúng ta đã đẩy, cuộc đấu tranh ấy tới chỗ làm cho tất
cả các thủ lĩnh bất trị của chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa xã hội - sôvanh phải
hoàn toàn bị nhục nhã và bị tống cổ ra khỏi các công đoàn”[3]. Có một thực tế không thể phủ nhận là,
chủ nghĩa cơ hội hiện luôn song hành cùng với phong trào cộng sản, vì thế,
V.I.Lênin nhấn mạnh không chỉ Đảng Bônsêvích Nga mà nếu các Đảng Cộng sản khác
mà lơ là, mất cảnh giác và không chủ động, thường xuyên tiến hành cuộc đấu
tranh chống chủ nghĩa cơ hội thì không chỉ nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm mà còn
ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của phong trào cộng sản, đến vai trò lãnh
đạo của mỗi Đảng Cộng sản và vận mệnh của mỗi quốc gia, dân tộc.
Một trong những nghĩa vụ thiêng liêng của những người mácxít chính
là bảo vệ lý luận của chủ nghĩa Mác. Vì thế, theo V.I.Lênin, mỗi Đảng cộng sản,
mỗi người cộng sản phải chủ động đấu tranh quyết liệt chống chủ nghĩa cơ hội để
giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng. Muốn giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh
này, mỗi Đảng phải có phương pháp đấu tranh phù hợp, đúng mức trên cơ sở đi sâu
nghiên cứu thực tiễn, hiểu rõ sự tình với điều kiện, hoàn cảnh của nước mình.
Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và phát triển, theo
V.I.Lênin, phải thường xuyên liên tục, không được lơi là cuộc đấu tranh chống
những kẻ cơ hội chính trị - những kẻ cái gì cũng cho là đúng, cũng tán thưởng,
không có quan điểm chính trị rõ ràng, luôn ngả nghiêng, dao động, không kiên
định nguyên tắc dẫn đến gây bè cánh trong Đảng; những kẻ sẵn sàng quỳ gối, uốn
lưỡi cho vừa lòng và phù hợp với quan điểm của cấp trên và quần chúng, hòng
tăng phiếu ủng hộ trong các dịp bầu cử, nhất là luôn “hy sinh lợi ích căn bản
của quần chúng cho lợi ích tạm thời của một số hết sức ít công nhân, nói cách
khác tức là sự liên minh giữa một bộ phận công nhân với giai cấp tư sản để
chống lại quần chúng vô sản”[4]. Đồng thời, phải chủ động phòng ngừa và
đấu tranh chống những phần tử cơ hội chính trị - những kẻ luôn biểu hiện, thể
hiện bản thân rất vững vàng về lập trường chính trị, luôn phát biểu và tỏ ra
thông suốt lý luận chủ nghĩa Mác, nhưng thực tế thì không phải vậy: chúng không
vì lý tưởng cách mạng mà vì động cơ quyền lực, không vì Đảng, vì dân mà hy sinh
phấn đấu mà vì lợi ích cá nhân mình; những kẻ “tìm mọi cách” chui vào Đảng, xâm
nhập vào bộ máy quyền lực, tìm mọi cách để giành được vị thế/quyền lực, để từ
vị trí đó và dùng quyền lực đó thực hiện mục đích của cá nhân, rồi kết bè, kéo
cánh cùng những phần tử cơ hội cũ, tạo thành một thế lực đáng kể trong Đảng,
làm giảm sức mạnh, uy tín và thanh danh của Đảng; những kẻ không nhận thức đúng
con đường đi lên của sự nghiệp cách mạng vô sản, sợ khó khăn trong việc kiến
thiết xã hội chủ nghĩa, để những khó khăn đó làm cho khiếp đảm và tỏ ra tuyệt
vọng hay hoang mang hèn nhát, người đó không phải là một người xã hội chủ nghĩa[5]. Hơn nữa, phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng
“những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung
thực, nhu nhược, và những người mensêvích, tuy “bề ngoài” đã được phủ một lớp
sơn mới, nhưng trong tâm hồn thì vẫn là mensêvích”[6], làm cho Đảng thực sự là đội ngũ đoàn
kết, thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đủ năng lực và sức mạnh lãnh
đạo tương xứng với nhiệm vụ chính trị được giao.
V3.
Chủ nghĩa cơ hội là căn bệnh rất nguy hiểm, dễ lây lan; do đó phải điều trị triệt để
Trả lờiXóa