Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

HOẠT ĐỘNG CHỐNG PHÁ TRÊN LĨNH VỰC KINH TẾ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

 Trong chiến lược "diễn biến hòa bình", một trong những mục tiêu của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch là làm cho nền kinh tế Việt Nam suy yếu, thúc đẩy nhanh quá

trình tư nhân hóa, tự do hóa theo hướng kinh tế thị trường cho đến khi lệ thuộc và hòa nhập hoàn toàn vào quỹ đạo kinh tế tư bản chủ nghĩa, từ đó sẽ chuyên hóa chế độ chính trị ở Việt Nam.

Chúng cho rằng, chống phá về kinh tế là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất của chiến lược "diễn biến hòa bình", đồng thời là biện pháp quan trọng để giải quyết vấn đề chính trị. Hoạt động phá hoại kinh tế thực chất là phá hoại cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa xã hội. Sách lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trong chiến lược "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực kinh tế cũng thay đổi qua từng thời kỳ, phù hợp với xu thế thời đại và tình hình của Việt Nam và thế giới. Để thực hiện mưu đồ đó, chúng tăng cường các hoạt động bao vây, phong toả, cấm vận kinh tế để làm cho nền kinh tế Việt Nam suy yếu, lâm vào khủng hoảng toàn diện, làm cho quần chúng giảm sút lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong giai đoạn 1975-1985, các thế lực thù địch đã tập trung mọi nỗ lực cản trở, kìm hãm quá trình phát triển và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tốc độ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, nhằm tạo ra sự khủng hoảng kinh tế - xã hội, làm cho đời sống nhân dân ta ngày càng khó khăn, từ đó kích động chống đối với ý đồ làm tan rã chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện chính sách mở cửa, tăng cường quan hệ kinh tế, văn hóa, khoa học với các nước. Trước xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, các thế lực thù địch đã chuyển đổi phương thức đấu tranh, từ bao vây cấm vận, chúng chuyển sang thúc đẩy hợp tác đầu tư để thâm nhập vào xã hội Việt Nam, thực hiện "diễn biến hòa bình" với các thủ đoạn mới. Thông qua liên kết, liên doanh, hợp tác kinh tế với Việt Nam để thúc đẩy kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa phát triển, dần dần lấn át và tiến tới vô hiệu hóa kinh tế nhà nước; từng bước xây dựng cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội cho chế độ tư bản chủ nghĩa. Các nước phương Tây nhanh chóng tiếp cận, xâm nhập chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, dùng thế mạnh về kinh tế và kỹ thuật để tác động nhằm tạo ra những thay đổi trong cơ sở hạ tầng, đưa nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc và đi theo quỹ đạo kinh tế tư bản chủ nghĩa, dùng kinh tế để chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam.

Âm mưu chủ yếu của chiến lược "diễn hiến hòa bình" là thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển để thay đổi cơ cấu xã hội - giai cấp; hình thành tầng lớp tư sản và giai cấp tư sản mới; tạo sự phân hóa giàu - nghèo và thu nhập giữa các thành phần xã hội ngày càng tăng, dẫn đến sự gia tăng mâu thuẫn giữa các tầng lớp, giai cấp trong xã hội. Đó là lộ trình chuyển hóa từ quỹ đạo xã hội chủ nghĩa sang quỹ đạo tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế của chiến lược "diễn biến hòa bình".

Để thực hiện được âm mưu đó, chiến lược "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực kinh tế thường chú trọng vào những thủ đoạn chủ yếu sau:

Sử dụng đầu tư và viện trợ từ nước ngoài vào Việt Nam để xâm nhập, lũng đoạn kinh tế - tài chính. Đầu tư không đều theo các vùng lãnh thổ, gây ra sự mất cân đối trong phát triển giữa các miền. Không đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Tốc độ đầu tư chậm, chủ yếu vào để giữ chỗ và dử mồi. Đầu tư, viện trợ có điều kiện để ép buộc về chính trị. Tạo ra sự phân hóa giàu nghèo với khoảng cách ngày càng rộng, sự chênh lệch giữa người làm trong các xí nghiệp do nước ngoài đầu tư với công nhân viên chức nhà nước, giữa thành thị và nông thôn.

Tác động chuyển hóa nền kinh tế Việt Nam phát triển theo kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa bằng cách: tập trung đầu tư vào khu vực kinh tế tư nhân để lấn át dần kinh tế nhà nước; thúc đẩy phát triển thị trường tự do tư bản chủ nghĩa; thông qua chương trình đào tạo, nắm cán bộ quản lý, qua họ tác động lái nền kinh tế Việt Nam chệch khỏi định hướng xã hội chủ nghĩa; sử dụng các văn phòng đại diện kinh tế để chỉ đạo hoạt động "diễn biến hòa bình" ngay trên lãnh thổ nước ta.

Bằng thủ đoạn "chi phối đầu tư", chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tìm cách chiếm lĩnh nhũng lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để chi phối, kiểm soát, khống chế nền kinh tế nước ta. Viện trợ nhân đạo cho Việt Nam và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vào các nước phương Tây đều kèm theo điều kiện nhằm thúc đẩy tư nhân hóa và tự do hóa thương mại.

Thông qua sự giúp đỡ, viện trợ kinh tế, các thế lực thù địch tăng cường gây sức ép, đặt điều kiện phải cải cách kinh tế, đi đôi với cải cách chính trị; tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ nước ta, từng bước chuyển hóa Việt Nam theo hưởng tư bản chủ nghĩa. Một số tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là một số tổ chức từ thiện, tôn giáo, sử dụng viện trợ để giúp cho các phần tử phản động chống chủ nghĩa xã hội, thu hút quần chúng, hoạt động chống phá theo sự chỉ đạo của bên ngoài.

Trong chiến lược "diễn biến hòa bình", chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch hết sức chú trọng sử dụng "sức mạnh đồng đôla"; triệt để khai thác, lợi dụng chủ trương cổ phần hóa, thị trường chứng khoán để đẩy nhanh quá trình tư hữu hóa, tư nhân hóa kinh tế, làm suy yếu, mất vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, làm cho nền kinh tế của ta đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Những năm gần đây, một số chuyên gia kinh tế ăn phải bả độc của chủ nghĩa tư bản công khai tuyên truyền và kêu gọi "phải giảm tối đa vai trò của kinh tế quốc doanh", "tư nhân hóa là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư. Không tiené hành tư nhân hóa thì khó mà hội nhập được quốc tế". Chúng lớn tiếng đòi chúng ta "phải đặt lợi ích kinh tế lên trên vấn đề ý thức hệ, vấn đề chính trị". Khuếch trương các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đang làm ăn phát đạt và có triển vọng bằng cách cho họ hưởng các ưu đãi về vốn vay, công nghệ, máy móc và trang bị, dần dần ràng buộc các doanh nghiệp này vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.

Ngoài ra chúng còn dùng nhiều thủ đoạn phá hoại kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp như tung bạc giả để phá tài chính - tiền tệ; tuồn hàng lậu vào với khối lượng lớn làm chảy máu vàng, đôla; đầu cơ tích trữ gây tình trạng khan hiếm, từ đó nâng giá hàng, phá giá tiền tệ, tung tin thất thiệt gầy các cơn sốt về hàng hóa, lừa đảo gây thiệt hại cho Nhà nước. Lợi dụng sự non kém về kỹ thuật và quản lý của ta để đưa máy móc, thiết bị cũ tân trang góp vốn trong liên doanh, trốn lậu thuế, gây cho ta thiệt hại lớn về kinh tế và ô nhiễm môi trường sinh thái.

Trong quá trình hội nhập, các thế lực phản động tìm mọi cách cản trở các hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Lấy cớ "rào cản kỹ thuật" để ngăn chặn, hạn chế hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các nước tư bản phát triển. Các vụ kiện "bán phá giá" trong thời gian qua đối với nước ta là nằm trong âm mưu đó. Ép ta "mở cửa thị trường"; sử dụng các thiết chế tài chính, tiền tệ quốc tế để buộc ta cải cách chính trị, điều chỉnh luật pháp; tìm cách can thiệp và chi phối thông qua Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế khác; thông qua đầu tư, viện trợ đê xâm nhập những ngành kinh tế quan trọng, địa bàn trọng yếu, thúc đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa để có điều kiện gây sức ép và chuyển hóa chế độ chính trị.

Ngoài ra, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch còn gia tăng các hoạt động tình báo kinh tế, thương mại. Lợi dụng chủ trương mở cửa của Việt Nam để đưa các cơ quan tình báo nước ngoài vào hoạt động. Chúng tăng cường sử dụng các thủ đoạn như: trà trộn vào các đoàn hợp tác đầu tư kinh tế, viện trợ nhân đạo để vào Việt Nam hoạt động với quy mô lớn, phạm vi rộng; yêu cầu cung cấp tài liệu phục vụ ký kết các dự án, chương trình hợp tác, liên doanh buộc phía Việt Nam phải cung cấp cả những tài liệu, số liệu bí mật, hoặc cho phép họ đến các mục tiêu để tiến hành trực tiếp quan sát, thu thập tin tức tại chỗ. Chúng còn triệt để lợi dụng hình thức hội thảo khoa học để thu thập thông tin, tài liệu bí mật.

Thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch còn lợi dụng chính sách mở cửa, đường lối đối ngoại "rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế" của Đảng và Nhà nước ta để tấn công về ngoại giao. Chúng tìm mọi phương kế tác động để các nước và các tổ chức quốc tế có quan hệ với Việt Nam gây sức ép đòi Việt Nam phải "tôn trọng dân chủ, nhân quyền", phải thực hiện "tự do tôn giáo", "tự do báo chí", "tự do ngôn luận", thực chất là để các lực lượng chống đối được tự do chống Đảng, chống sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch vẫn tìm cách đẩy mạnh chủ trương thực hiện "tư nhân hóa" nền kinh tế nước ta. Để thực hiện âm mưu đó, chúng dùng mọi thủ đoạn tấn công vào vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, làm suy yếu các công cụ kinh tế vĩ mô, tạo cơ sở chính trị, xã hội cho sự hình thành giai cấp bóc lột mới; thông qua kinh tế chuyển hóa chính trị, hoặc thông qua các dự án, đầu tư vốn, kỹ thuật công nghệ... tác động vào các cơ quan hoạch định pháp luật, chính sách, kế hoạch, làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa, đưa nền kinh tế nước ta phát triển theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.

Do vậy, mục tiêu bảo vệ kinh tế trong phòng, chống chiến lược "diễn biến hòa bình" hiện nay là phải kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, giữ vững nguyên tắc bảo đảm độc lập, chủ quyền, bảo vệ tài nguyên, môi trường, an ninh quốc gia trong phát triển kinh tế đối ngoại. Xác định địa bàn và lĩnh vực khuyến khích hoặc không khuyến khích đầu tư nước ngoài, bảo vệ sản xuất trong nước. Đẩy mạnh hội nhập kinh tế, thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ để thu hút nguồn lực từ bên ngoài, có bước đi và biện pháp thận trọng trong việc mở cửa thị trường vốn, quản lý và giám sát chặt chẽ các hình thức đầu tư gián tiếp. Cần giữ vững tư tưởng chỉ đạo là có phát huy nội lực mới tiếp thu được ngoại lực, phát huy nội lực là để hợp tác tốt với bên ngoài, tiếp thu ngoại lực là để tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng không để một lĩnh vực nào, một mặt trận kinh tế nào lệ thuộc vào nước ngoài. Mặt khác, cần phải tăng cường các biện pháp an ninh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng bảo vệ bí mật kinh tế; phòng chống các hoạt động tình báo, phá hoại và hoạt động của bọn tội phạm kinh tế; đẩy mạnh chống tham nhũng, buôn lậu và gian lận thương mại. Bảo vệ đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế; chống âm mưu, thủ đoạn của chiến lược "diễn biến hòa bình" hòng làm thoái hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, thông qua kinh tế để chuyển hóa chính trị.

Chúng ta phải nêu cao cảnh giác, chủ động phát hiện, ngăn chặn mọi mưu đồ phá hoại của địch. Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế phải gắn với việc xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội. Mọi hoạt động kinh tế phải được đánh giá bằng hiệu quả tổng hợp về kinh tế, tài chính, văn hóa - xã hội, môi trường, quốc phòng và an ninh, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ đi đôi với hội nhập kinh tế quốc tế, tạo ra sức mạnh tự thân, không lệ thuộc vào nước ngoài là điều kiện để bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. Tập trung phát triển kinh tế, đi đôi với việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là vấn đề việc làm, xóa đói giảm nghèo, hạn chế các tệ nạn xã hội. Tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao. Đảng và Nhà nước ta cần có những quyết sách phù hợp với tình hình cụ thể, tận dụng được thời cơ đưa nước ta phát triển nhanh, tạo thế ổn định vững chắc trong hội nhập kinh tế quốc tế./.

 

 

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải đấu tranh mạnh mẽ chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam của bọn phản động và các thế lực thù địch

    Trả lờiXóa