Thứ Năm, 8 tháng 6, 2023

Luận điệu “nhân quyền ở Việt Nam là hết sức tồi tệ” thực chất là một cách nhìn hết sức tồi tệ về nhân quyền Việt Nam

 

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong bảo vệ, bảo đảm thực hiện nhân quyền, nhưng lại nổi lên những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ về tình hình nhân quyền Việt Nam từ những tổ chức, cá nhân thù địch với chế độ xã hội tại Việt Nam, thậm chí họ cố tình quy chụp tình hình “nhân quyền ở Việt Nam là hết sức tồi tệ”.

Luận điệu về “nhân quyền ở Việt Nam hết sức tồi tệ” thực chất là một cách nhìn hết sức tồi tệ về nhân quyền ở Việt Nam, bởi lẽ:

Thứ nhất, thông tin cóp nhặt, manh mún, xuyên tạc về bức tranh nhân quyền ở Việt Nam

Thực tế cho thấy, các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về nhân quyền, như các bản phúc trình toàn cầu về nhân quyền của HRW và các báo cáo của Mỹ về tự do tôn giáo, nhân quyền, buôn người, mắc hạn chế lớn là dựa trên những thông tin được thu thập theo kiểu cóp nhặt, cắt xén rời rạc, mang động cơ chính trị thực dụng, nên phiến diện và không phản ánh đúng thực tiễn nhân quyền tại Việt Nam. Thực tế qua những phiên tòa xét xử công khai, nghiêm minh, các đối tượng đều thừa nhận có hành vi vi phạm pháp luật. Việc các cơ quan chức năng tiến hành khởi tố, điều tra, xét xử công khai là việc làm cần thiết của một Nhà nước pháp quyền có chủ quyền nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật đến mức nguy hiểm của họ gây ra đối với xã hội. Hơn nữa, tại tòa, những người này đều công khai chấp nhận các kết luận của tòa về những tội danh của mình.

Thứ hai, cách nhìn mang động cơ thù địch về chính trị, chính trị hóa mọi vấn đề xã hội

Lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tổ chức khủng bố (Việt Tân, Triều Đại Việt, Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời) và một số đối tượng chống đối trong nước đã đưa ra nhiều thông tin xuyên tạc về tình hình chính trị, xã hội ở nước ta, để tác động xấu đến tư tưởng nhằm gây bất ổn từ bên trong. Ở Cuba cũng vậy, ngay sau cuộc biểu tình nổ ra vào ngày 11-7-2021, nhiều trang mạng tại phương Tây, nhất là Mỹ, đã tung các bài bình luận, đánh giá biểu tình chủ yếu xuất phát từ chế độ chính trị; từ đó xuyên tạc bản chất của chế độ XHCN và kích động, kêu gọi người dân Cuba lật đổ chế độ. Trong khi đó, từ giữa năm 2020 đến nay, biểu tình, kể cả bạo động, đàn áp người biểu tình, đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới (Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Italia, Ôxtrâylia, Thái Lan...) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nếu cũng với cách nhìn mang động cơ thù địch về chính trị, liệu các đối tượng xấu có cho nguyên nhân biểu tình, bạo động trong đại dịch Covid-19 là xuất phát từ bản chất chính trị và người dân muốn lật đổ chế độ xã hội tại các nước này hay không?

Thứ ba, việc lắp ghép khiên cưỡng yếu tố đạo đức vào thuật ngữ pháp lý, phản ánh cách tư duy chiết trung, ngụy biện, thiếu đạo đức khi không có cơ sở pháp lý cần thiết

Thuật ngữ “tù nhân lương tâm” mà các thế lực thù địch thường rao giảng là sự lắp ghép khiên cưỡng yếu tố đạo đức vào khái niệm pháp lý. Tù nhân là cụm từ dành cho những người có hành vi vi phạm pháp luật, bị tòa án tuyên là có tội và phải chịu hình phạt tù theo quyết định có hiệu lực của tòa án. Việc một người bị phạt tù là hậu quả tất yếu khi người đó có hành vi phạm tội đã được quy định trong bộ luật hình sự, bị điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh tại tòa án. Cho nên trong nền tư pháp Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”. Việc cài đặt khiên cưỡng yếu tố đạo đức vào một thuật ngữ pháp lý phản ánh một cách tư duy chiết trung, ngụy biện, thiếu đạo đức khi không có cơ sở pháp lý cần thiết để tố cáo Việt Nam về dân chủ, nhân quyền.

Cách gọi “tù nhân lương tâm” chỉ là một chiêu trò của các tổ chức, cá nhân thù địch với chế độ xã hội ở Việt Nam, nhằm cổ vũ, hậu thuẫn cho các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam để dễ bề can thiệp vào việc bảo vệ, kích động những đối tượng này. Dựa vào chiêu bài “tù nhân lương tâm”, các đối tượng chống đối trong nước tìm cách tạo cớ cho những thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, gây sức ép với chính quyền và xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tiến tới gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự để thực hiện âm mưu thúc đẩy “cách mạng màu” nhằm chuyển hóa chế độ xã hội tại Việt Nam.

Tại Việt Nam cũng như ở bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào khác, những đối tượng vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hoàn toàn không có việc bắt giữ, điều tra, truy tố, xét xử đối với những đối tượng vi phạm pháp luật lại bị coi là đàn áp những người “bất đồng chính kiến” hay giam giữ “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”, biến những kẻ vi phạm pháp luật thành nạn nhân, dễ bề đánh lừa dư luận trong và ngoài nước, lu loa với luận điệu nhân quyền ở Việt Nam là hết sức tồi tệ.

Thứ tư, diễn giải tư biện, trừu tượng về nhân quyền phổ quát

Nhân quyền phổ quát là quyền tự nhiên của mỗi người dựa trên nhân phẩm của con người. Các luận điệu phê phán Việt Nam thường cho Việt Nam (và các nước đang phát triển khác) xem xét nhân quyền theo một nội hàm quá rộng, nên chung chung, trừu tượng, mà coi nhẹ việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền tự nhiên của những cá nhân cụ thể. Đúng là phải tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền tự nhiên của cá nhân, nhưng không thể chỉ thấy quyền của bản thân một hay vài cá nhân cụ thể mà hy sinh quyền tự nhiên, trước hết của các cá nhân, nhóm xã hội trực tiếp liên quan đến những cá nhân đó. Bởi lẽ, nhân phẩm con người không chung chung, trừu tượng mà được thể hiện, tôn trọng, bảo vệ, thực hiện một cách tự nhiên trong thực tế ứng xử, quan hệ và hoạt động cùng với những cá nhân khác, trước hết là với những người sống quanh mình. Đó chính là biểu hiện tự nhiên của nhân quyền phổ quát. Vì thế không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều tiếp cận và thực hành nhân quyền phổ quát không chung chung, trừu tượng, mà trong mối quan hệ tự nhiên giữa quyền cá nhân với quyền của nhóm xã hội hay quyền của cộng đồng. Chỉ khi quyền tự nhiên của cá nhân hài hòa với quyền tự nhiên của cộng đồng, trước hết là quyền tự nhiên của nhóm xã hội liên quan trực tiếp đến cá nhân đó, thì thuộc tính phổ quát của nhân quyền tự nhiên mới thành hiện thực.

Các luận điệu phê phán theo lối tư biện nhân danh tính phổ quát của nhân quyền tự nhiên của cá nhân cùng lối suy diễn một chiều thái quá và mang động cơ thù địch về chính trị, đã dựa trên một số thông tin chưa được kiểm chứng cùng sự kỳ thị đối với Việt Nam để cường điệu hóa quyền của một vài cá nhân, mà bỏ qua quyền của các cá nhân, nhóm xã hội trực tiếp liên quan đến sự vi phạm nhân quyền của cá nhân đó. Cách nhìn nhận hết sức tồi tệ này thể hiện rõ trong các bản phúc trình nhân quyền toàn cầu của HRW; khi tổ chức này lâu nay liên tục báo động về “một xu hướng nhân quyền tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng tại Việt Nam”. Nếu theo luận điệu này thì cho đến nay, HRW hầu như chẳng còn thu thập được chất liệu bảo đảm quyền con người nào ở nước ta để “sản xuất” phúc trình về nhân quyền. Đó chính là một logic hết sức tồi tệ của các luận điệu phê phán nhân quyền tại Việt Nam.

Thứ năm, nhân danh nhân quyền phổ quát để che lấp ý thức hệ chính trị phương Tây

Ý thức hệ chính trị này vốn đẫm màu sắc chủ nghĩa đế quốc văn hóa, xem văn hóa phương Tây là trung tâm, coi nhân quyền phương Tây chi phối nhân quyền phổ quát toàn thế giới và cao hơn chủ quyền quốc gia. Nó lại bị chi phối bởi nguồn kinh phí hoạt động của những cá nhân, tổ chức dân sự nước ngoài theo cơ chế thị trường và không thiện chí với Việt Nam. Nên điều dễ hiểu là nó thường sai sự thật, thiên vị, mang màu sắc chính trị thực dụng, vụ lợi, thậm chí nhiều khi có tính chống đối công khai, trắng trợn và quyết liệt. Từ đó nó dễ gây ra phản ứng tiêu cực trong dư luận Việt Nam và cả thế giới. Thí dụ các bản phúc trình về nhân quyền của HRW thường bị phản ứng, bị chỉ trích tức thì do chịu quá nhiều tác động bởi thế lực cực hữu trong chính quyền Mỹ, như về Vênêxuêla hoặc các hoạt động bài Hồi giáo. Để huy động được nhiều vốn cho hoạt động, HRW còn lợi dụng tâm lý chống Ítxraen để “sản xuất” phúc trình về nhân quyền theo cơ chế có lợi cho việc gây quỹ; tại nước Ả rập Xê út giàu có bằng cách tập trung chỉ trích Ítxraen nhưng lại “nhẹ nhàng” với các chế độ độc tài trong khu vực.

Thứ sáu, vi phạm nghiêm trọng công ước và nguyên tắc quốc tế về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác

Cụ thể là đã vi phạm nghiêm trọng Điều 2, Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 và Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng như trong nhiều điều ước quốc tế về nhân quyền. Theo Nghị quyết 2625: không quốc gia nào hay nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vì bất kỳ lý do gì vào công việc đối nội và đối ngoại của quốc gia khác. Mâu thuẫn nội tại của các luận điệu đó là mặc dù nhân danh nhân quyền phổ quát nhưng lại không tuân theo nguyên tắc điều chỉnh của luật nhân quyền quốc tế đối với chủ quyền quốc gia và trách nhiệm quốc gia, chẳng hạn theo Điều 1 của hai công ước quốc tế năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như theo “Tuyên bố về các nguyên tắc của luật quốc tế, điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc” (năm 1970).

Xuất phát từ những nguyên tắc đó, Nhà nước Việt Nam, trong nhiều văn bản pháp luật đã quy định rõ các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên của những cơ quan đó phải: tôn trọng pháp luật và phong tục, tập quán của Việt Nam; không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. 

Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ và nền văn hóa do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống... nên cách tiếp cận nhân quyền phổ quát có thể khác nhau. Theo ông Lý Quang Diệu (Thủ tướng Xinhgapo), không ở đâu trên thế giới, các quyền này lại được phép thực hiện mà không có những giới hạn, vì nếu áp dụng một cách mù quáng những ý tưởng này có thể đi theo hướng hủy hoại xã hội có tổ chức.

1 nhận xét:

  1. Mỗi người dân Việt Nam yêu nước hãy hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, kiên quyết, kiên trì, nhận thức rõ luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch để có hành động đúng.

    Trả lờiXóa