Với cái nhìn thiếu thiện chí, một số quốc gia phương Tây vu cáo Việt Nam đàn áp, kiểm soát, giới hạn tự do tôn giáo thông qua các điều khoản luật “mơ hồ”.
Trong các báo cáo thường niên của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ và Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, từ góc nhìn thiên lệch và thiếu khách quan, thường đưa ra nhiều nhận định chủ quan rằng “chủ nghĩa vô thần chống tôn giáo”, quyền tự do tôn giáo bị vi phạm nghiêm trọng. Trong Báo cáo thường niên mới nhất của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế vẫn cho rằng tình trạng vi phạm tự do đức tin và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam chưa được cải thiện, rằng việc thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là trái với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và vi phạm có hệ thống tự do tôn giáo.
Trên cơ sở Báo cáo thường niên của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế năm 2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2021 nhận định, luật pháp Việt Nam quy định sự kiểm soát đáng kể của Chính phủ đối với các hoạt động tôn giáo, trong đó bao gồm nhiều điều khoản “mơ hồ” để hạn chế quyền tự do tôn giáo vì lợi ích của an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội. Nhiều tổ chức ở Hoa Kỳ liên tục chỉ trích Việt Nam trong vấn đề pháp nhân tôn giáo. Họ cho rằng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo duy trì một quy trình đăng ký và công nhận với nhiều giai đoạn áp dụng cho các nhóm tôn giáo, đặc biệt là với các nhóm tôn giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc thiểu số và nhóm tôn giáo mới.
Mặc dù Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế năm 2021 cũng ghi nhận một số cải thiện về tự do tôn giáo ở Việt Nam, song nhìn chung, vẫn cáo buộc Việt Nam hạn chế quyền tự do tôn giáo, cho rằng chính quyền đóng cửa khu vực màu xám (tức các nhóm tôn giáo chưa đăng ký hoạt động) và cáo buộc Việt Nam hình sự hóa hoạt động tôn giáo.
Như vậy, trong cách nhìn nhận của các tổ chức này, việc Chính phủ Việt Nam ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thực chất là nhằm “quản chế” và “trừng phạt” các hoạt động tôn giáo, khiến cho các hoạt động tôn giáo trở nên khó khăn hơn. Họ lập luận rằng, Việt Nam chưa thực sự xem tổ chức tôn giáo như một nguồn lực xã hội mà vẫn xem đây là một thực thể chính trị, điều này dẫn tới việc cản trở đức tin và thực hiện đức tin tôn giáo vẫn tiếp diễn.
Mỹ cũng thường xuyên phối hợp với các nước trong Liên minh châu Âu (EU) gây sức ép với Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền và tôn giáo. Điển hình nhất là Nghị quyết về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam do Nghị viện châu Âu thông qua ngày 26-11-2009. Sau khi Nghị quyết ra đời, Ủy ban và Hội đồng châu Âu đã tạo sức ép đối với Việt Nam về các vấn đề liên quan đến tôn giáo, nhân quyền trong các tiêu chuẩn để thương lượng về hiệp định thương mại tự do FTA.
Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ trong các tờ trình gửi tới EU thường xuyên bày tỏ mong muốn EU gây sức ép để Việt Nam ngừng can thiệp vào các công việc tôn giáo và có các biện pháp cụ thể để ngăn chặn “nạn công an bạo hành”. Gần đây, trong Báo cáo thế giới năm 2021, tổ chức này đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do tôn giáo. Báo cáo này cáo buộc Việt Nam “sách nhiễu và dùng vũ lực đàn áp các nhóm tôn giáo” hoạt động bên ngoài các định chế tôn giáo chính thức do Nhà nước kiểm soát.
Bên cạnh đó, các nước như Anh, Ôxtrâylia, Đức cũng thường xuyên đưa ra các Báo cáo nhân quyền liên quan đến Việt Nam, yêu cầu Việt Nam sửa đổi Hiến pháp và các quy định của pháp luật mà theo họ là không tương thích với luật pháp quốc tế. Họ lớn tiếng kêu gọi thả các “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo” mà thực chất là những đối tượng mượn danh tôn giáo vi phạm pháp luật Việt Nam.
Một số cá nhân, tổ chức cực đoan ở nước ngoài có tư tưởng thù địch với chế độ có quan điểm lệch lạc cho rằng, Việt Nam có “hai chính sách tôn giáo”: chính sách bảo đảm trên hình thức và “chính sách” không bảo vệ, thông qua “cơ chế xin - cho” và tạo lập các “tôn giáo quốc doanh”.
Một số nhóm người Việt sống lưu vong ở nước ngoài có tư tưởng thù địch, chống đối chế độ liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp với các tổ chức phản động quốc tế để lên án tất cả các vấn đề của Việt Nam, trong đó có vấn đề tôn giáo. Họ thông qua nhiều hình thức như tổ chức các cuộc hội luận, họp báo, phát tán tài liệu, đăng đàn nhiều quan điểm trên không gian mạng... để tuyên truyền xuyên tạc Đảng và Nhà nước Việt Nam “kiểm soát tôn giáo”, khiến cho các tôn giáo ở Việt Nam bị buộc phải im tiếng hay biến thành công cụ của Nhà nước. Mục đích của những luận điệu này là tập trung gây chia rẽ, khoét sâu mâu thuẫn giữa tôn giáo với chính quyền.
Quan điểm sai trái của một số cá nhân, tổ chức bất mãn trong nước, Việt Nam thực hiện chính sách “độc tài cai trị”, “đàn áp tôn giáo”, khống chế không gian phát triển của tôn giáo.
Một số tổ chức, cá nhân trong nước tận dụng những kẽ hở của luật pháp và những bất cập, sơ hở trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách tôn giáo để gây bất ổn về an ninh trật tự tại địa phương. Chúng triệt để lợi dụng các vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, cơ sở thờ tự của tôn giáo nhằm chính trị hóa sự việc, kích động hoạt động chống đối, gây tâm lý bức xúc, nghi ngờ trong xã hội.
Một số tu sĩ, chức sắc có mưu đồ xấu và nhận thức lệch lạc nêu vấn đề, muốn có tự do tôn giáo phải thành lập khu tôn giáo tự trị hòng gây chia rẽ đoàn kết tôn giáo.
Một bộ phận tu sĩ, chức sắc tôn giáo nhận được sự hậu thuẫn từ các tổ chức cực đoan trong và ngoài nước cố tình xuyên tạc vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam, kích động tín đồ đòi “tự do tôn giáo” và “quyền tự trị dân tộc”. Tại Tây Bắc và Tây Nghệ An, họ lập đạo Vàng Chứ để thành lập “Vương quốc Mông tự trị”. Tại Tây Nguyên, họ yêu sách với chính quyền đòi thành lập “Nhà nước Đề Ga độc lập” với quốc giáo là Tin lành Đề Ga. Tại Tây Nam Bộ, họ đòi thành lập “Nhà nước Khơ me Crôm” với “Phật giáo riêng của người Khơ me”. Đây thực chất là mưu đồ “tôn giáo hóa vùng dân tộc thiểu số”, kích động lòng thù hận dân tộc, làm xuất hiện chủ nghĩa dân tộc cực đoan, gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Thực tế về tự do tôn giáo đang diễn ra ở Việt Nam đã bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các thế lực thù địch
Trả lờiXóa