Thứ nhất, phân loại các đối tượng là chỗ dựa của các cán bộ, đảng
viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa”.
Các lực lượng phản động, thù địch: gồm
lực lượng cực hữu ở một số nước phương Tây, lực lượng cực hữu người Việt Nam ở
ngoài nước và những cá nhân người Việt Nam ở trong nước bị các thế lực cực hữu
nước ngoài mua chuộc, lợi dụng để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và chế
độ chính trị - xã hội tại Việt Nam.
Các lực lượng khác bao gồm những người nghiên cứu
lý luận, hoạt động chính trị đảng phái tại một số nước phương Tây và cả những
người cơ hội chủ nghĩa, suy thoái về tư tưởng, chính trị tại Việt Nam. Cuộc đối
thoại, đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản không chỉ
diễn ra trên phạm vi thế giới, mà ngay tại Việt Nam hiện nay. Trong đó phải coi
trọng đấu tranh với những người cơ hội chủ nghĩa, suy thoái về tư tưởng chính
trị, trong đó gồm cả cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”. Đây thực chất là những đối tượng thù địch “giấu mặt” đóng vai “phái giữa”
nên có sức nguy hại rất lớn, vì họ “đánh từ trong đánh ra” theo kiểu “người của
ta”, gián tiếp thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “chệch hướng” nền tảng
tư tưởng của Đảng ngay từ nội bộ.
Thứ hai, chú trọng hóa giải các âm mưu, thủ đoạn chống phá chủ yếu
trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền.
Đối với các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận các giá trị
lý luận, thực tiễn về QCN và lợi dụng các hiệp định, dự án hợp tác với nước
ngoài nhằm phá hoại và làm chệch hướng XHCN của nền kinh tế thị trường ở Việt
Nam: Cán bộ, đảng viên phải ý thức rõ trách nhiệm trong việc bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng, bởi danh dự và uy tín của Đảng không thể tách rời danh dự, uy
tín của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong sinh hoạt hằng ngày, khi giao tiếp với mọi
người thuộc nhiều thành phần trong xã hội, không thể không nghe những ý kiến về
sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý, điều hành xã hội của Nhà nước. Mỗi cán
bộ, đảng viên cần chủ động nhìn cho đúng bản chất của từng sự việc để đấu
tranh, phê phán, phản bác với các luận điệu sai trái, thù địch, chống phá Đảng,
Nhà nước và chế độ.
Đối với các hoạt động kích động, xuyên tạc vấn đề dân tộc, tôn
giáo ở Việt Nam, phải tập trung vạch trần âm mưu, luận điệu xuyên tạc, kích
động về cái gọi là “chính sách bảo đảm trên hình thức và chính sách không bảo
vệ, không bảo đảm trong thực tế” thông qua “cơ chế xin - cho” nhằm tạo
lập các “tôn giáo quốc doanh” của các thế lực phản động, thù địch.
Đối với các hoạt động kích động, xuyên tạc Việt Nam ngăn cản tự do
ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do hội họp: Các luận điểm phản bác cần
căn cứ vào luật pháp Việt Nam và luật pháp của nhiều quốc gia trên thế giới,
trong đó có các nước phương Tây, coi tự do ngôn luận không phải là một quyền tuyệt
đối, mà bị chế ước bởi pháp luật, đạo đức, dư luận xã hội.
Thứ ba, thực hiện các giải pháp liên ngành nhằm tăng cường bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về
chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ
Cần tách các bộ phận tiến hành công tác tư tưởng thành một cơ quan
độc lập để thực hiện đồng bộ các khâu của quy trình công tác tư tưởng và bám
sát thực tiễn luôn luôn biến động của cuộc sống. Tiếp tục kiện toàn
việc xây dựng lực lượng chuyên trách theo hướng tinh gọn, đủ mạnh theo tinh
thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị: Ban hành cơ chế tuyển chọn những
cán bộ làm công tác tư tưởng thực sự tiêu biểu về lý luận chính trị, thuần thục
các kỹ năng truyền thông, thông tin hiện đại. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ
thống pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp, phân rõ trách nhiệm cơ
quan chủ trì, cơ quan phối hợp; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng
đầu, cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp trong đối thoại, đấu tranh trong lĩnh vực
tư tưởng.
Cách thức tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hữu hiệu
nhất là: Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tăng cường khắc phục tác
động tiêu cực của kinh tế thị trường kết hợp với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn
Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ
theo nguyên tắc dựa vào dân, gắn bó mật thiết với nhân dân nhằm củng cố và tăng
cường niềm tin của nhân dân.
Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng và cấp ủy các cấp xây dựng
nghị quyết, kế hoạch, chỉ thị về lãnh đạo đấu tranh tư tưởng thông qua hai loại
nghị quyết: nghị quyết lãnh đạo theo nhiệm kỳ, hằng năm, hằng quý, là nghị
quyết lãnh đạo chung, trong đó có nội dung lãnh đạo công tác đấu tranh tư
tưởng; nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác đấu tranh tư tưởng. Trên cơ sở
đó lãnh đạo triển khai, thực hiện nghị quyết, kế hoạch về lãnh đạo đấu tranh tư
tưởng, như phát huy vai trò của chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội
và thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm đấu tranh
tư tưởng. Những điển hình tốt, những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế là
cơ sở để cấp ủy xây dựng nghị quyết, kế hoạch về lãnh đạo đấu tranh tư tưởng
chính trị nhằm thu được thắng lợi lớn hơn.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin điện tử tuyên
giáo (VCNET): Cần nghiên cứu, đưa vào khai thác sử dụng các phần mềm phục vụ
kiểm soát, phân loại thông tin tích cực, tiêu cực trên internet, mạng xã hội
liên quan đến cơ quan, đơn vị; cảnh báo luồng dư luận quan tâm và nguy cơ xảy
ra biểu tình ở các “điểm nóng”; phát triển rô-bốt mạng tham gia các chiến dịch
truyền thông chủ động (phát tán nhiều thông tin tích cực; pha loãng, làm phân
tán luồng thông tin tiêu cực, xấu, độc), nhất là ở các cơ quan, đơn vị chức
năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mạng lưới cộng tác viên công tác tư
tưởng chính trị trong Đảng và trong xã hội: Cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên
làm công tác xã hội về tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân; và tăng cường phối
hợp giữa các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là các hội viên công tác xã hội về tư
tưởng tại địa phương nhằm đổi mới công tác quản lý, giáo dục, nâng cao bản lĩnh
chính trị cho đội ngũ này để họ tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tích cực học tập
đường lối, chủ trương của Đảng. Đối với chính quyền, cần đưa công
tác thông tin, tuyên truyền thành truyền thông chính sách và quan hệ công
chúng, nhằm huy động đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia vào tất cả
các khâu của chu trình chính sách, pháp luật và phản hồi ý kiến, đánh giá của
người dân để hoàn thiện chính sách, pháp luật./.
V3.
Căn bệnh suy thoái là căn bệnh phải được phát hiện và điều trị từ sớm; nếu phát hiện muộn sẽ không điều trị được
Trả lờiXóa