Thứ Ba, 20 tháng 6, 2023

 

Nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học

(LLCT) - Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của mình. Để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là đội ngũ thật sự am hiểu và có niềm tin vững chắc vào hệ thống giá trị khoa học, nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì việc giảng dạy và học tập các môn học lý luận chính trị ở bậc đại học giữ vai trò hết sức quan trọng.


Từ khóa: chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, nguồn nhân lực chất lượng cao.

1. Vai trò của giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học

Cho đến nay, chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết duy nhất đặt ra mục tiêu và chỉ rõ con đường giải phóng triệt để giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới thoát khỏi tình trạng bị nô dịch, bóc lột, đói nghèo và tha hóa về nhiều mặt. Không chỉ nêu mục tiêu, đối tượng, các quy luật của sự giải phóng và phát triển, mà chủ nghĩa Mác - Lênin còn chỉ rõ những lực lượng cách mạng có khả năng thực hiện được sự giải phóng và phát triển. Nó là thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cung cấp cho con người một công cụ để nhận thức và cải tạo thế giới; chỉ ra quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và tư duy.

Trên hành trình giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã vui mừng đến phát khóc khi tìm thấy con đường cách mạng vô sản trong lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay, đã lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. Trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vận dụng, phát triển sáng tạo, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành tài sản tinh thần vô giá, cẩm nang thần kỳ bảo đảm vững chắc cho cách mạng Việt Nam trong hành trình đi tới mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong bối cảnh hiện nay, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là thế giới quan, phương pháp luận khoa học nền tảng để nhận thức và giải quyết những vấn đề thực tiễn đương đại; thực hiện sự nghiệp đổi mới thành công. Những tri thức đó cần được ưu tiên giảng dạy và học tập một cách khoa học, nghiêm túc để đạt hiệu quả cao, trở thành tri thức nền tảng vững chắc cho nguồn nhân lực chất lượng cao - chủ thể nòng cốt của sự nghiệp phát triển kinh tế thị trường định XHCN, hội nhập quốc tế và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đó là đòi hỏi vừa khách quan vừa chủ quan. Các giá trị khoa học bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được thực tiễn cách mạng kiểm chứng cần được đưa vào giảng dạy, học tập với những nội dung cơ bản là: Lý luận về sự  phát triển; Lý luận khoa học về sự giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; Phương pháp biện chứng duy vật và quan niệm duy vật về lịch sử; Học thuyết giá trị thặng dư, hình thái kinh tế - xã hội; Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân loại và Việt Nam; về xây dựng đạo đức mới, con người mới…

2. Nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống đại học Việt Nam

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, giữ vững định hướng XHCN cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo dục lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng. Bên cạnh năng lực chuyên môn thì nền tảng tư tưởng, nhận thức, nhân sinh quan và thế giới quan ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, cần đổi mới toàn diện việc dạy và học các môn lý luận chính trị tại các trường đại học, cao đẳng để vừa hội nhập thế giới, vừa giữ vững đặc thù của một nước đang phát triển theo định hướng XHCN.

Mục tiêu của việc học tập các môn lý luận chính trị ở bậc đại học là nhằm  hiểu một cách căn bản, khoa học về nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng. Song, trong khuôn khổ thời lượng phổ quát đối với đào tạo đại học thế giới hiện nay, giáo dục đại học nước ta vừa phải giảng dạy và học tập các môn chuyên ngành, đồng thời phải giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị để đạt mục tiêu kép về kiến thức.

Hiện nay, trong chương trình đào tạo, việc giảng dạy các môn học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn gặp nhiều hạn chế về thời lượng, kết cấu chương trình, chất lượng và phương pháp giảng dạy… khiến sinh viên thiếu động cơ và sự hứng thú trong học tập, rèn luyện, dẫn đến kết quả là các tri thức nền tảng chưa được tích lũy vững chắc.

Ngày 24-6-2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 494/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Một số biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy, học tập các bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng, môn Chính trị trong các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề”. Ngày 18-9-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 52/2008/QĐ-BGDĐT về ban hành chương trình các môn Lý luận chính trị trình độ đại học, cao đẳng dùng cho sinh viên khối không chuyên ngành Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gồm 3 môn: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin (5 tín chỉ)(1); Tư tưởng Hồ Chí Minh (2 tín chỉ); Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam (3 tín chỉ), cả thảy 10 tín chỉ = 150 tiết. Việc giáo dục lý luận chính trị theo tinh thần này đã góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ sinh viên các trường đại học giai đoạn sau đó. 

Triển khai Kết luận 94-KL/TW ngày 28-3-2014 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương hoàn thành xây dựng bộ chương trình, giáo trình 5 môn lý luận chính trị giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, đưa vào giảng dạy từ năm học 2019-2020. Nội dung của Kết luận 94-KL/TW là đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm tạo bước tiến mới, có kết quả, chất lượng cao hơn, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội; bảo đảm thế hệ trẻ Việt Nam có đủ năng lực, luôn vững vàng trên nền tảng tư tưởng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Chương trình lý luận chính trị mới đã được biên soạn và được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua gồm 5 môn, với 11 tín chỉ: Triết học Mác - Lênin: 3 tín chỉ; Kinh tế chính trị Mác - Lênin: 2 tín chỉ; Chủ nghĩa xã hội khoa học: 2 tín chỉ; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: 2 tín chỉ; Tư tưởng Hồ Chí Minh: 2 tín chỉ.

Thời lượng giảng dạy như trên còn khiêm tốn so với lượng tri thức nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, phải có biện pháp tổ chức giảng dạy, học tập phù hợp để người học có được kiến thức cơ bản về các môn học này sau khi tốt nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng nền tảng tư tưởng vững chắc, nhận thức khoa học sâu sắc và hành động đúng đắn khi trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội. Cụ thể:

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của việc giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng cho mỗi công dân, đặc biệt là những người trong độ tuổi lao động hay chuẩn bị tham gia vào lực lượng lao động. Do đó, cần quan tâm, chú trọng hơn nữa đến công tác giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị ở bậc đại học, sao cho người học hiểu rõ, nắm vững kiến thức nền tảng và có thể phát huy sáng tạo khi tham gia vào công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước.

Hai là, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng là chủ thể chịu trách nhiệm chính trước xã hội, trước Đảng và nhân dân về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng, trong đó có phẩm chất tri thức, đạo đức nền tảng của họ. Vì thế, việc dạy và học các môn học lý luận chính trị cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng tổ chức một cách khoa học, nghiêm túc và chất lượng. 

Ba là, “đổi mới nội dung, chương trình giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn, khắc phục sự trùng lắp, khép kín...”(2).  Với thời lượng như trên, cần lựa chọn những tri thức khoa học căn bản, mang tính lý luận sâu sắc, tính thực tiễn sinh động, thiết thực, tính định hướng phương pháp luận, tính quy luật, tính đặc thù… trong di sản chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đưa vào chương trình giảng dạy bậc đại học.

Bốn là, để khắc phục sự hạn chế về thời lượng giảng dạy chính khóa cho các môn lý luận chính trị, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng cần kết hợp tổ chức diễn đàn học tập, nghiên cứu trực tuyến nhằm trao đổi, thảo luận những vấn đề lý luận chính trị, qua đó làm sâu sắc kiến thức lý luận chính trị cho người học. Cần phát huy tính tích cực, chủ động người học; tổ chức những phong trào thi đua học lý luận chính trị trong giới sinh viên, học viên, để lý luận chính trị phải trở thành tri thức nền tảng tư tưởng vững chắc cho mỗi thành viên trong đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội.

Năm là, việc giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị phải hướng tới mục tiêu người học nhận thức được một cách sâu sắc, căn bản tri thức của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng. Chỉ khi đứng vững trên nền tảng tư tưởng đó, nhận thức đúng phương pháp hành động, đạo đức cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì Đảng mới tổ chức được nguồn nhân lực của mình hướng vào mục tiêu cách mạng đã xác định một cách có hiệu quả cao.

Sáu là, phải “Xây dựng cho được đội ngũ giáo viên lý luận chính trị thật tâm huyết, yêu nghề, tuyệt đối trung thành, có niềm tin, có kiến thức về các môn học này một cách sâu sắc, cập nhật, gắn với thực tiễn. Đây là nhân tố quyết định sự thành công của việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong nhà trường”(3). Cần kết hợp tốt giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhất là những vấn để thực tiễn đổi mới, hội nhập đang đặt ra. Không để tình trạng bất cập kéo dài giữa lý luận và thực tiễn đổi mới trong một số vấn đề, gây thiếu cơ sở lý luận, thiếu niềm tin khoa học, lúng túng trong hoạt động thực tiễn.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2021

(1) Tín chỉ là đơn vị dùng để đo lường khối lượng học tập. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết.

(2) ĐCSVN: Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 (Nghị quyết số 37/NQ-TW, ngày 09-10-2014).

(3) ĐCSVN: Kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân (số 94-KL/TW, ngày 28-3-2014), tr.2.

nguồn: PGS, TS Đoàn Thế Hanh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


1 nhận xét: