Viện Xã hội học và Phát triển - 30 năm xây dựng và trưởng thành
1. Ba mươi năm - một chặng đường phát triển
Ngày 25-11-1990, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) ra quyết định thành lập Trung tâm Xã hội học - Tin học, đơn vị đầu tiên nghiên cứu và giảng dạy về xã hội học trong hệ thống Trường Đảng nước ta. Trải qua 30 năm, Viện Xã hội học và Phát triển đã có nhiều lần đổi tên: 1995 - 2005: Trung tâm Xã hội học; 2005 - 2008: Viện Xã hội học và Tâm lý lãnh đạo, quản lý; 2008 - 2018: Viện Xã hội học. Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 8-8-2018 của Bộ Chính trị Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã xác định Viện Xã hội học và Phát triển là một trong các viện nghiên cứu giảng dạy chuyên ngành thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ngày 1-11-2018, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 6582-QĐ/HVCTQG về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Viện Xã hội học và Phát triển, theo đó, Viện có chức năng giảng dạy các chuyên ngành xã hội học và quản lý phát triển xã hội trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện; nghiên cứu xã hội học, quản lý phát triển xã hội phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; góp phần vào việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hiện nay, Viện có 14 cán bộ, viên chức, trong đó có 1 giáo sư, 2 phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 5 thạc sĩ và 1 cử nhân. Trên một nửa cán bộ của Viện được đào tạo ở nước ngoài hoặc đã nghiên cứu, học tập ngắn hạn ở nước ngoài. Một số cán bộ giảng dạy, nghiên cứu của Viện sử dụng tốt từ 1 đến 2 ngoại ngữ trong công tác chuyên môn. 100% giảng viên đã học và vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy. Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/ĐU ngày 14-3-2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy về sắp sếp tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hiện nay Viện không tổ chức các phòng, ban mà thực hiện hoạt động theo nhóm công tác chuyên môn do lãnh đạo Viện trực tiếp điều hành. Qua 30 năm phấn đấu và trưởng thành, Viện đạt được một số thành tích cơ bản sau:
Viện luôn xác định rõ công tác giảng dạy, đào tạo cán bộ là trọng tâm, là trách nhiệm nặng nề, khó khăn, song hết sức vẻ vang. Từ khi thành lập đến nay, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Học viện, sự hợp tác của các nhà khoa học, các đơn vị trong và ngoài Học viện, các thế hệ cán bộ, công chức của Viện luôn tập trung trí tuệ, sức lực vào hoạt động quan trọng này. Từ năm 1993, Viện đã đào tạo nghiên cứu sinh chuyên ngành xã hội học và từ năm 2003, Viện đào tạo cao học chuyên ngành xã hội học. Đội ngũ cán bộ của viện đã tham gia đào tạo các hệ từ cao cấp lý luận, cử nhân chính trị, cao học, nghiên cứu sinh, các chương trình tập huấn, bồi dưỡng... trong và ngoài Học viện, với khoảng 1.000 lớp và hàng chục nghìn học viên các hệ đào tạo, bồi dưỡng. Viện đã đào tạo thành công 41 tiến sĩ và trên 162 thạc sĩ. Hiện tại, có gần 20 nghiên cứu sinh và 22 học viên cao học đang học tập tại Viện.
Trong những năm qua, cùng với công tác đào tạo, Viện đã có những nỗ lực vượt bậc trong nghiên cứu khoa học. Bám sát vai trò, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của từng bộ môn và nhiệm vụ Học viện giao, đặc biệt là những nhu cầu bức thiết từ thực tiễn, Viện đã phát huy tối đa tiềm năng và mọi nguồn lực, thiết lập mối liên kết với nhiều cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế, thực hiện được nhiều đề tài có chất lượng cao.
Đến nay, Viện Xã hội học và Phát triển đã thực hiện được khoảng 210 đề tài cấp bộ, cấp nhà nước và tương đương, hàng trăm đề tài cấp cơ sở và tương đương. Tiêu biểu như: Phát triển xã hội và quản lý sự phát triển xã hội ở các vùng nông thôn Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp; Nghiên cứu vận dụng tổng tích hợp các lý thuyết về phân tầng xã hội nhằm thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay; Biến đổi cơ cấu xã hội và vai trò của kinh tế thị trường; Đấu tranh và phòng ngừa một số tội phạm phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay; cán bộ của Viện đã đăng tải hơn 1.000 bài báo trên các tạp chí khoa học; biên soạn khoảng 120 đầu sách tham khảo, chuyên khảo và giáo trình các loại. 2/3 số đề tài tập trung vào những vấn đề cấp bách của xã hội, trong đó có 16 đề tài hướng vào nghiên cứu, đánh giá các chiến lược, chính sách, chương trình - dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như một số địa phương như: Đánh giá tác động kinh tế, xã hội, môi trường của quá trình di dân tái định cư của thủy điện Sơn La; Đề tài tổng kết 30 năm đổi mới; Phân hóa xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và giải pháp khắc phục; Đánh giá tác động kinh tế, xã hội, môi trường và tái định cư của dự án phát triển cơ sở hạ tầng cho các đô thị vừa và nhỏ ở Việt Nam... Trong những năm gần đây, Viện đã chủ trì một số đề tài cấp nhà nước về các vấn đề mới trong phát triển kinh tế - xã hội và sát hợp với thực tiễn vùng miền như Di dân các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hay Tác động xã hội của đô thị hóa vùng Tây Nam Bộ. Các kết quả nghiên cứu của các cán bộ trong Viện đã được công bố trên nhiều tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế.
Trong thời gian gần đây, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Học viện, Viện đã tích cực tham gia vào việc xây dựng các báo cáo chính sách về dân số và phát triển phục vụ việc xây dựng văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; tham gia vào nghiên cứu nguyên nhân, đánh giá tác động xã hội của điểm nóng chính trị - xã hội xảy ra trong thời gian qua, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp chính sách nhằm tăng cường, phát huy hơn nữa tiếng nói và vai trò thực chất của người dân trong quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương và đất nước. Một số cán bộ Viện tham gia tích cực vào nghiên cứu hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài về chỉ số đánh giá hiệu quả Chính phủ cũng như tư vấn chiến lược về chính sách phát triển các tỉnh và thành phố.
Viện đã tổ chức hàng chục hội thảo khoa học với các đối tác trong nước và quốc tế về các chiều cạnh khác nhau của xã hội học cũng như vai trò của xã hội học trong hoạt động lãnh đạo, quản lý nói riêng, trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Tiêu biểu như: Vai trò của xã hội học trong lãnh đạo, quản lý; Phân tầng xã hội - lý thuyết và thực tiễn: so sánh giữa Việt Nam và Ba Lan; Nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn quản trị cấp tỉnh; Gắn kết lý thuyết với giải quyết các vấn đề thực tiễn trong nghiên cứu xã hội học...
Những thành tích đạt được của Viện trước hết là kết quả triển khai hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện cũng như sự hỗ trợ phối hợp hiệu quả của các viện, vụ và đơn vị trong hệ thống Học viện. Các thế hệ cán bộ, giảng viên và người lao động của Viện luôn thể hiện lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, tin tưởng vào đường lối đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng; đã nỗ lực phấn đấu vượt qua những thời điểm khó khăn nhất, kiên quyết đấu tranh với sự bảo thủ, trì trệ, đoàn kết gắn bó xây dựng môi trường văn hóa làm việc của Viện theo phương châm: Cởi mở - Chân thành - Cùng nhau - Phát triển.
Từ quá trình phấn đấu tích cực và đạt được nhiều thành tích trong nghiên cứu, giảng dạy và nhiều công tác khác, tập thể và các cá nhân của Viện đã được Đảng, Nhà nước và Học viện tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: 1 Huân chương Lao động hạng Ba, 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bằng khen của Giám đốc Học viện và Đảng ủy Học viện.
Về cá nhân, có 1 Huân chương Lao động hạng Ba, 4 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 6 Bằng khen của Giám đốc Học viện, 18 Bằng khen của Đảng ủy Học viện.
2. Tầm nhìn và định hướng phát triển đến năm 2030
Nghị quyết Đại hội Chi bộ Viện Xã hội học và Phát triển nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phương hướng phát triển Viện thành Viện nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành về xã hội học và quản lý phát triển xã hội có uy tín cao trong Học viện và cả nước. Gắn kết xã hội học với yêu cầu nhiệm vụ mới trong quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, như Nghị quyết Đại hội XII và Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đã nêu ra, là hướng phát triển xuyên suốt về nghiên cứu, giảng dạy và tư vấn chính sách cho Viện trong những năm tới. Để đạt được các mục tiêu trên, Viện tập trung thực hiện các nội dung sau:
Trước hết, cùng với toàn hệ thống Học viện, Viện Xã hội học và Phát triển sẽ nỗ lực cao nhất để quán triệt và triển khai đầy đủ, nhất quán trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của mình với các nhiệm vụ cấp thiết và lâu dài được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, Nghị quyết Đại hội XII cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sắp tới; luôn chủ động và sáng tạo quán triệt, vận dụng Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý”.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu phát triển ngành xã hội học và quản lý phát triển xã hội vừa mang tính học thuật và tính ứng dụng thực tiễn cao; đi sâu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về tiến bộ, công bằng và phát triển xã hội; gắn kết nghiên cứu, giảng dạy xã hội học và quản lý phát triển xã hội với cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ XHCN.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học đến năm 2030, tập trung nghiên cứu các lĩnh vực xã hội học liên quan mật thiết đến các vấn đề phát triển xã hội như: biến đổi xã hội, quản lý công - quản trị công với trọng tâm về quản lý phát triển xã hội, phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo, vai trò và tiếng nói của người dân và xã hội trong quá trình chính sách và quản lý, chuyển đổi số mọi mặt hoạt động xã hội, dân số và phát triển, nghiên cứu so sánh quốc tế và khu vực...
Thứ tư, đẩy mạnh việc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện giáo trình, giáo án, phương tiện, phương pháp dạy và học theo định hướng của Học viện cũng như xu hướng đổi mới chung của đất nước và thế giới, chủ động áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực với phương châm: “lấy học viên làm trung tâm, giảng viên làm động lực và nhà trường làm nền tảng”; tăng cường nghiên cứu xây dựng các tình huống cho giảng dạy trên lớp; xây dựng các chuyên đề về quản lý phát triển xã hội cho các hệ bồi dưỡng của Học viện; giữ gìn và phát huy phẩm chất, giá trị, chuẩn mực văn hóa và vị thế của cán bộ Trường Đảng.
Thứ năm, tăng cường xã hội hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học, chú trọng việc công bố công trình trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế có uy tín; nỗ lực hình thành một số cụm công trình nghiên cứu mang tính chuyên sâu và xuyên suốt nhiều năm về học thuật và tổng kết thực tiễn; phối hợp với một số nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu mạnh về xã hội học và phát triển xã hội trong nước để xây dựng báo cáo định kỳ định hướng chính sách về phát triển xã hội.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh hướng nghiên cứu tư vấn chính sách có tính ứng dụng cao về quản lý phát triển xã hội, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kết hợp chặt chẽ nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn về phát triển xã hội, duy trì và tăng cường nhóm nghiên cứu liên ngành trong tư vấn chính sách về quản trị địa phương cho các tỉnh và thành phố, từng bước vươn lên đảm nhận vị trí và vai trò độc lập trong những đánh giá quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia, từ đó đề xuất những khuyến nghị, giải pháp, quyết sách có tính chiến lược và thuyết phục lên các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Thứ bảy, tích cực tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của Học viện, đồng thời phát huy mạnh mẽ nội lực và tiềm năng của đơn vị để xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và đào tạo, tập trung vào việc cử cán bộ tham gia các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng như bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn, xây dựng và phát huy quan hệ với các đối tác quốc tế để tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học trong nước, ngoài nước và dịch thuật tài liệu.
Thứ tám, xây dựng quy hoạch đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ của Viện từ nay đến năm 2030 để có cơ cấu hợp lý, tổ chức tinh gọn, năng động, đủ năng lực khoa học, bản lĩnh chính trị, nhạy bén, đủ sức chủ động hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao cũng như những công việc của Viện đặt ra. Phấn đấu đến năm 2030 có 80% cán bộ trong Viện có học vị tiến sĩ. Mặt khác, mỗi cán bộ cần phải định hướng rõ ràng và có kế hoạch tự đào tạo, không ngừng nâng cao trình độ và năng lực công tác. Tập trung xây dựng một số chuyên gia đầu đàn, giỏi về một lĩnh vực, am hiểu rộng rãi nhiều lĩnh vực, có uy tín khoa học, đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất chính trị tốt, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành cũng như trong xã hội. Tiếp tục đào tạo tại chỗ, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, kết hợp với bổ sung cán bộ giảng dạy, nghiên cứu có kinh nghiệm thực tiễn về lãnh đạo và quản lý phát triển xã hội.
Trong giai đoạn phát triển mới, nhiệm vụ phát triển ngành xã hội học và quản lý phát triển xã hội; xây dựng tổ chức, phát triển nguồn nhân lực khoa học ngang tầm yêu cầu thời đại là một trách nhiệm nặng nề nhưng đầy triển vọng, khơi dậy mạnh mẽ cảm hứng hành động và sáng tạo để Viện Xã hội học và Phát triển hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần thiết thực vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học của hệ thống chính trị và tư vấn chính sách của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2020
Nguồn: TS Bùi Phương Đình
Viện Xã hội học và Phát triển,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
bài rất hay
Trả lờiXóa