TCCS - Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” một lần nữa nhận định: “các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng”. Do đó, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chính là góp phần phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đạt hiệu quả.
Sau 26 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, chúng ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về lý luận và thực tiễn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Kinh tế ra khỏi khủng hoảng và có sự tăng trưởng khá nhanh; sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang được đẩy mạnh; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định. Quốc phòng và an ninh được giữ vững. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên.
Những thành tựu này có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên và càng khẳng định đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Để bảo đảm là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới thì việc phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên. Đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ của tình hình mới là đòi hỏi có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta và chế độ ta.
Bản chất của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thuộc về chính trị nội bộ, bao gồm lịch sử chính trị và chính trị hiện thời. |
Trong công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng là một bộ phận quan trọng, một nội dung của phương thức lãnh đạo, góp phần giữ vững bản chất, mục tiêu, lý tưởng của Đảng… Đảng ta đã khẳng định: “Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng” và chỉ rõ công tác kiểm tra, giám sát có vị trí cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Kiểm tra, giám sát và giữ gìn kỷ luật của Đảng là nhiệm vụ của toàn Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cũng đã xác định: “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát” là một trong 8 nhóm giải pháp để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Trong quá trình phát triển, do tác động của bối cảnh bên ngoài, hệ thống xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản trên thế giới tạm thời thoái trào; tình hình quốc tế còn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, sự tác động mạnh mẽ của mặt trái của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”, cùng với một số cán bộ, đảng viên do bất đồng ý kiến với tổ chức đảng và Nhà nước, do ảnh hưởng của những quan điểm, khuynh hướng sai lệch của nước ngoài đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hoặc bị các phần tử xấu mua chuộc, lôi kéo dẫn đến xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, có hành động chống lại Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Những dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên, nếu không được ngăn ngừa, kết luận chính xác và xử lý công minh, kịp thời thì tất yếu sẽ dẫn đến suy thoái về chính trị từ trong nội bộ, tạo môi trường cho sự chống phá từ bên ngoài của các thế lực thù địch.
Mặt trái của cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập và bối cảnh quốc tế đã tác động mạnh vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho một bộ phận tiếp tục “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, biến chất về chính trị, thoái hóa về đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, coi thường pháp luật của Nhà nước, bất chấp kỷ luật và các nguyên tắc của Đảng; hiện tượng tranh giành địa vị, quyền lợi, gây mất đoàn kết nội bộ của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa được ngăn chặn mà còn có chiều hướng gia tăng. Sự thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không chỉ diễn ra ở một số cán bộ, đảng viên có nhận thức hạn chế, mà còn ở cả một số cán bộ, đảng viên có nhận thức, trình độ kiến thức, năng lực cao, thậm chí cả một số cán bộ đã từng “vào sinh ra tử”, đã từng có đóng góp lớn và nêu gương sáng trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhưng đến nay vẫn bị gục ngã trước sự cám dỗ của vật chất, danh vọng, cá biệt còn từ bỏ lý tưởng của Đảng, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng...
Mặt khác, sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô và một số đảng cộng sản ở các nước Đông Âu vào những thập niên cuối của thế kỷ XX đã cho chúng ta bài học, nếu để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xảy ra ở đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, nhất là một số cán bộ chiến lược cấp cao thì nguy cơ mất Đảng và thay đổi chế độ là tất yếu. Vì vậy, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nói chung và kiểm tra, giám sát việc “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là rất cần thiết và quan trọng.
Để công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng góp phần quan trọng vào phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngày càng hiệu quả hơn, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, công tác kiểm tra, giám sát chủ động và thực sự phải góp phần quan trọng ngăn ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Phải nhận diện cho được một bộ phận đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức và những phần tử cơ hội, nhất là những kẻ cơ hội chính trị nằm ngay trong nội bộ Đảng, nhưng lại tinh vi tìm mọi cách giấu mình để chờ cơ hội thực hiện mưu đồ đen tối. Chúng ta phải khắc phục cho được tình trạng buông lỏng nguyên tắc tổ chức của Đảng, tự phê bình và phê bình kém, tính chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên sa sút. Hiện nay, sự suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống và quan liêu, tham nhũng ngày càng tinh vi, trầm trọng và mang tính phổ biến. Từ lĩnh vực kinh tế, tham nhũng đã lan sang cả các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, hoạt động từ thiện,... đặc biệt nghiêm trọng là nó đã tràn cả vào các cơ quan bảo vệ pháp luật và an ninh, như kiểm sát, tòa án, công an, quân đội - các cơ quan nòng cốt chống tham nhũng, bảo vệ Đảng và Nhà nước. Các phần tử tham nhũng chẳng những làm tổn hại lớn đến tài sản của tập thể và của Nhà nước, mà nguy hại hơn là làm giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, vào bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Lịch sử chính trị (kể cả cha, mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng, vợ, chồng, con) là vấn đề rất quan trọng, nhưng có thể thẩm tra, xác minh được qua các chứng cứ thu thập, tài liệu lưu trữ; việc ra nước ngoài, quan hệ với tổ chức, cá nhân người nước ngoài, có thể xác minh và nếu vi phạm thì xử lý theo các quy định của Đảng, Nhà nước; còn vấn đề chính trị hiện thời ngày càng nảy sinh rất phức tạp, cần phải quan tâm giải quyết. |
Nạn tham nhũng luôn gắn liền với tệ quan liêu. Một số cán bộ, đảng viên xa nhân dân, ngại tiếp xúc với nhân dân, không muốn đối thoại với nhân dân là một trong những nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp đang diễn ra khá phổ biến. Có nơi, cán bộ, đảng viên, quần chúng góp ý, phê bình cho cán bộ, đảng viên làm sai thì bị trù dập. Từ suy thoái về đạo đức, lối sống sẽ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, tạo điều kiện cho bọn cơ hội chính trị và các thế lực thù địch chia rẽ nội bộ Đảng và thực hiện “diễn biến hoà bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để chống phá cách mạng nước ta. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng phải góp phần phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi thực trạng này.
Hai là, công tác kiểm tra, giám sát phải góp phần tích cực vào việc giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ Đảng. Hiện nay, ở một số nơi vẫn còn tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ Đảng. Tư tưởng nể nang, hữu khuynh, né tránh “dĩ hoà, vi quý”, cục bộ, địa phương, dòng họ, tranh giành địa vị quyền lực, bè phái đang diễn ra ở không ít tổ chức đảng, trong đấu tranh xây dựng nội bộ; tệ “ô dù” bao che nhằm bảo vệ lợi ích cá nhân, phe nhóm của mình, loại bỏ người không cùng ê-kíp “hay chống đối”, dẫn đến phát ngôn sai đường lối, chính sách của Đảng, tán thành đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phủ định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; lưu giữ và phát tán tài liệu có nội dung xấu; cung cấp và làm lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, thậm chí viết, trả lời phỏng vấn xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và các cán bộ trung kiên của Đảng.
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp sẽ chủ động nắm bắt tình hình, thông tin và diễn biến, từ đó có biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý, đồng thời, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ.
Ba là, trong điều kiện hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải giữ vai trò ngăn chặn quyết định, không để những đối tượng sau chui vào Đảng và vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đó là: Những người cơ hội về chính trị; những người tha hóa đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng và những người bất tài, không có năng lực, trí tuệ. Thực tiễn cho thấy, những đối tượng cơ hội chính trị và không có chính kiến “gió chiều nào che chiều ấy” rất khó phát hiện để xử lý. Những đối tượng này rất nguy hiểm, vừa phá hoại Đảng từ bên trong, vừa là môi trường cho các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện “diễn biến hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra phải chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm, trong đó có dấu hiệu vi phạm về chính trị hiện thời để có biện pháp ngăn chặn và đưa ra khỏi Đảng những người không còn đủ tư cách đảng viên cộng sản. Có nhiều phương pháp để phát hiện dấu hiệu vi phạm về chính trị hiện thời của cán bộ, đảng viên, như dựa vào tổ chức đảng, vào quần chúng nhân dân, nghiên cứu hồ sơ và các nguồn thông tin khác,...
Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trước mắt, tập trung kiểm tra, giám sát việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của mọi đảng viên, tổ chức đảng từ Trung ương đến chi bộ theo tinh thần của Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương; những nơi làm chưa đạt phải kiên quyết yêu cầu làm lại; những nơi có vấn đề phải giải trình, thẩm tra, xác minh làm rõ, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm minh.
Trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới vừa qua, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân xuống cấp, suy thoái. Chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng phát triển, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn ra khá phổ biến ở các ngành, các cấp; trong khi thi hành công vụ thì cán bộ thường vòi vĩnh “ra điều kiện”; hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, “học giả bằng thật” khá phổ biến; “trên bảo dưới không nghe”, “phép vua thua lệ làng”...; đặc biệt là tình trạng “dưới dối trên, trên không sát dưới” làm cho tình hình càng phức tạp thêm; các tệ nạn xã hội, như mại dâm, ma túy, ăn chơi sa đọa, cơ hội, thực dụng có chiều hướng gia tăng; không ít người thiếu lương tâm, vô cảm; tình thương yêu đồng chí, đồng nghiệp sa sút nghiêm trọng, đố kỵ, ích kỷ, bon chen, nịnh trên, chèn dưới diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị;... Tình trạng xuống cấp về đạo đức chưa được ngăn chặn và thậm chí còn có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi chúng ta phải xem xét một cách thật sự nghiêm túc về vấn đề đạo đức.
Trước tình trạng trên, Đảng ta đã chủ động, tích cực tìm các giải pháp nâng cao đạo đức cách mạng. Ngày 07-11-2006, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chỉ thị đã khẳng định đây là một chủ trương lớn, vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau hơn 6 năm thực hiện, ý thức và hành vi đạo đức của cán bộ, đảng viên đã được nâng lên rõ rệt, nhưng sự chuyển biến còn chậm, nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa được giải quyết dứt điểm. Do vậy, cần tăng cường kiểm tra, giám sát về đạo đức để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tập trung kiểm tra, giám sát việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đó, cần chú trọng phối hợp với các tổ chức để xây dựng các chuẩn mực đạo đức mới, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những chuẩn mực đó bao hàm cả chuẩn mực đạo đức chung của xã hội và các thang giá trị, chuẩn mực đạo đức của từng giai tầng trong xã hội để mọi người ở vị trí của mình tu dưỡng, rèn luyện nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa thực trạng đạo đức với hiệu quả của giáo dục đạo đức, giữa thang giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống với thang giá trị, chuẩn mực đạo đức được hình thành trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đồng thời, cần kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ quá trình giao lưu văn hóa, ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập của văn hóa phẩm lai căng, đồi trụy, độc hại; xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để thực sự vừa là nền tảng tinh thần, vừa là động lực của sự phát triển,...
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi hành kỷ luật trong Đảng. Việc xử lý kỷ luật đảng phải đúng phương châm, nguyên tắc, thủ tục, khắc phục tình trạng xử lý kỷ luật nhẹ trên, nặng dưới, thiếu kịp thời và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi hành kỷ luật trong Đảng...
Sáu là, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ kiểm tra có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, công tâm, khách quan, có quan điểm toàn diện và lịch sử cụ thể... Bởi vì, yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ kiểm tra.
Xây dựng Đảng trong sạch về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, có tầm trí tuệ cao, có phương pháp lãnh đạo khoa học, gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức gánh vác, lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng là đòi hỏi khách quan, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và đội ngũ những người làm công tác kiểm tra, giám sát. Do đó, đội ngũ cán bộ kiểm tra phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét