TCCS - Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dự liệu, tâm huyết, kiên quyết chỉ ra và nhấn mạnh phải “sửa đổi” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự. Đặc biệt, những vấn đề lớn của công tác xây dựng Đảng mà Người nêu ra trong tác phẩm đã được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng kế thừa, bổ sung và phát triển phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời được cụ thể hóa trong 4 nhóm giải pháp nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
“Sửa đổi lối làm việc” để xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ kháng chiến
Tháng 10-1947, giữa những ngày Việt Bắc đang cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước tập trung đánh bại cuộc hành quân chiến lược của thực dân Pháp hòng tiêu diệt “cơ quan đầu não” của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; khi vận mệnh dân tộc ở vào thời khắc cam go nhất, đòi hỏi phải có sự đoàn kết, thống nhất của một đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, với một đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thì những trăn trở, những cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tổ chức, lề lối làm việc và những khuyết điểm, sai lầm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tổ chức bộ máy của Đảng và Chính phủ từng được chỉ rõ trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (tháng 10-1945), Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ (tháng 3-1947), Thư gửi các đồng chí Trung Bộ (năm 1947),... vẫn chưa được thực hiện triệt để. Dù bộn bề công việc, song trong tư tưởng của Người, xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn, quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Khi ấy, Người đang ở làng Vang, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
“Sửa đổi lối làm việc” là một tác phẩm quan trọng, ra đời trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện tư tưởng và lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đảng cầm quyền trong điều kiện vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Theo đó, phải sửa đổi để đổi mới trong tư tưởng, trong tổ chức bộ máy và trong cách làm việc của Đảng, của cán bộ, đảng viên trước tình hình mới. Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, tìm ra nguyên nhân, biện pháp và cách thức tiến hành để cán bộ, đảng viên có tư tưởng, đạo đức và cách làm việc đúng hơn, khéo hơn, hiệu quả hơn; và nội dung cần phải sửa đổi là toàn bộ hoạt động của Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên từ nhận thức, tư tưởng đến chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đề cập đến 6 vấn đề lớn, vừa có tính lý luận, vừa có tính chỉ đạo thực tiễn sâu sắc về công tác xây dựng Đảng: 1- Phê bình và sửa chữa; 2- Mấy điều kinh nghiệm; 3- Tư cách và đạo đức cách mạng; 4- Vấn đề cán bộ; 5- Cách lãnh đạo; 6- Chống thói ba hoa. Đưa ra 6 vấn đề lớn về công tác xây dựng Đảng, trong điều kiện toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tập trung tất cả nguồn sức mạnh vật chất và nội lực tinh thần để đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp lên Việt Bắc; trong điều kiện Đảng phải khắc phục những nhược điểm, những chứng bệnh mới xuất hiện mà trước đó chưa xuất hiện hoặc chưa có điều kiện bộc lộ rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, một mặt, khẳng định những nguy cơ thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tác hại của nó đối với đảng cầm quyền; mặt khác, chỉ rõ nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có tính thường xuyên, lâu dài là phải sửa đổi lối làm việc để chỉnh đốn lại Đảng, làm cho Đảng “mạnh khỏe, chắc chắn”, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng với vai trò tiền phong và gắn bó mật thiết với nhân dân.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ vạch ra những sai lầm, khuyết điểm, lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng, trong phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực công tác của cán bộ, đảng viên, mà còn tập trung nêu rõ những biện pháp cần thiết để chữa trị những căn bệnh “nan y” này. Do đó, xuyên suốt và cốt lõi trong tác phẩm này đều là những vấn đề xoay quanh việc phải giáo dục, rèn luyện và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực làm việc và tư cách đạo đức, thực sự là “công bộc” của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đảng cũng là một thực thể xã hội, cán bộ, đảng viên của Đảng có nhiều ưu điểm và đạt nhiều thành tích, nhưng cũng có những khuyết điểm là: không giữ vững được tính cách mạng trong mỗi công việc của Đảng; thiếu chí công vô tư; không giữ được kỷ luật nghiêm từ cấp trên xuống cấp dưới; không gần dân, lắng nghe và gắn bó mật thiết với nhân dân, và nhất là không làm việc đến nơi đến chốn. Nguyên nhân của những khuyết điểm đó là do nhận thức, tư tưởng chưa đúng, mắc bệnh chủ quan, hẹp hòi, ưa dùng cánh hẩu, kéo bè kéo cánh, phá vỡ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, giữa Đảng và nhân dân; ưa ba hoa, nói dông dài, cẩu thả,...
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, những khuyết điểm đó sẽ được khắc phục bằng “phê bình và sửa chữa”. Nhưng vì “phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”(1), cho nên khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải theo nguyên tắc “phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”, để người bị phê bình “vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”(2). Nhấn mạnh tầm quan trọng và tính tất yếu của việc phải luôn tự phê bình và phê bình, coi đó là một nội dung quan trọng của quy luật phát triển Đảng, Người viết: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó... rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(3). Và chính Người là một mẫu mực của tinh thần tự phê bình và phê bình trong mọi thời điểm cách mạng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sửa đổi lối làm việc sẽ giúp giải quyết những tồn tại trong lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn của một đảng cầm quyền, được chỉ rõ trong “Mấy điều kinh nghiệm”, “Vấn đề cán bộ”, “Cách lãnh đạo” và “Chống thói ba hoa”, để đội ngũ cán bộ, đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, đạt hiệu quả hơn. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên khi tự phê bình và phê bình phải “biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo”; khi chỉ đạo thực tiễn, một mặt, “phải biết khéo lợi dụng kinh nghiệm”; mặt khác, “phải khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát”; khi làm công tác cán bộ, không chỉ coi “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, mà còn phải biết “khéo dùng cán bộ”, “đối với cán bộ khéo”, để trong mọi hoàn cảnh, biết “lãnh đạo khéo, tài nhỏ hóa ra tài to”, các công việc sẽ thuận lợi và có kết quả tốt. Không chỉ nhạy bén trước tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trăn trở với cách làm việc xa dân, coi thường dân chúng, quen “trông từ trên xuống”, không bao giờ chịu “thấy từ dưới lên” của một bộ phận cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Cách làm việc đó rất nguy hại và ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, vì thế, Người yêu cầu: “Những người mắc bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc, phải thải đi”(4) và những người cậy mình là “công thần cách mạng”, “hạng người nói suông” thì mời “các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật...”(5).
“Sửa đổi lối làm việc” để thực hiện Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”
Không chỉ được thực hiện nghiêm túc, kịp thời trong toàn Đảng vào thời điểm đó, cùng với thời gian, “Sửa đổi lối làm việc” đã tiếp tục được thực hiện, để xây dựng Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh, thông qua Chuyên mục “Sửa đổi lối làm việc” trên Báo Sự Thật. Tuy nhiên, cùng với thời gian cũng như những thay đổi của tình hình thực tiễn, những biểu hiện thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên dường như không giảm, trái lại, ngày càng gia tăng và trở thành nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Để đáp ứng kịp thời và phù hợp với tâm nguyện của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; tiếp tục thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tất yếu phải sửa đổi lối làm việc để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Đảng ta đã thông qua Nghị quyết số 12-NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật về nguy cơ, thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Nghị quyết số 12-NQ/TW nêu rõ: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây:
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc,...
Đội ngũ cán bộ cấp trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.
Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm...”(7).
Từ thực tế, có thể khẳng định, nếu không có những giải pháp thích hợp để nghiêm túc thực hiện, nhằm tạo sự chuyển biến thật sự; nếu tình trạng đó cứ kéo dài, trở thành căn bệnh “trầm kha” thì lòng tin của nhân dân đối với Đảng sẽ không còn và khi đó, nguồn sức mạnh nội lực của Đảng cũng vì thế mà giảm sút. Vì vậy, để “lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách”(8) mà Nghị quyết số 12-NQ/TW đã đề ra, làm cho Đảng mạnh, vững, trong sạch, xứng đáng với vai trò tiền phong như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn, căn dặn, thì tất yếu phải sửa đổi lối làm việc.
Có thể nói, không chỉ đưa ra Nghị quyết số 12-NQ/TW đúng và trúng, kịp thời và hoàn chỉnh, việc Đảng tổ chức một hội nghị toàn quốc nhằm quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết đó cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ Trung ương đến địa phương còn là một sửa đổi có tính đột phá. Nghị quyết đã nhận được sự đồng thuận, sự ủng hộ của toàn Đảng, toàn dân. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết, nhất là triển khai thực hiện các nhóm giải pháp của Nghị quyết, được quán triệt sâu rộng, cẩn trọng, nghiêm túc, có trọng điểm từ Trung ương đến chi bộ, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến các cấp ủy cơ sở và đến từng cán bộ, đảng viên. Qua đó, nhất định sẽ góp phần tạo được sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động trong toàn Đảng và xã hội. Đặc biệt, những giải pháp nêu trong Nghị quyết đều sát với những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Sửa đổi lối làm việc”, đó là:
Thứ hai, quán triệt lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là gốc của mọi công việc” và “không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ”, việc đưa ra và thực hiện nghiêm nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng và nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách chính là nhằm “biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Trên tinh thần đó, cần kiên quyết khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức, cán bộ; không để các “nhóm lợi ích” chi phối công tác đề bạt, sử dụng cán bộ; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, đề bạt, sử dụng người có năng lực, có đạo đức cách mạng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đưa vào giữ các trọng trách ở các cơ quan trung ương, các tập đoàn kinh tế nhà nước; thực hiện dân chủ hơn nữa trong việc bầu cử các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở. Cần quy định rõ hơn việc bầu cử các chức danh chủ chốt, kể cả cấp trung ương, trong đó quy định có số dư; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để việc theo dõi, phát hiện, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ được chặt chẽ; tiến hành việc xử lý kỷ luật những cán bộ thoái hóa, biến chất một cách nghiêm minh. Đối với cán bộ cấp cao do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, càng phải được giúp đỡ, rèn luyện, đồng thời phải xử lý kỷ luật nghiêm minh, thích đáng nếu có sai phạm để nêu gương cho cấp dưới.
Thứ ba, tuân thủ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc thực hiện nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trong đó có vấn đề đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; “đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn với việc kiểm điểm, đánh giá và biện pháp giải quyết vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng của các cấp”; “đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Đưa vào nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp trung ương”; và “chấn chỉnh hoạt động thông tin, tuyên truyền; quản lý có hiệu quả hoạt động báo chí theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Chú trọng làm tốt hơn việc nêu gương những người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống...”, như Nghị quyết đã nêu, sẽ có tác dụng giáo dục cho cán bộ, đảng viên và toàn thể xã hội nhận thức đúng về cơ sở lý luận và nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự thống nhất về hành động cách mạng trong Đảng và toàn xã hội. Công việc quan trọng này phải được xem là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên để cán bộ, đảng viên luôn giữ được vai trò tiền phong, gương mẫu của mình.
Theo dòng thời gian, những yêu cầu phải sửa đổi trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên từ những năm vừa kháng chiến, vừa kiến quốc vẫn rất cần được tiếp tục thực hiện trong tương lai. Đó là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng ta, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng; mẫu mực về phẩm chất đạo đức và lối sống; luôn đoàn kết, thống nhất và gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu và kính trọng. Điều đó càng cho thấy, giữa khó khăn và ác liệt của cuộc kháng chiến, những trăn trở và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ATK Thái Nguyên về xây dựng đảng cầm quyền có ý nghĩa lớn lao biết nhường nào./.
---------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét