Bản chất của văn
hóa là sáng tạo vươn lên các giá trị chân, thiện, mỹ cao đẹp, tạo nên tinh thần
nhân văn cho con người, đem hạnh phúc đến cho mỗi con người
và toàn nhân loại. Mục tiêu phát triển kinh tế -
xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nhằm giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, đem hạnh phúc đến
cho con người. Cho nên, một nền văn hóa đạt trình độ cao (chân, thiện, mỹ) chính là mục tiêu của sự
phát triển kinh tế - xã hội, là điều mà quá trình phát triển của nhân loại hướng
tới.
Trong nhiều thập niên của thế kỷ XX, trên thế giới, không ít lý thuyết đã quan
niệm tăng trưởng kinh tế là mục tiêu duy nhất của phát triển. Đó là một quan niệm
phiến diện. Cần thay đổi một cách cơ bản quan niệm về mục tiêu phát triển. Xét
đến cùng mục tiêu đó phải là văn hóa, là nâng cao chất lượng cuộc sống của con
người, với bảo đảm sao cho kết hợp hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống
tinh thần, giữa mức sống cao và lối sống đẹp, không chỉ cho một số ít người mà
cho đại đa số, không chỉ cho thế hệ hiện nay mà còn cho các thế hệ mai sau. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển
năm 2011) khẳng định: “Xây dựng nền văn
hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống
nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ;
làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở
thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”1. Phát triển con người được nhận thức “là trung tâm
của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể của phát triển. Tôn trọng và bảo
vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước
và quyền làm chủ của nhân dân”2.
Khi coi văn hóa là mục tiêu của sự phát triển kinh tế
- xã hội cũng có nghĩa là toàn bộ
sự phát triển kinh tế - xã hội phải hướng tới phát triển con người, phát triển
xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của xã hội theo tiêu chí phát
triển mới HDI (mức sống, tuổi thọ bình quân và trình độ học vấn). Phải đặt con
người vào vị trí trung
tâm của sự phát triển (kết hợp sử dụng nguồn nhân lực với sử dụng mọi nguồn lực
khác…). Là mục tiêu của phát triển, văn hóa thể hiện “trình độ được vun trồng”
ngày càng đầy đủ, ngày càng toàn diện của con người về thể lực, trí lực và nhân
cách để mỗi người (và cộng đồng xã hội) được hưởng một cuộc sống ngày càng tiến
bộ, dân chủ, văn minh hơn. Và như vậy, mục tiêu của phát triển phải được nhìn nhận như là một
tiến trình giải phóng con người, phát huy nguồn lực con người. Quan niệm về mục
tiêu phát triển như vậy phù hợp với khát vọng lâu đời của nhân loại tiến bộ. Đó
cũng là lý tưởng, là mục đích phấn đấu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Mục
tiêu phấn đấu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là định hướng
xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng chính là mục tiêu của văn hóa, nếu hiểu theo
nghĩa rộng nhất của khái niệm này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét