Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

Bác bỏ mọi sự xuyên tạc thực tế của Việt Nam



Xuyên tạc sự thật là một thủ đoạn quen dùng của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam. Họ thường tập trung xuyên tạc vị thế lãnh đạo của Đảng, khi cho rằng “chế độ một đảng lãnh đạo chỉ đưa dân tộc đến ngõ cụt”(!). Gần đây, trên một số trang mạng xã hội, họ rêu rao rằng “Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ngày càng lún sâu vào xu thế lụn bại, tụt dốc không phanh”(!). Xuyên tạc đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, họ cho rằng “Đó là sự bế tắc của những người cộng sản, bởi đường lối này là đầu Ngô mình Sở”(!). Xuyên tạc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, gắn với chủ trương “Việt Nam không tham gia liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia”, họ cho rằng “đường lối trung dung này tự cô lập Việt Nam, tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(!). Xuyên tạc những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, họ cố bịa đặt: “đất nước đang lâm vào khủng hoảng toàn diện”(!), v.v.

Biểu hiện nổi bật của thủ đoạn xuyên tạc nói trên để thấy rằng, các thế lực thù địch không chừa lĩnh vực nào, miễn là có thể làm lẫn lộn “thật, giả”, gây hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin ở cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ chính trị hiện nay; qua đó, hòng phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Tuy nhiên, vị thế đang lên của Việt Nam trên trường quốc tế xét ở mọi lĩnh vực đã bác bỏ những xuyên tạc ác ý.
Trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, hiện Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước, đối tác toàn diện với 11 nước, bao gồm cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 và hiện nay là ứng viên duy nhất của nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc ứng cử vào vị trí này trong nhiệm kỳ 2020 - 2021. Việt Nam đã cùng 11 nước thành viên đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm của cả thế giới đầu năm 2019 là Việt Nam được chọn làm nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 để bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa và thiết lập nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Điều đó cho thấy, Việt Nam không chỉ là một địa điểm được tin cậy về mặt an ninh, mà còn có vai trò đóng góp quan trọng cho công việc chung của thế giới và khu vực, vì hòa bình, ổn định và phát triển.
Trên lĩnh vực kinh tế, thực hiện đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam từ chỗ đạt 6,3 tỷ USD vào năm 1989 đã không ngừng tăng lên, đạt hơn 240 tỷ USD vào năm 2018. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lương thực và đứng trong tốp đầu thế giới xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, v.v. Đến nay, nước ta đã có quan hệ thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. 71 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nước ta cũng đã ký 14 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các nước, trong đó 11 hiệp định đã có hiệu lực.
Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh, nước ta cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. GDP bình quân đầu người từ vị trí của nước kém phát triển, đã tăng hơn 20 lần so với trước thời kỳ đổi mới, đạt 2.590 USD vào năm 2018. Quốc phòng và an ninh cũng hội nhập ngày càng sâu, rộng vào cộng đồng quốc tế. Nước ta đã có quan hệ quốc phòng chính thức với gần 70 nước; đặt văn phòng tùy viên quốc phòng tại hơn 30 nước và hơn 40 nước thiết lập tùy viên quốc phòng hoặc kiêm nhiệm tại Việt Nam.
Việt Nam cũng rất coi trọng cấp độ hợp tác đa phương về quốc phòng và an ninh, nhất là tham gia các cơ chế hợp tác, như: Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN, Đối thoại Shangri-La, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và ADMM+, v.v. Việt Nam cùng các quốc gia đồng chủ trì khác tổ chức thành công nhiều cuộc diễn tập, như: Diễn tập thực địa về hành động mìn nhân đạo tại Ấn Độ (tháng 3-2016), Diễn tập thực địa ADMM+ về an ninh hàng hải và chống khủng bố tại Bru-nây, Xin-ga-po (tháng 5-2016), Diễn tập thực địa về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và quân y tại Thái Lan (tháng 9-2016), v.v. Ở cấp độ toàn cầu, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) từ năm 1991; năm 2014 tham gia vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Từ chỗ chỉ cử số lượng ít sĩ quan, năm 2018 chúng ta đã cử một đơn vị (một bệnh viện dã chiến cấp 2) tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Xu-đăng là những hành động thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới; nâng cao vị thế của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Những thực tiễn nói trên đã khẳng định tầm vóc và vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng cao trong khu vực và trên trường quốc tế. Vị thế đó không tự nhiên có, mà là kết quả sự nỗ lực của toàn dân, toàn quân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là bằng chứng sinh động khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng là đúng đắn; đồng thời, là minh chứng thuyết phục bác bỏ mọi sự xuyên tạc của các thế lực thù địch./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét