MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG ĐẤU
TRANH VỚI CÁC QUAN ĐIỂM, ÂM MƯU, HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG
VẤN ĐỀ "XÃ HỘI DÂN SỰ"
Một là, cần nhận thức đầy
đủ về XHDS và có cách “ứng xử” phù hợp với vấn đề “XHDS”. Phải thẳng thắn bác
bỏ và phê phán, đấu tranh kiên quyết với các quan điểm khuyến khích, cổ vũ XHDS
với ý đồ thúc đẩy hình thành các tổ chức chính trị đối lập. Hiện
nay, nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn liên quan đến XHDS chưa được nghiên cứu
thấu đáo, hiệu lực và công cụ quản lý của Nhà nước, ý thức pháp luật của người
dân còn có những hạn chế. Do đó, nếu chúng ta buông lỏng, thả nổi cho sự hình
thành, phát triển “XHDS” sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp, khó kiểm soát, nhất
là dưới góc độ quản lý nhà nước, cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và bảo
vệ an ninh quốc gia.
Hai là, kịp thời tham mưu
cho Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách, biện pháp hạn chế đến mức thấp
nhất những hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực của XHDS mà các thế lực thù địch, cơ hội
chính trị lợi dụng chống phá cách mạng Việt Nam. Cần tổ chức nghiên cứu bài
bản, có hệ thống về XHDS, các yếu tố của XHDS, nhất là làm rõ khái niệm, bản
chất của XHDS; XHDS và các yếu tố cấu thành, biểu hiện cụ thể của
XHDS; các hình thức của XHDS gắn với điều kiện lịch sử - cụ thể,
nhất là chế độ chính trị, truyền thống văn hóa, trình độ phát
triển kinh tế - xã hội; cấu trúc của XHDS và quan hệ của XHDS với
nhà nước, thị trường, tôn giáo, mạng xã hội, gia đình; vai trò, ưu
thế và giới hạn, mặt tiêu cực của XHDS; yếu tố ngoại sinh và nội
sinh của XHDS; các hình thức lợi dụng XHDS của các thế lực thù địch và cơ
hội chính trị. Từ những kết quả nghiên cứu này sẽ giúp cho Đảng, Nhà nước
chủ động có chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm quản lý các tổ chức xã hội,
các NGO, vừa phát huy mặt tích cực, vừa định hướng hoạt động lành mạnh phù hợp
với thể chế chính trị, đặc điểm về kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước,
triệt tiêu các yếu tố có thể bị lợi dụng để hình thành lực lượng chính trị đối
lập, gây bất ổn chính trị - xã hội. Đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng,
tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân không bị các thế
lực thù địch kích động, lôi kéo thông qua danh nghĩa tổ chức XHDS.
Ba là, trong điều kiện có sự
tồn tại khách quan của một số loại tổ chức có tính chất “XHDS”, cần tham mưu
cho Đảng, Nhà nước xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm
phát huy đầy đủ vai trò của các tổ chức này, hạn chế những tác động tiêu cực
của nó và có các biện pháp quản lý phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước,
phù hợp với cơ chế vận hành của thể chế chính trị, giữ vững bản chất của chế
độ. Sự quản lý và định hướng có hiệu quả, bằng pháp luật của Nhà nước sẽ tạo
ra một môi trường dân chủ, lành mạnh cho sự phát triển hài hòa của toàn xã hội.
Mặt khác, cần củng cố, đổi mới, phát huy tính tích cực và chủ động của
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để làm tốt
chức năng đoàn kết, tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân thực
hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà
nước, giám sát và phản biện xã hội, bảo vệ quyền lợi của nhân dân
trước tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường và toàn cầu hóa.
Đồng thời, quán triệt
tinh thần Đại hội XII của Đảng: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với
quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong
từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(1), định hướng
đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội, hiệp hội, đoàn thể ở Việt
Nam phải gắn liền với việc xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định
hướng XHCN; gắn với đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền
XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hoàn thiện nền dân chủ XHCN.
Bốn là, các lực lượng nòng cốt
các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể được giao, vận dụng các biện pháp
đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi
dụng vấn đề “XHDS” xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Trong
đó, vấn đề cấp bách hiện nay là tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với
các tổ chức hội và NGO Việt Nam, không để các thế lực thù địch, cơ hội chính
trị lợi dụng tác động, chuyển hóa thành tổ chức XHDS theo tiêu chí phương
Tây.
Đồng thời phối hợp chặt
chẽ với các lực lượng chức năng khác đẩy mạnh đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng
- lý luận, ngăn chặn hoạt động truyền bá tư tưởng, thổi phồng, tuyệt đối hóa
vai trò của XHDS theo mô hình, tiêu chí của phương Tây, cổ vũ thành lập các tổ
chức chính trị đối lập, các tổ chức phản động dưới danh nghĩa, vỏ bọc của tổ
chức “XHDS”; phối hợp tuyên truyền, vận động các nhân sĩ, trí thức, học giả
đang sinh hoạt tại các hội, liên hiệp hội, tổng hội nâng cao cảnh giác trước
luận điệu của các thế lực thù địch về cái gọi là “hình mẫu lý tưởng” của “XHDS”
phương Tây, cũng như tích cực tham gia đấu tranh tư tưởng - lý luận. Đồng
thời, vạch rõ những điểm không phù hợp (cả về lý luận và thực tiễn) của “XHDS”
theo hình mẫu phương Tây đối với xã hội Việt Nam; vạch rõ mưu đồ chính trị của
các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thông qua việc lợi dụng vấn đề “XHDS” để
tác động, chuyển hóa chế độ chính trị tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sử dụng các
biện pháp, phương tiện ngăn chặn, vô hiệu hóa các con đường, cách thức truyền
bá vấn đề “XHDS” theo hình mẫu phương Tây vào Việt Nam, đặc biệt là thông qua
các phương tiện truyền thông xã hội, hợp tác, trao đổi về văn hóa, khoa
học, giáo dục - đào tạo... Đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động của
các thế lực thù địch bên ngoài câu kết, hậu thuẫn cho số đối tượng chống đối
trong nước thành lập các tổ chức phản động dưới danh nghĩa, vỏ bọc XHDS./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét