Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019


Tôn vinh nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý
Có lẽ bất cứ ai sinh ra và lớn lên trong cuộc sống cũng đều trải qua sự dạy dỗ, dìu dắt của những người thầy. Hầu hết công dân Việt Nam đều trưởng thành từ nền giáo dục nước nhà qua các thế hệ. Là một dân tộc có truyền thống ngàn năm văn hiến, Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm trở thành ngày hội văn hóa của toàn dân, quy tụ và thăng hoa những nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc được đúc kết, lưu truyền từ đời này qua đời khác. Trong sắc màu rực rỡ của hoa, thiệp mừng và những lời chúc truyền tải tình cảm cao đẹp, thiêng liêng, ai ai cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc, thái độ biết ơn, bày tỏ lòng tôn kính...
Mỗi công dân từ lúc chập chững tới trường đến tuổi trưởng thành là hành trình liên tục tích lũy kiến thức, rèn luyện đạo đức, lẽ sống từ gia đình, các bậc học ở nhà trường và sự tác động của xã hội. Dọc hành trình ấy, dấu ấn của những người thầy qua năm tháng trở thành ký ức sâu đậm, không thể nào quên. Trong xã hội hiện đại, nội hàm của giáo dục và người thầy ngày càng rộng mở. Các hình thức, hoạt động tri ân cũng đa dạng, phong phú và có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp hơn. Dù hình thức, phương tiện và mục tiêu giáo dục mỗi giai đoạn lịch sử có sự kế thừa, phát triển, tiếp biến khác nhau, nhưng truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”… của người Việt Nam thì luôn được gìn giữ, bảo tồn, phát huy.
Vì là nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, trọng vọng nên nghề nhà giáo cũng chịu những áp lực, thử thách to lớn. Sự nghiệp “trồng người” của chúng ta trong giai đoạn đất nước đổi mới, hội nhập quốc tế, bên cạnh những thành tựu vẻ vang là những thách thức ngày càng nặng nề.
Chiến lược phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: Hệ thống giáo dục quốc dân phải phù hợp với xu hướng quốc tế, xây dựng chỉ số phát triển con người Việt Nam có những điểm chung với chỉ số phát triển con người của thế giới và mang đầy đủ những đặc thù, bản sắc dân tộc Việt Nam.
Không ai khác, sứ mệnh vẻ vang và nặng nề của giáo dục quốc dân được đặt lên vai các thế hệ người thầy, gồm cả đội ngũ lãnh đạo, định hướng phát triển giáo dục, quản lý giáo dục và trực tiếp làm công tác giảng dạy. Xã hội có quyền hy vọng và đòi hỏi ở các thế hệ người thầy, sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người”, vì sự lớn mạnh của đất nước, vì sự phồn vinh của dân tộc. Tuy nhiên, để đội ngũ các thế hệ nhà giáo xứng đáng và ngày càng xứng đáng với nghề cao quý thì không chỉ có trọng trách, bổn phận từ phía người thầy, mà nó là kết quả của tổng hòa các mối quan hệ. Thành quả của một nền giáo dục là sự kết hợp, vận động, tác động biện chứng của các thành tố: Gia đình-nhà trường-xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, còn phải nhấn mạnh thêm thành tố quốc tế hóa. Kết quả giáo dục-đào tạo là tấm gương phản ánh thành tích, công lao của người thầy. Ngược lại, để người thầy xứng đáng với nghề cao quý, đòi hỏi người học, gia đình và xã hội phải luôn trân trọng, tạo môi trường nhân văn để người thầy tỏa sáng, nêu gương, cống hiến. Chúng ta xây dựng môi trường học đường, môi trường sư phạm, môi trường văn hóa cho sự nghiệp giáo dục chính là xuất phát từ mối quan hệ tổng hòa, biện chứng ấy. Trong mối quan hệ đó, người thầy vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm của chính môi trường giáo dục, sự nghiệp giáo dục.
Một hành động nhân văn, một cử chỉ văn hóa, một việc làm tri ân ý nghĩa của mỗi người trong ngày hôm nay chính là góp một nét bút cho bức tranh “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc thêm lung linh, sáng đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét