Hiện
nay, thúc đẩy “bất tuân dân sự” đang là một thủ đoạn thâm hiểm được các thế lực
thù địch sử dụng để gây bất ổn chính trị, xã hội ở Việt Nam trước thềm Đại hội XIII của Đảng, từ đó âm mưu lật
đổ chính quyền. Vậy bản chất của “bất tuân dân sự” là gì?
Chống đối chính phủ dân sự (Bất tuân dân sự) là một
bài luận được viết bởi nhà triết học, nhà văn người Mỹ Henry David Thoreau
được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1849. Sự bất tuân dân sự theo quan điểm của
Thoreau về bản chất có nghĩa là “bất tuân nhà nước”. Chính vì không chấp nhận
tuân theo chính quyền và ngay cả các phán quyết của cộng đồng nên Thoreau đánh
giá rất thấp giá trị của luật pháp. Thoreau cũng kịch liệt phản đối việc đóng
thuế vì cho rằng: “Nộp thuế là một cách khác để mọi người cộng tác với sự bất
công”. Do đó, Thoreau đã không chịu đóng thuế, và tuyên bố rằng chỉ đóng các
loại thuế mà bản thân ông ta cho là hữu ích. Chính vì việc không đóng thuế mà
Thoreau đã bị chính phủ Mỹ bỏ tù vào thời điểm đó. Có thể thấy, quan điểm của
Henry David Thoreau về bất tuân dân sự là quan điểm rất cực đoan và không có
nhà nước pháp quyền nào thuộc bất cứ chế độ chính trị nào, ở bất cứ thời kỳ nào
chấp nhận quan điểm và lối tư duy này.
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trên thế giới hoạt
động “bất tuân dân sự” trở thành là một phương thức, thủ đoạn nằm trong mối
liên hệ chặt chẽ với các phương thức, thủ đoạn khác của chiến lược “diễn biến
hòa bình” được các nước phương Tây sử dụng để chống phá các nước XHCN và các
nước “trái mắt” với lợi ích của các nước phương Tây. Trong các cuộc “cách mạng
ca hát”, “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” ở các nước Đông Âu và Liên Xô
vào những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21; “Mùa xuân Ả Rập” ở các nước Trung
Đông và Bắc Phi đầu những năm 2010... đều có dấu ấn của phong trào “bất tuân
dân sự”. Gần đây nhất là phong trào biểu tình nhằm lật đổ chính phủ ở Venezuela
(từ năm 2017 đến nay); phong trào “cách mạng dù” của sinh viên Hồng Kông -
Trung Quốc (năm 2014) và phong trào biểu tình tại Hồng Kông - Trung Quốc hiện
nay đều thể hiện rất rõ thủ đoạn kích động “bất tuân dân sự”. “Bất tuân dân sự”
chính là một phương thức để vô hiệu hóa chính quyền, dẫn tới lật đổ chính
quyền, thay đổi chế độ chính trị.
“Bất tuân dân sự” được tuyên bố là diễn ra dưới hình thức
phản kháng bất bạo động, gây áp lực buộc Nhà nước phải thay đổi chính sách,
luật pháp. Tuy nhiên, có thể thấy trên thế giới những năm qua, các hoạt động
“bất tuân dân sự” thường kèm theo hành vi bạo lực, đốt phá, giết chóc, gây nguy
hiểm cho cả cộng đồng, xã hội. Có thể thấy từ các nước Trung Đông, đến phong trào
biểu tình “áo vàng” ở Pháp cuối năm 2018, rồi biểu tình hiện nay ở Hồng Kông -
Trung Quốc... đều kèm theo bạo lực, đốt phá, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài
sản, kinh tế và mất an ninh, an toàn xã hội.
Ở Việt Nam, hoạt động “bất tuân dân sự”
cũng đã xuất hiện từ nhiều năm trước, có nguy cơ gây hại trực tiếp đến an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội nếu không nhận diện và đấu tranh kịp thời.
Những năm gần đây, có một số vụ việc mang bóng dáng “bất tuân dân sự”, như:
“Bất tuân cưỡng chế” của một số đối tượng khi giải phóng mặt bằng ở Bắc Giang,
Hải Phòng, Hà Nội...; “bất tuân” quy định về thành lập hội (nhóm), đòi lập các
tổ chức xã hội dân sự (thực chất là phản động trá hình) như “Hội anh em dân
chủ”, “Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam”, “Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam”,
“Hội văn đoàn độc lập Việt Nam”, “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, “Mạng lưới
Blogger Việt Nam”...; “bất tuân dân sự” để phản đối Điều 60 Luật Bảo hiểm xã
hội (năm 2014), Luật An ninh mạng (năm 2018)…
“Bất tuân dân sự” được tổ chức ngày càng chặt chẽ, được
một số tổ chức phản động ở nước ngoài như Việt Tân, Voice công khai giật dây.
Chúng lợi dụng các vấn đề dân sinh còn có hạn chế, khuyết điểm khiến người dân
bức xúc để làm suy giảm niềm tin, tích tụ thêm mâu thuẫn của người dân đối với
chính quyền, với Đảng, Nhà nước. Chúng lợi dụng thông qua đó để tập hợp, xây
dựng, phát triển lực lượng, hợp thức hóa, công khai hóa việc chống đối chính
quyền. Thủ đoạn chủ yếu là tiếp tục sử dụng các chiêu bài “tự do”, “dân chủ”,
“nhân quyền”; triệt để lợi dụng các vấn đề nhạy cảm về dân tộc, tôn giáo, các
sự kiện, vụ việc, những sơ hở, bất cập của ta trong quá trình triển khai các
quyết sách phát triển kinh tế-xã hội, đối ngoại... để đẩy mạnh tuyên truyền
chống phá; lôi kéo, kích động nhân dân tụ tập, tuần hành, biểu tình, tạo dựng
phong trào phản kháng trong quần chúng; phát triển lực lượng, tiến hành tập
dượt các kịch bản chống đối chuẩn bị cho mục tiêu cao hơn là lật đổ chính
quyền.
Do đó, cần phải nhận diện đúng bản chất của “bất
tuân dân sự” và thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng chiêu bài “bất tuân
dân sự”. Từ đó, từ chính quyền cho đến người dân cần tỉnh táo, giải quyết các
vấn đề trong xã hội bảo đảm “thượng tôn pháp luật”, thấu lý, đạt tình, tránh bị
lợi dụng để từ những bức xúc cá biệt tạo thành những điểm nóng trong xã hội.
Khi xảy ra các vụ việc "bất tuân dân sự", cần hết sức tỉnh táo; nhận
định, đánh giá đúng tính chất, mức độ, xác định rõ nguyên nhân; kiên trì, khôn
khéo, lấy biện pháp đối thoại, tuyên truyền, vận động, thuyết phục là chính;
thực hiện phân hóa lực lượng cốt cán, cầm đầu với quần chúng bị dụ dỗ, lôi kéo…
Xử lý nghiêm minh số đối tượng cốt cán, cầm đầu, những đối tượng có hành vi vi
phạm pháp luật; có biện pháp phù hợp quản lý, giáo dục, động viên, giúp đỡ
những đối tượng bị dụ dỗ, lôi kéo...
GREEN TEA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét