Cách đây 60 năm, ngày 28/11/1959, với tầm nhìn chiến lược,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài đăng trên báo Nhân Dân với nhan đề "Tết
trồng cây", phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng
cây, gây rừng. Bác Hồ đã chính thức khởi xướng và phát động phong trào Tết trồng
cây.
Ngày 20/01/1965, trong bài “Hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng
cây” đăng trên báo Hà Đông, Người viết: “Muốn xây dựng nông thôn mới. Việc đầu
tiên của nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay
từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ có việc đó cũng đủ thấy cần
phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây”.
Ngày 09/5/1961, nói chuyện với nhân dân ở Đảo Cô Tô, Hải Ninh (Quảng Ninh), Người căn dặn: Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to lớn, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp.
Với Bác Hồ, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn
thuần mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho nhân dân; đặc
biệt là giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái; lối
sống hòa đồng giữa con người với thiên nhiên của người Việt đã được trao truyền
bao thế hệ.
Không chỉ kêu gọi mọi người tham gia phong trào trồng cây
gây rừng qua các bài nói, viết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những hành động cụ
thể nêu gương cho mọi người làm theo. Năm 1960, Bác Hồ tham gia trồng cây với
nhân dân Thủ đô ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Năm 1961, Bác Hồ cùng các đại
biểu thanh niên Thủ đô đến trồng cây trên công trình lao động làm đẹp Thủ đô tại
vườn hoa Thanh niên. Ngày 03/02/1963, Người về thăm và tham gia trồng cây trong
Hội trồng cây thống nhất cùng đồng bào huyện Đông Anh. Hàng năm cứ mỗi dịp Tết
đến Xuân về, Bác Hồ thường tham gia cùng nhân dân trồng cây. Sáng mùng 1 Tết Kỷ
Dậu 1969, tuy sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng Bác vẫn đến chúc tết một số đơn vị
và trồng cây lưu niệm tại đồi Vật Lại, Ba Vì. Cho đến tận ngày Bác ra đi vào
cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người vẫn không quên nhắc đến việc
trồng cây: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây
làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ
tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến
phức tạp, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, một lần
nữa khẳng định ý nghĩa to lớn của việc trồng cây, gây rừng, một hình thức Tết
mang nội dung, ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, lâu dài, toàn diện, phục vụ cuộc sống
no ấm, hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển của đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét