Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

Trung Đông - Bắc Phi: “Mùa xuân Arab” đến muộn của Sudan và Algeria?

Tại Sudan, từ giữa tháng 12-2018, nhiều cuộc biểu tình lớn của quần chúng với sự tham gia của hàng trăm nghìn người phản đối tình trạng khủng hoảng kinh tế, thiếu hàng hóa và giá cả leo thang vẫn tiếp tục nổ ra, bắt đầu bằng khẩu hiệu “không được để dân đói” và ngay sau đó là các khẩu hiệu chính trị đòi lật đổ chính quyền của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir - người đã cầm quyền đất nước Sudan trong 30 năm.
Sau gần bốn tháng biểu tình phản đối, ngày 11-4-2019, quân đội Sudan đã tiến hành lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir cùng toàn bộ nội các của ông. Một ngày sau, Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan - đứng đầu là tướng Abdel Fattah Al-Burhan - được thành lập, đã tuyên bố bãi bỏ lệnh giới nghiêm và tình trạng khẩn cấp được áp đặt trước đó tại nước này. Tướng Abdel Fattah Al-Burhan tuyên bố Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan sẽ quản lý đất nước thời hạn tối đa hai năm và sau đó sẽ trao lại chính quyền cho chính phủ dân sự. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn không dịu đi bởi những người tham gia biểu tình yêu cầu chuyển giao ngay chính quyền cho một chính phủ dân sự quá độ.
Tại Algeria, tình hình không kém phần căng thẳng so với Sudan khi ngày 16-2-2019, nhiều cuộc biểu tình đã bùng nổ tại Thủ đô Algiers và các thành phố khác của Algeria. Các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng và thu hút đông đảo nhiều tầng lớp quần chúng tham gia để phản đối việc Tổng thống Algeria A. Bouteflika mặc dù đã bước sang tuổi 83 và lâm bệnh nặng, nhưng vẫn tuyên bố tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ Tổng thống Algeria lần thứ năm liên tiếp. Ngày 15-3-2019, các cuộc biểu tình đã lên đến đỉnh cao với sự tham gia của hàng triệu người phản đối Chính phủ, yêu cầu Tổng thống Algeria A. Bouteflika phải “ra đi”. Đây là cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất tại Algeria kể từ khi nước này giành được độc lập vào năm 1962, cũng như kể từ khi phong trào “Mùa xuân Arab” bùng nổ cho đến nay.
“Mùa xuân Arab” là làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các quốc gia ở thế giới Arab, bao gồm Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen, Jordan, Moritani, Arabia Saudi, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Lybia và Moroco. Các cuộc biểu tình phản đối có chung một cách sử dụng rộng rãi kỹ thuật chống đối dân sự trong các chiến dịch bao gồm đình công, biểu tình và các cách thức khác.

Ngày 2-4-2019, Tổng thống Algeria A. Bouteflika đã buộc phải thông báo cho Hội đồng Hiến pháp Algeria quyết định chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Sau các cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài và dưới áp lực chính trị ngày càng gia tăng, ngày 2-4-2019, Tổng thống Algeria A. Bouteflika đã buộc phải thông báo cho Hội đồng Hiến pháp Algeria quyết định chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống của mình. Theo Điều 102 của Hiến pháp Algeria, Chủ tịch Hội đồng Thượng viện Algeria Abdelkader Bensalah sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng thống lâm thời của Algeria và trong vòng 90 ngày, Algeria phải tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới.
Mặc dù Tổng thống lâm thời Algeria A. Bensalah đã ra thông báo tiến hành bầu cử tổng thống mới vào ngày 4-7-2019, song sức nóng của các cuộc biểu tình tại Algeria vẫn không hạ nhiệt. Những người biểu tình yêu cầu tất cả các nhà lãnh đạo nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong “kỷ nguyên A. Bouteflika” phải “ra đi” và thành lập một chính phủ chuyển tiếp gồm các nhân vật mới được đa số người dân chấp nhận. Đến nay đã có hàng trăm thẩm phán và nhiều thị trưởng của các thành phố tuyên bố tẩy chay việc giám sát cuộc bầu cử tổng thống mới tại Algeria để ủng hộ phong trào phản kháng của người dân. Đáng lưu ý, trong số những người tham gia biểu tình, có rất nhiều thành viên của Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria (FLN) cầm quyền. Hàng chục quan chức cấp cao của FNL đã tuyên bố ủng hộ phong trào biểu tình và yêu cầu Ban Chấp hành Trung ương của FNL triệu tập khẩn cấp một hội nghị toàn thể để giải quyết cuộc khủng hoảng. Đến nay, do đấu tranh gay gắt giữa những người thân chính quyền cũ và các nhóm đòi thay đổi chế độ, cuộc bầu cử vẫn chưa tổ chức được. Tổng thống lâm thời A. Bensalah buộc phải nhượng bộ, đồng ý tổ chức đối thoại trực tiếp với các phần tử đối lập không có sự tham gia của quân đội và chính quyền.
Những nguyên nhân làm bùng nổ căng thẳng tại Sudan và Algeria
Một là, nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng dẫn đến sự gia tăng bất mãn trong dân chúng. Tại Sudan, tình hình căng thẳng được dự báo trước từ lâu khi hàng hóa ở trong nước vô cùng khan hiếm, giá cả các nhu yếu phẩm tăng nhanh chóng mặt; đồng bảng Sudan mất giá nghiêm trọng, lên tới 80%; tỷ lệ lạm phát phi mã vượt quá 30% mỗi tháng. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Chính phủ Sudan thực hiện theo khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm phá giá đồng tiền, bãi bỏ trợ giá lúa mỳ, điện, nước và các nhu yếu phẩm khác đã làm cho đời sống của người dân ngày càng thêm chật vật.
Việc Chính quyền Sudan thẳng tay trấn áp những người biểu tình do bất đồng chính kiến đã gây ra làn sóng bất bình trong xã hội, đặc biệt là các tầng lớp trẻ, giới sinh viên, trí thức. Theo các nhà phân tích kinh tế, tình hình kinh tế của Sudan hầu như không được cải thiện, ngay cả khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ được bãi bỏ vào tháng 10-2017. Tình hình này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Sự chia tách Nam Sudan và việc thành lập nước Cộng hòa Nam Sudan đã làm Sudan mất đi 3/4 các mỏ dầu. Hơn nữa, việc quốc gia mới thành lập không trả thuế xuất khẩu dầu mỏ cho Chính phủ Sudan đã khiến thu nhập của nước này sụt giảm mạnh. Năm 2018, ngân sách quốc gia thâm hụt 2,5 tỷ USD đã làm cho nền kinh tế Sudan vốn khó khăn ngày càng trở nên kiệt quệ. Để bù đắp lại sự thiếu hụt ngân sách, Chính phủ Sudan buộc phải tăng các loại thuế đánh vào người dân và chấm dứt các khoản trợ cấp. Bên cạnh đó, việc Sudan kỳ vọng nước Cộng hòa Nam Sudan sẽ trả 36 USD/thùng dầu vận chuyển qua đường ống trên lãnh thổ Sudan và bồi thường cho nước này một khoản tiền lớn do mất các mỏ dầu sau khi miền Nam tách ra thành lập quốc gia riêng, đã không thực hiện được. Động thái này của Chính phủ Nam Sudan tiếp tục trở thành nhân tố góp phần đẩy nền kinh tế Sudan lâm vào khủng hoảng trầm trọng.
Là một trong những nước lớn nhất khu vực châu Phi với diện tích hơn 1,9 triệu km2, đất nông nghiệp phì nhiêu cùng nguồn nước dồi dào của dòng sông Nile, Sudan hoàn toàn có thể tự cung, tự cấp được về lương thực, thực phẩm… nuôi sống được toàn bộ dân số chỉ có 41 triệu người, song trong một thời gian dài, Chính quyền Sudan đã quá dựa vào nguồn thu nhập từ dầu mỏ mà không chú ý đầu tư phát triển các lĩnh vực khác của nền kinh tế, đặc biệt là không khai thác hết tiềm năng của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, nạn tham nhũng cũng là căn bệnh trầm kha của đất nước này. Theo Tổ chức minh bạch quốc tế (TI), Sudan xếp thứ 170/180 quốc gia về chỉ số tham nhũng. Chính vì vậy, Sudan hiện vẫn là một trong những nước nghèo nhất khu vực châu Phi.
Việc Chính quyền Sudan thẳng tay trấn áp những người biểu tình, bất đồng chính kiến với Chính phủ đã gây ra làn sóng bất bình trong xã hội, đặc biệt là các tầng lớp trẻ, giới sinh viên, trí thức. Trong tình hình như vậy, mặc dù uy tín của ông Omar al-Bashir - người giữ chức Tổng thống Sudan kể từ năm 1989 sau một cuộc đảo chính quân sự đến nay xuống rất thấp, nhưng ngày 10-8-2018, Đảng Đại hội Dân tộc (NCP) cầm quyền Sudan vẫn ủng hộ ông tái tranh cử vị trí Tổng thống Sudan vào năm 2020, bất chấp Hiến pháp nước này quy định giới hạn tối đa là hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm đối với tổng thống. Các nhà hoạt động chính trị - xã hội đã kêu gọi một chiến dịch chống lại việc tái ứng cử tổng thống của ông.
Về phần Algeria, không chỉ là quốc gia có diện tích lớn nhất châu Phi với 2.371,741 km2, dân số 42,2 triệu người - xếp thứ 9 trong “lục địa đen” - Algeria còn là một trong những nước giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên nhất thế giới với trữ lượng dầu mỏ lên tới 12,2 tỷ thùng (xuất khẩu 632.000 thùng/ngày), trữ lượng khí đốt 4,499 tỷ m3 (xuất khẩu 55 tỷ m3). Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2013, Algeria đã thu được hơn 1.000 tỷ USD từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Với nguồn tài nguyên phong phú và thu nhập lớn như vậy, Algeria lẽ ra phải là đất nước có một nền kinh tế phát triển và đời sống của người dân phải đạt ở mức cao. Tuy nhiên, nền kinh tế Algeria trong những năm gần đây lại rơi vào khủng hoảng, khó khăn chưa từng có và đời sống của người dân bị giảm sút nghiêm trọng. Hiện nay, có khoảng 30% số thanh niên Algeria đến độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Trong khi đó, những người dưới 30 tuổi chiếm tới 54% dân số của cả nước.
Theo các nhà phân tích chính trị, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là sự điều hành yếu kém của Chính phủ đã làm cho Algeria không đứng vững được trước những biến động của nền kinh tế thế giới. Mặt khác, nạn tham nhũng tràn lan đã góp phần kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước, khiến nền kinh tế Algeria vốn đã hết sức khó khăn ngày càng trở nên khó khăn hơn, trở thành một “bệnh dịch” hoành hành đất nước. Theo báo cáo của Tổ chức minh bạch quốc tế (IT) về chỉ số tham nhũng toàn cầu, năm 2017, Algeria xếp thứ 112/180 quốc gia có nạn tham nhũng cao. Còn theo báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2017- 2018, Algeria xếp thứ 92/137 quốc gia có nạn tham nhũng cao.
Hai là, chính sách đa đảng của Sudan và Algeria. Mặc dù là quốc gia Arab Hồi giáo khá bảo thủ nhưng Sudan có đến hơn 20 đảng phái chính trị. Đảng NCP cầm quyền do Tổng thống Omar al-Bashir đứng đầu cho phép các đảng đối lập hoạt động, song các đảng đối lập có rất ít cơ hội tham gia đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước. Giữa đảng NCP cầm quyền và các đảng đối lập thường xuyên xảy ra xung đột do có nhiều mâu thuẫn trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại. Ngay sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ, Hội đồng quân sự chuyển tiếp đã bắt hầu hết các quan chức cấp cao của NCP và cấm đảng này tham gia chính phủ quá độ.
Tại Algeria, trước năm 1989, FNL là đảng chính trị hợp pháp duy nhất cầm quyền. Được thành lập vào năm 1954, với tư cách là một tổ chức chính trị tiến bộ, FNL đã đứng lên lãnh đạo nhân dân Algeria kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi năm 1962. Cương lĩnh của FNL (thông qua năm 1962) chủ trương thực hiện các biến đổi xã hội sâu sắc trên cơ sở “các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa” và các giá trị Hồi giáo Arab. FNL đã tiến hành công nghiệp hóa đất nước, cải cách ruộng đất và thu được nhiều thành tựu to lớn. Algeria được coi là một trong những nước đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc; uy tín của đảng FNL được nâng lên cao tại châu Phi và trên thế giới. Các đảng đối lập ở Algeria đều bị cấm hoạt động cho đến những năm 1990, kể cả các đảng có tư tưởng tiến bộ, như Mặt trận các lực lượng xã hội chủ nghĩa của Hosni Ait Ahmed, Đảng Cách mạng xã hội chủ nghĩa của Budiaf... Thậm chí, Đảng Cộng sản Algeria được thành lập vào năm 1934, sau đó đổi tên thành Đảng Tiên phong xã hội chủ nghĩa vào năm 1966, cũng bị cấm. Các đảng này buộc phải rút vào hoạt động bí mật hoặc trốn ra nước ngoài hoạt động. 
Vào đầu những năm 1990, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, phong trào đòi dân chủ nổi lên ở nhiều nước, trong đó có Algeria. Các đảng đối lập ở Algeria trước đây bị cấm đã nối lại hoạt động và được hợp pháp hóa. Cùng lúc đó, các đảng chính trị mới cũng xuất hiện, trong đó có Đảng Mặt trận cứu nguy Hồi giáo (FIS) cực đoan, chủ trương thành lập một Nhà nước Hồi giáo ở Algeria, Liên minh Văn hóa và Dân chủ đòi quyền tự trị cho người dân Berber... Các đảng Hồi giáo ôn hòa, gồm Phong trào đổi mới An-Nahda, Phong trào Xã hội Hồi giáo Hamas cũng đã đăng ký hoạt động hợp pháp.
Trước tình hình có nhiều đảng phái tham gia đời sống chính trị của đất nước, cuộc đấu tranh giành quyền lực càng trở nên gay gắt. Từ một đảng cầm quyền duy nhất, đảng FNL phải cạnh tranh với các đối thủ mới nổi lên trên chính trường. Trong khi đó, nội bộ FNL thiếu đoàn kết, chậm đổi mới, yếu kém trong quản lý kinh tế - xã hội, đưa đất nước đến bên bờ khủng hoảng. Nạn tham nhũng tràn lan trong các thành viên của đảng khiến uy tín của FNL ngày càng giảm sút. Đã từng có thời điểm người dân Algeria gọi FNL là “đảng xe hơi và biệt thự”. Lợi dụng tình hình này, các đảng đối lập nổi lên công kích FNL, gây tình trạng hỗn loạn tại Algeria như hiện nay.
Ba là, sự tác động của những yếu tố bên ngoài. Theo các nhà quan sát chính trị, trong những năm qua, tình hình chính trị và kinh tế trong nước của Sudan và Algeria bị ảnh hưởng đáng kể trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây luôn tìm cách can thiệp công việc nội bộ của các nước Trung Đông nhằm thay đổi chính quyền ở những nước không đi theo quỹ đạo của họ. Từ tháng 10-1997, Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế, thương mại và tài chính toàn diện đối với Sudan với lý do nước này vi phạm nhân quyền. Tiếp đến, năm 2004, Liên hợp quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Sudan với cớ nước nước này hỗ trợ khủng bố quốc tế. Mặc dù, tháng 10-2017, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh trừng phạt Sudan, nhưng trên thực tế các biện pháp này vẫn được duy trì. Tình hình kinh tế Sudan vốn khó khăn ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, tại Algeria, Mỹ và các nước châu Âu đã đưa ra những tuyên bố mang tính chất can thiệp công việc nội bộ của nước này. Tổng thống Pháp E. Macron đã tuyên bố “ủng hộ việc thành lập một chính quyền quá độ tại Algeria”. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert J Palladin tuyên bố ủng hộ các cuộc biểu tình và yêu cầu chính quyền Algeria tôn trọng quyền tự do biểu tình, tự do ngôn luận…
Internet cũng đóng vai trò không nhỏ trong các sự kiện xảy ra ở Sudan và Algeria. Những phần tử chống đối đã dùng mạng xã hội kêu gọi dân chúng nổi dậy chống chính phủ. Trong số những biểu ngữ của người biểu tình tại Algeria không chỉ có các khẩu hiệu “Hãy nói không với nhiệm kỳ thứ năm”, “Bouteflika phải ra đi”, “Nói không với tham nhũng”... mà còn có rất nhiều băng-rôn đòi dân chủ, đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận, thay đổi chế độ. Những hình ảnh này được cập nhật liên tiếp và đưa trực tiếp lên các trang mạng xã hội đã góp phần kích động những người biểu tình, đặc biệt là các phần tử quá khích.
Các chuyên gia cho rằng, những gì đang diễn ra tại Sudan và Algeria là sự tiếp nối của phong trào “Mùa xuân Arab”. Ban lãnh đạo mới ở hai quốc gia này có thể đã rút ra được những bài học đắt giá tránh đi vào “vết xe đổ” của Yemen, Lybia, hay Syria... để ổn định tình hình, tập trung xây dựng đất nước./.
Theo TCCS.


1 nhận xét: