Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

Bài học cho những người “trở cờ” phản dân, hại nước


Bài học cho những người “trở cờ” phản dân, hại nước

Ngày 15-11, TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Năng Tĩnh về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Đây là phiên tòa hình sự xét xử công khai, hành vi và tội trạng thể hiện rõ tại cáo trạng cũng như quá trình xét hỏi, thẩm vấn tại tòa.
Tuy nhiên, cũng như những vụ án xét xử các bị cáo có hành vi chống Nhà nước Việt Nam, một số tổ chức, cá nhân thù địch lại chụp mũ “tù nhân lương tâm”, “xét xử người bất đồng chính kiến”..., lấy cớ lên án tòa án và Nhà nước. Thậm chí, họ còn đưa ra các “thông cáo” với những đòi hỏi hết sức phi lý.
Ngay trước khi diễn ra phiên tòa, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) vào ngày 14-11 ra “thông cáo báo chí” kêu gọi Chính phủ Việt Nam “cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Năng Tĩnh và phóng thích ông này ngay lập tức”. Giám đốc vận động Châu Á của HRW, ông John Sifton, được dẫn lời qua thông cáo báo chí rằng trường hợp Nguyễn Năng Tĩnh “là người mới nhất trong một chuỗi dài các nhà bất đồng chính kiến bị nhắm vào vì đăng tải thông tin và lên tiếng phê phán trên Facebook”. Ông này vu cáo “chính quyền đang lạm dụng Bộ luật Hình sự để bắt giam những người dân không làm gì khác ngoài việc thực thi các quyền cơ bản về tự do ngôn luận”.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách khu vực Châu Á của HRW nói với đài RFA hôm 14-11 rằng: “Vụ của ông Nguyễn Năng Tĩnh là trường hợp rõ ràng về một người bất đồng chính kiến bị chính quyền Việt Nam nhắm vào. Những gì mà ông ấy làm chỉ là đưa thông tin về môi trường lên mạng xã hội. Ông ấy chỉ làm những điều cơ bản mà một nhà hoạt động xã hội thường làm. Ông ấy thực thi quyền của mình chứ không làm gì sai trái cả”.
Từ việc suy diễn vô lối như trên, ông này lộ rõ động cơ thực của mình khi quy chụp “chính quyền Việt Nam cứ tiếp tục với cách này thì càng chứng tỏ thành tích nhân quyền tồi tệ của họ”.
Luận điệu của HRW với các tuyên bố hay thông cáo nói trên không có gì mới, vẫn là những trò chống phá xưa cũ. Ngay cả những nhân vật mà họ trích lời, đưa ra các phát biểu như vậy cũng là những người vốn có định kiến, tư tưởng thù địch với Nhà nước Việt Nam, chỉ khác là lắp lời nói vào vụ án này hay vụ án khác, từ bị cáo này sang bị cáo khác. Còn về động cơ, ý đồ không có gì thay đổi: chĩa mũi nhọn chống phá, hòng hướng lái dư luận bằng cách nhìn u ám, đen tối về Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ XHCN.
Thực ra, vụ án Nguyễn Năng Tĩnh không hề có bất cứ sự mập mờ hay đánh tráo nào như luận điệu họ rêu rao, tất cả đều được thể hiện bằng các tài liệu, chứng cứ rõ ràng và công bố công khai. Kết quả điều tra cho thấy, Facebook Nguyễn Năng Tĩnh được lập và hoạt động từ năm 2011, đến ngày 17-6-2018, tài khoản cá nhân này đã được sử dụng để đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung vi phạm pháp luật.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, thu thập được 22 bài viết, video, hình ảnh được đăng tải, chia sẻ trên trang Facebook Nguyễn Năng Tĩnh để tiến hành điều tra, xác minh. Nguyễn Năng Tĩnh đã thông qua trang Facebook cá nhân để móc nối với một số đối tượng cực đoan, phản động trong và ngoài nước để viết, quay, tán phát, đăng tải, chia sẻ, bình luận các nội dung xuyên tạc bản chất của Nhà nước Việt Nam, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc; phỉ báng chính quyền nhân dân, xuyên tạc lịch sử, phỉ báng chế độ. Đưa ra các bài viết bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động người dân biểu tình, chống chính quyền, đăng tải các tài liệu có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân...
 Các tài liệu, chứng cứ và vấn đề liên quan đến vụ án được thể hiện rõ trong bản cáo trạng do đại diện VKS tỉnh Nghệ An trình bày tại phiên tòa.
Tranh luận và nêu quan điểm tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, căn cứ vào kết quả điều tra cũng như quá trình tiến hành tố tụng, đủ cơ sở để truy tố Nguyễn Năng Tĩnh về tội danh: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.
Tội danh này phạm vào các điểm a, b, c, khoản 1, Điều 117, BLHS. Trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, quan điểm của kiểm sát viên và các luật sư bào chữa, HĐXX xác định: Đây là vụ án rất nghiêm trọng, hành vi của bị cáo rất nguy hiểm, diễn ra trong thời gian dài.
Bị cáo lợi dụng quyền tự do dân chủ trong việc sử dụng Facebook cá nhân, lợi dụng các vấn đề chính trị, xã hội trong nước để xuyên tạc lịch sử, kích động quần chúng nhân dân, xuyên tạc, vu cáo, chống lại chính quyền nhân dân… HĐXX xử phạt bị cáo Nguyễn Năng Tĩnh 11 năm tù; phạt quản chế bị cáo 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Việc tòa án đưa ra xét xử bị cáo có hành vi vu cáo, xuyên tạc, chống phá Nhà nước Việt Nam đúng với quy định của luật pháp hiện hành. Những hành vi tương tự cũng được thể hiện sự nghiêm trị trong luật pháp các nước trên thế giới. Ngay tại những nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, tòa án sở tại cũng xét xử các bị cáo có hành vi chống chính quyền, Nhà nước với các hình phạt tương ứng với hành vi vi phạm do họ gây ra.
Do đó, những luận điệu của HRW không thể lập lờ đánh lận sự thật đã được thể hiện bằng chứng cứ pháp luật và sự xét xử khách quan, công minh của tòa án. Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, 138 quốc gia (trong đó có 95 nước đang phát triển) đã ban hành luật an ninh mạng.
Tuy khác nhau về tên gọi nhưng nội dung chính của pháp luật an ninh mạng của các nước đều nhằm cải thiện tình hình an ninh thông tin của các doanh nghiệp và cơ quan công quyền cũng như bảo vệ tốt hơn người dân trên môi trường mạng Internet. Tùy theo hành vi, tính chất mà người vi phạm bị xử lý hành chính hay bị truy cứu hình sự. 
Vụ án này cũng là bài học cho những ai đang có ý nghĩ, hành vi tương tự, cần phải biết nhìn nhận đúng đắn trước khi quá muộn. Nguyễn Năng Tĩnh, SN 1976, là người Công giáo, sinh hoạt tại Giáo xứ Mỹ Khánh, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tốt nghiệp Nhạc viện Âm nhạc Huế, Tĩnh trở thành thầy giáo dạy nhạc và là giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An.
Trong môi trường giáo dục, có năng khiếu về âm nhạc, Tĩnh lại thực hiện hành vi chống phá, tuyên truyền những sáng tác có nội dung sai lệch. Cùng với đó, Tĩnh thường lợi dụng các cuộc tụ tập để hát những nhạc phẩm có nội dung phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thậm chí, trên cương vị giảng viên âm nhạc, Tĩnh còn đưa những bài hát này phổ biến cho sinh viên. 
Tại sao một giảng viên âm nhạc, được đào tạo bài bản lại “trở cờ”, có các hoạt động chống đối? Tìm hiểu về nhân thân cho thấy, Tĩnh đã không giữ được bản thân mình, không thực hiện đúng nghĩa vụ với tư cách một công dân cũng như với cương vị người thầy. Tĩnh đã trượt và ngày càng lấn sâu vào con đường phạm pháp dưới sự dẫn dắt, mua chuộc của đối tượng xấu.
Với quan điểm là lấy giáo dục, thuyết phục làm trọng để uốn nắn, cải sửa người nào đó vì nhận thức, động cơ sai lệch mà lầm đường lạc lối, mong muốn họ tỉnh ngộ, từ bỏ sai lầm. Nhưng khi họ vẫn chứng nào tật nấy, không ăn năn hối lỗi, cố ý thực hiện hành vi tội phạm, chống lại đất nước, nhân dân, phạm vào quy định pháp luật hình sự thì phải áp dụng chế tài hình sự. Việc xử lý nghiêm minh cũng là để răn đe, phòng ngừa chung. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét