Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

Đường lưỡi bò”: Đừng nên tự vẽ rồi tự nhận của nhà!

Mặc cho Pháp phản đối, TQ vẫn âm thầm thực hiện tham vọng của mình nên đã công bố cả 4 quần đảo ở biển Đông là Đông Sa, Trung Sa, Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) đều thuộc chủ quyền của mình bằng cách đưa vào bản đồ in trong tập TQ phân tỉnh tân đồ, xuất bản tại Thượng Hải đầu năm 1935.

Tuy vậy, từ năm 1939, Nhật Bản tiến chiếm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa rồi lấy Trường Sa làm căn cứ hải quân phục vụ chiến tranh thế giới II.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Anh – Pháp – Trung họp tại Cairô (Ai Cập) tháng 11/1943 và Hội nghị Potsdam 16/7 đến 2/8/1945 của lãnh đạo 4 nước Mỹ, Anh, Trung, Liên Xô, trong đó có Tưởng Giới Thạch đều thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo không phải lãnh thổ của Trung Hoa.
Khi Nhật Bản bại trận phải rút khỏi Đông Dương, chính quyền Tưởng lợi dụng tình hình ở đây chưa ổn định, cho tàu chiến đưa quân đổ bộ lên một số đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 01/12/1947, Tưởng ký lệnh đặt tên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuyên bố sáp nhập vào lãnh thổ TQ. Cùng năm, Bộ Nội chính của Tưởng xuất bản cuốn Nam Hải chư đạo địa lý chí lược, công bố đường cong gồm 11 đoạn, chiếm đến 80% diện tích biển Đông, đi sát bờ biển Philippines, đến tận 40 vĩ Bắc sát bờ biển Malaysia; tuyên bố quần đảo Đông Sa, Trung Sa, Tây Sa và Nam Sa đều thuộc TQ. Năm 1953, chữ U gồm 11 đoạn điều chỉnh còn 9 đoạn (bỏ 2 đoạn trong vịnh Bắc bộ), chính là “đường lưỡi bò” mà TQ phi lý lộng hành đòi hỏi chủ quyền.
Sau khi Tưởng thất bại trong cuộc nội chiến ở đại lục (1945-1949), chạy ra đảo Đài Loan, đồng thời rút quân ở Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng ngày 15/8/1951, thủ tướng Chu Ân Lai vẫn lấy bản đồ quốc giới mà phía Tưởng công bố năm 1947 làm cơ sở tuyên bố các quần đảo đó từ xưa tới nay thuộc TQ. Mặc dù được Liên Xô nêu ý kiến tại Hội nghị San Francisco (Mỹ) tháng 9/1951, đề nghị trao trả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho TQ nhưng bị các thành viên bác bỏ với 46 phiếu chống và 3 phiếu thuận. Trưởng phái đoàn phía Việt Nam (Chính quyền Bảo Đại) là Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Hữu đã khẳng định: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Không một nước nào trong 51 nước tham dự Hội nghị phản đối hoặc bảo lưu lời xác nhận này.
Năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút quân khỏi Đông Dương, cách mạng Việt Nam chưa kịp tiếp quản, phía CHND Trung Hoa tức tốc đưa quân chiếm các vùng thuộc phía Đông quần đảo Hoàng Sa, còn Đài Loan của Tưởng chiếm đảo Ba Bình thuộc Trường Sa. Rạng sáng ngày 21/2/1959, TQ cho lính giả làm ngư dân bất ngờ đổ bộ để chiếm các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng và Quang Hòa thuộc phía Tây quần đảo Hoàng Sa nhưng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của hải quân Việt Nam cộng hòa. Từ đó đến 1971, hải quân TQ và hải quân chính quyền Sài Gòn liên tục chạm súng mà không phân thắng bại.
Năm 1974, lợi dụng khi Mỹ rút khỏi Đông Dương, phía TQ tiến hành các cuộc xâm nhập quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Sài Gòn yêu cầu Mỹ giúp đỡ nhưng Mỹ không đồng ý vì đang có ý đồ lợi dụng TQ để khống chế miền Bắc Việt Nam. Tận dụng cơ hội đó, ngày 15/1/1974, TQ chiếm đóng các đảo Cam Tuyền (Robert), Duy Mộng (Drummond), Quang Hòa (Duncan), Vĩnh Lạc (Money)… thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ngày 16/1/1974, phía Việt Nam cộng hòa dùng những bằng chứng pháp lí, địa lí, lịch sử, kêu gọi sự đồng tình của các lực lượng chống lại âm mưu của TQ và đem bốn chiến hạm ra vùng biển Hoàng Sa. Nhưng phía TQ sau khi tăng viện thêm quân và chiến hạm tới đây, chúng tấn công chiếm được đảo Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974, làm hơn 50 binh sĩ Việt Nam bị hy sinh. Hôm sau, TQ điều động thêm máy bay oanh tạc các đảo còn lại do Việt Nam cộng hòa đóng giữ. Tính đến cuối tháng 2/1974, chúng hầu như chiếm hết quần đảo Hoàng Sa, rồi thiết lập căn cứ quân sự, xây dựng nơi đây thành một căn cứ quân sự liên hợp, có cầu cảng, sân bay để làm bàn đạp mở rộng tiến công xuống quần đảo Trường Sa ở phía Nam.
Từ năm 1981, TQ tập trung hải quân, xây dựng nhiều căn cứ ở Hải Nam, rồi điều 5 tàu chiến trinh sát ở vịnh Bắc bộ, chuẩn bị cuộc tấn công mới. Sang năm 1983, TQ cho 2 tàu chiến lớn đến tận cực Nam quần đảo Trường Sa thăm dò trinh sát, đồng thời cho các tàu đánh cá có vũ trang hoạt động ở vùng biển này, tháng 6 năm sau phê chuẩn việc thành lập khu hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Đông bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 5/9/1987, chúng thông qua đề nghị của Thủ tướng Triệu Tử Dương thành lập tỉnh Hải Nam bao gồm cả lãnh thổ hai quần đảo này. Tháng 10/1987, TQ mở cuộc tập trận lớn chưa từng có ở Trường Sa và tháng 3/1988, chiếm đóng 6 nhóm đá ngầm, dựng cột mốc xác định chủ quyền ở đây. Chiến sự đã diễn ra rất ác liệt vào ngày 14/3/1988, tàu chiến TQ có trang bị pháo 100 ly và tên lửa bắn chìm 3 tàu vận tải Việt Nam đang hoạt động ở đảo Sinh Tồn, làm cho 70 chiến sĩ của ta hy sinh. Chúng còn ngăn chặn tàu Việt Nam treo cờ chữ thập đỏ ra cứu nạn, đồng thời cho quân đổ bộ chiếm thêm một số bãi đá với ý đồ chiếm đóng lâu dài(12). Sang năm 1989, chúng chiếm thêm một đảo ở Trường Sa, rồi công bố đạo luật về lãnh hải xác định chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tháng 2/1992. Liều lĩnh hơn, TQ còn ký với Công ty Crestone của Mỹ thăm dò khai thác dầu khí ở phía Tây Trường Sa ngay bên cạnh mỏ dầu Đại Hùng, nằm trên thềm lục địa và cách bờ biển Việt Nam khoảng 250 km, cách đảo Hải Nam 800km, được hải quân TQ bảo vệ.
Trước tình hình này, phía Việt Nam phản đối quyết liệt, các nước ASEAN họp ra quyết nghị về vấn đề biển Đông vào ngày 22/7/1992, biểu rõ lo ngại về sự ảnh hưởng của vấn đề tranh chấp Trường Sa tới hòa bình, ổn định khu vực. Nhưng ngay sau đó, tác giả Hiểu Bình, Thanh Ba biên soạn cuốn sách: Quân đội TQ liệu có đánh thắng trong cuộc chiến tranh sắp tới?, tuyên bố: “Nếu nhà cầm quyền Việt Nam không có nhượng bộ gì trong vấn đề Nam Sa (Trường Sa) thì TQ và Việt Nam nhất định sẽ đánh nhau. Thập kỷ 90 là thời kỳ then chốt để giải quyết vấn đề Nam Sa. Thời kỳ này đi qua, có thể TQ bị mất một cơ hội lịch sử”. Quốc hội Việt Nam đã ra tuyên bố, bày tỏ lập trường và quan điểm về việc giải quyết vấn đề biển Đông trên tinh thần bình đẳng và hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế. Kết quả đàm phán các bên đã ký kết được thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ gồm biên giới đất liền, vịnh Bắc bộ và Trường Sa vào năm 1993 giữa hai nước Việt – Trung.
Tuy vậy, liên tục từ năm 1993 đến năm nay, phía TQ dưới nhiều hình thức và lý do khác nhau, luôn chủ động gây nhiều sự việc liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề Trường Sa:
– Giữa năm 1994, TQ giành chủ quyền tại mỏ dầu Thanh Long trên thềm lục địa Việt Nam và tuyên bố hợp đồng của Việt Nam ký với Công ty Mobil để khai thác vùng này là vô giá trị;
– Tháng 11/2004, TQ thỏa thuận với phía Philippnes khảo sát biển Đông vào; bắn vào tàu đánh cá Việt Nam làm 9 người chết và bị thương ngày 8/1/2005.
– Tháng 7/2006, TQ công bố “bản đồ chuẩn” trên mạng là một phương pháp khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
– Tháng 4/2007, chúng bắt giữ 4 tàu đánh cá của Việt Nam đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa, rồi còn phản đối việc Việt Nam ký với hãng BP của Anh và Conoco Philips của Mỹ xây dựng đường ống dẫn khí trên vùng biển cách Vũng Tàu 370 km, làm cho dự án này ngừng lại.
– Tháng 7/2007, tàu hải quân TQ bắn vào ngư dân Việt Nam đánh cá trong vùng biển Trường Sa làm 1 người chết và nhiều người bị thương.
– Ngày 10/8/2007, báo China Daily đưa tin phía TQ tổ chức tour du lịch tới Hoàng Sa.
– Tháng 11/2007, TQ lại mở một cuộc tập trận lớn ở đây. Một tháng sau đó, Quốc vụ viện ra quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
– Ngày 7/5/2009 (đúng một thế kỷ kể từ ngày họ đặt chân lên quần đảo Trường Sa tháng 5/1909), TQ đệ trình bản đồ có hình “lưỡi bò” lên Liên hợp quốc, yêu cầu lưu truyền trong cộng đồng các nước thành viên.
– Năm 2012, TQ phát hành hộ chiếu mới có in hình “đường lưỡi bò” …
– Năm 2019 đưa hình ảnh đường lưỡi bò vào bộ phim hoạt hình “Everest: Người tuyết bé nhỏ” và gần đây là ngày 8/11/2019 Cảnh Sảng – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “Việt Nam và các nước khác chiếm đóng quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) của Trung Quốc”…
Đòi hỏi phi lý, không đúng luật pháp quốc tế, thiếu căn cứ lịch sử, tùy tiện tuyên bố chủ quyền, vu khống nước khác xâm phạm chủ quyền, đó là đặc trưng bản chất tâm địa của kẻ đi ăn cướp. TQ tự vẽ ra đường lưỡi bò, rồi đòi chủ quyền theo đường tự vẽ, bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế. Làm như vậy, TQ tự hạ uy tín của mình, tạo nên hình ảnh “nước lớn nhưng tính cách bé”. Xin mọi người đừng nghĩ, VN sợ TQ mà hãy nghĩ đến VN đang tiếc nuối và không muốn làm mất đi quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt – Trung; không muốn làm mất ổn định tình hình ở biển Đông, ảnh hưởng đến các quốc gia láng giềng.
Một nước như VN, 4/5 chiều dài lịch sử là có chiến tranh, nhưng cuối cùng đều giành lại được độc lập, chắc chắn chả sợ ai cả khi mình là chính nghĩa!
Trường Sa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét