Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2019

Bảo vệ cái đúng, ủng hộ cái tốt để cái sai không dám lộng hành


Trong vòng hai nhiệm kỳ gần đây, một vấn đề được Đảng ta nhắc đến nhiều lần trong các nghị quyết, chỉ thị, quy định, đó là cảnh báo tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện mũ ni che tai, an phận thủ thường, thiếu bản lĩnh, dũng khí cần thiết của người cộng sản. Đáng chú ý, ở một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã có biểu hiện một số cán bộ, đảng viên vô cảm trước cái đúng, thờ ơ trước cái sai (Thấy đúng không ủng hộ, thấy sai không đấu tranh). Đó chính là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đáng báo động.
Một trong nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến những khuyết điểm, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng đã được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” chỉ ra là: “Một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh”.
Khoảng 5 năm sau đó, khi ban hành Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Đảng ta tiếp tục chỉ ra một trong những nguyên nhân chủ quan khiến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn nhiều hạn chế, bất cập, đó là: “Chưa chú trọng lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; đồng thời chỉ rõ một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên là: “Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”.
Trong xã hội, một khi những việc làm đúng, những con người tốt mà không được trân trọng thì nền đạo đức của xã hội đang có biểu hiện xuống dốc. Đối với mỗi tập thể, nếu không coi trọng đúng mức và không tạo điều kiện thuận lợi cho những việc làm tích cực, những tấm gương người tốt nảy nở, lan tỏa trong tập thể là vô hình trung làm biến dạng, méo mó các mối quan hệ, làm vẩn đục môi trường văn hóa và tạo ra lực cản đối với sự phát triển lành mạnh của cơ quan, đơn vị.
Đối với mỗi cấp ủy và tổ chức đảng, nếu những điều hay, lẽ phải không được đề cao, bảo vệ và những việc làm đúng đắn, chuẩn mực của đảng viên không được ghi nhận, khuyến khích thì nội bộ nơi đó đã có biểu hiện lún sâu vào nguy cơ thoái hóa, biến chất. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nếu không thừa nhận, nâng niu những việc làm tử tế, những người làm việc tâm huyết, hết lòng vì tập thể và cộng đồng, không chỉ thể hiện một thái độ xử sự đố kỵ, hẹp hòi, mà còn bộc lộ một lối sống thờ ơ, bàng quan, thiếu trách nhiệm với đồng chí, đồng đội, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Để xảy ra tình trạng một số nơi chưa coi trọng, đề cao, bảo vệ những việc làm đúng và những người tốt, trước hết xuất phát từ môi trường mất dân chủ, nội bộ lục đục và nền nếp, kỷ cương cơ quan, đơn vị bị buông lỏng. Thời gian quan, ở một số tổ chức, cơ quan, đơn vị đã có hiện tượng bề ngoài thì được “sơn phết” một lớp “vỏ bọc đoàn kết” giả tạo, nhưng bên trong thì ai biết việc người nấy, không quan tâm giúp đỡ nhau một cách chân thành, trên tinh thần thương yêu đồng chí. Thậm chí không ít nơi có tình trạng sống bằng mặt mà không bằng lòng, bên ngoài thì tỏ vẻ cởi mở, chan hòa, nhưng bên trong thì ngấm ngầm nghi kị lẫn nhau. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ở khá nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay thực hiện phương châm sống im lặng là vàng, gió chiều nào xoay chiều ấy, thế nên trước những cái đúng, điều phải cũng không thể hiện rõ chính kiến đồng tình, ủng hộ; mà nhìn thấy cái sai, cái xấu cũng chẳng dám lên tiếng phê phán, tẩy chay. Đáng buồn hơn, ở nơi này nơi khác xuất hiện một số người có quan niệm sống “ba không”: Không ý kiến, không phê bình, không đấu tranh. Vì sợ liên lụy đến bản thân, những người như vậy chỉ chứng tỏ mình sống không có bản lĩnh, thiếu dũng khí, nếu không muốn nói là bạc nhược.
Cán bộ, đảng viên cần có dũng khí bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai
Tiên lượng được những hệ lụy, hậu quả tiêu cực của thái độ, lối sống khư khư giữ mình, ngại va chạm, thủ tiêu tinh thần đấu tranh chân chính, trong một số văn bản quan trọng gần đây, ngoài việc cảnh báo hiện tượng đáng báo động này, Đảng ta chính thức yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải chung sức đồng lòng “tuyên chiến” với những kẻ có thái độ sống cơ hội, ba phải.
Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” phải gương mẫu đi đầu thực hiện: “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi”.
Đối với tiêu chuẩn cấp ủy viên trong nhiệm kỳ tới, Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” cũng quy định rõ: “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”.
Như vậy, một mặt Đảng ta yêu cầu, việc cương quyết bảo vệ những cái đúng, quyết liệt đấu tranh những cái sai nảy sinh, xuất hiện trong mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị là bổn phận, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên; mặt khác, phải chủ động phòng ngừa, sàng lọc, đấu tranh, loại trừ ngay từ đầu đối với những trường hợp thiếu khí khái, thờ ơ trước những cái đúng, vô cảm trước những cái sai. Đây là trách nhiệm chính trị của mọi cấp ủy, tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên.
Ở thời nào cũng vậy, những việc làm tốt, những con người tốt là tài sản quý giá của xã hội nói chung, của mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị nói riêng. Do vậy, việc nâng niu, trân trọng, tôn vinh những việc làm hay, những tấm gương tốt chính là biện pháp hữu hiệu góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội bền vững, lành mạnh và xây dựng mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị không ngừng trưởng thành, tiến bộ. Muốn làm được việc này, ngoài xây dựng bầu không khí thật sự dân chủ, nhân ái, đoàn kết, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị phải chú trọng chăm lo xây dựng các nhân tố điển hình tiên tiến, kịp thời cổ vũ, động viên, khuyến khích và nhân rộng các nhân tố mới, những việc làm hay, những tấm gương người tốt, làm cho những cái hay, cái đẹp, cái tích cực luôn có sức sống mãnh liệt và lan tỏa sâu rộng tới mọi người trong cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc mở rộng, phát huy dân chủ gắn liền với giữ vững kỷ cương, kỷ luật. Bởi vì, có thực tâm tạo ra không khí dân chủ thì cấp dưới mới dễ gần, dễ cung cấp thông tin và dễ chia sẻ tình cảm, trách nhiệm. Có giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật thì người tốt mới có chỗ dựa vững vàng và người xấu không dám nhởn nhơ, lộng hành. Đối với người đứng đầu, điều tối kỵ nhất là có những biểu hiện, hành vi ứng xử “yêu nên tốt, ghét nên xấu” trong giải quyết các mối quan hệ, đúng-sai không phân minh rạch ròi, phải-trái không nhận định chính xác, thật-giả không phân biệt rõ ràng. Nếu những người ở vị trí “cầm cân nảy mực” mà luôn nghĩ và hành xử như vậy sẽ gây ly tán lòng người, nội bộ nghi kỵ lẫn nhau và vô hình trung đã “bật đèn xanh” cho những kẻ xấu có thêm cơ hội làm sai, làm liều, làm bậy; còn những người tốt thì phải sống “co cụm” lại với nhau và không phát huy được tính tiền phong, tích cực của mình trong tập thể.
Một việc làm tuy không mới, nhưng cần thực hiện đến nơi đến chốn, đó là khi tiến hành các quy định thưởng-phạt phải bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời, theo đúng phương châm: Ai có công lao, lập thành tích tốt, có nhiều cống hiến thì được khen thưởng xứng đáng; ai vi phạm kỷ luật, làm việc thiếu trách nhiệm, sống bon chen, đố kỵ, gây mất đoàn kết nội bộ thì phải có những hình thức xử lý thích hợp. Chỉ có làm như vậy mới góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi để làm cho “cái tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, cái xấu mất dần đi” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
                                                                                                           HA



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét