Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020

Cảnh giác với âm mưu lợi dụng xây dựng luật về hợp tác quốc tế để phá Việt Nam trong hội nhập


Pháp luật ở nước ta vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, vừa thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và không ngừng kế thừa, tiếp thu có chọn lọc pháp luật tiến bộ để ngày càng phát triển, hoàn thiện, nhất là trong thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế. Điều đó, đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, mà còn góp phần tạo nên những thành tựu ấn tượng cho hệ thống pháp luật Việt Nam trong hơn ba mươi năm qua. Hành lang pháp lý chặt chẽ, mở rộng đã và đang giúp cho các thành phần kinh tế phát triển nhanh, thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực to lớn để thực hiện việc mở rộng và phát huy dân chủ trong xã hội; quyền làm chủ của nhân dân lao động được phát huy mạnh mẽ về mọi mặt. Đồng thời, giải quyết thành công nhiều vấn đề xã hội cấp bách, như: việc làm, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường, phòng, chống tệ nạn xã hội, v.v.

Kinh nghiệm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này thời gian qua cho thấy, nếu không tỉnh táo sẽ rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng việc hợp tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp để tuyên truyền quan điểm pháp lý tư sản, tư tưởng đa nguyên, đa đảng, nhằm chuyển hóa quan điểm lập pháp của Đảng, làm chệch mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Khi chúng ta tiến hành sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015, họ tỏ vẻ quan tâm khuyến nghị nên bỏ một số điều khoản trong Chương Các tội xâm phạm an ninh quốc gia trong Bộ Luật này và tích cực hỗ trợ các cơ quan chức năng của ta soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tiếp cận thông tin, nhằm tạo điều kiện, môi trường chính trị xã hội, pháp lý cho việc hình thành đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam. Không những thế, họ còn đề nghị ta sửa đổi, hủy bỏ các điều luật về an ninh quốc gia vì có nội dung còn “mơ hồ”, hạn chế các quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội,… trái với Luật Nhân quyền quốc tế. Một số tổ chức phi chính phủ sốt sắng triển khai nhiều dự án hợp tác xây dựng pháp luật với Việt Nam nhằm phát triển “xã hội dân sự”, hình thành tổ chức công đoàn độc lập tại Việt Nam. Lợi dụng tổ chức hội thảo, tập huấn hỗ trợ xây dựng văn bản pháp luật cho các cơ quan chức năng của ta để họ tác động vào việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến quyền con người ở nước ta. Hơn thế nữa, họ còn tìm cách xâm nhập nội bộ, lôi kéo, mua chuộc cán bộ, đảng viên cơ quan chức năng trong việc xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật để cài cắm nội gián, v.v. Đặc biệt, các tổ chức phi chính phủ ở một số nước lấy danh nghĩa tài trợ cho giới luật gia Việt Nam, mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho luật sư trong nước để tác động, khuyến khích họ phát biểu, phê phán hệ thống pháp luật Việt Nam; lôi kéo số luật gia có uy tín, nhưng có tư tưởng đa nguyên ra nước ngoài đào tạo hoặc mời cán bộ thuộc các cơ quan lập pháp, tư pháp của Việt Nam đi tham quan, nghiên cứu mô hình hệ thống tư pháp ở nước ngoài và vấn đề tư pháp độc lập để tác động làm thay đổi quan điểm, tư tưởng, thậm chí tham gia các hoạt động chống Đảng, Nhà nước. 
Một số cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nhận thức về âm mưu, hoạt động lợi dụng hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật để “diễn biến hòa bình” đối với nước ta còn hạn chế. Việc thẩm định, xét duyệt một số chương trình, dự án thiếu chặt chẽ, thống nhất, chưa kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý những chương trình, dự án tài trợ trái quan điểm, chủ trương của Đảng hoặc vi phạm pháp luật Việt Nam. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động của các đối tác, tổ chức phi chính phủ nước ngoài còn mang tính sự vụ, chưa thực sự chủ động và thiếu kế hoạch tổng thể, v.v.
Những năm tới, đất nước ta tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật, đó cũng là xu thế tất yếu của sự phát triển. Do vậy, cần tiếp tục tận dụng những thuận lợi trong hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy công cuộc xây dựng và phát triển đất nước một cách bền vững; đồng thời, tích cực đấu tranh làm thất bại mưu đồ lợi dụng sự hợp tác quốc tế về xây dựng luật để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét