Thế giới đã chứng kiến 3 cuộc chuyển
giao quyền lực lớn làm thay đổi cơ bản đời sống quốc tế trên mọi mặt, từ chính
trị, quân sự đến kinh tế, văn hóa. Cuộc chuyển giao quyền lực thứ nhất là sự
trỗi dậy của châu Âu từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII dưới tác động của cách
mạng công nghiệp, thương mại và đầu tư. Cuộc chuyển giao thứ hai là sự trỗi dậy
của Mỹ bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XIX, nhất là từ sau chiến tranh thế
giới thứ hai (1945), Mỹ trở thành siêu cường chi phối trật tự quốc tế cho tới
cuối thế kỷ XX. Bước vào thế kỷ XXI, do suy yếu tương đối của Mỹ và sự trỗi dậy
mạnh mẽ của một số nước, nổi bật là Trung Quốc và Ấn Độ dẫn tới sự chuyển dịch
quyền lực lần thứ thứ ba trên phạm vi toàn cầu. Đó là sự chuyển dịch trọng tâm
quyền lực từ Tây sang Đông và dẫn tới sự thay đổi tương quan so sánh lực lượng
giữa các nước lớn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sự chuyển dịch lần
thứ ba này đã và đang tác động đến quan hệ quốc tế, tập hợp lực lượng giữa các
nước không chỉ trong phạm vi các khu vực mà biến động sâu sắc tới toàn cầu. Sự
chuyển dịch đó làm cho cục diện thế giới theo hướng đa cực, đa trung tâm diễn
ra nhanh hơn.
Trong bối cảnh như vậy, sự cọ
sát và cạnh tranh chiến lược, điều chỉnh chiến lược, tranh giành ảnh hưởng giữa
các nước lớn ngày càng gia tăng, quyết liệt, tác động sâu rộng đến an ninh,
chính trị thế giới.
Mỹ với mục tiêu duy trì vị thế siêu
cường duy nhất, tiếp tục đẩy mạnh chiến lược quân sự, an ninh toàn cầu bằng
việc tập hợp lực lượng, điều chỉnh chiến lược với từng khu vực để khống chế,
kìm hãm các thế lực thách thức “ngôi vị số 1” của Mỹ. Việc tỷ phú Donald Trump
thắng cử và lên làm Tổng thống Mỹ là cú sốc lớn đối với chính trường Mỹ cũng
như chính trị quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chính quyền Trump
vừa phải thận trọng trong việc tìm cách cân bằng lợi ích của Mỹ trên thế giới,
vừa củng cố và tăng cường vị thế siêu cường của Mỹ, đưa nước Mỹ “vĩ đại trở
lại”, đảm bảo Mỹ vẫn là quốc gia đặt ra luật chơi trong quan hệ quốc tế. Hiện
tại, về kinh tế, Mỹ vẫn là nền kinh tế số một với 18.000 tỷ USD năm 2015, gần
bằng 25% (tổng GDP?) toàn cầu. Tài sản tư nhân của Mỹ còn cao hơn thế, đã vượt
90.000 tỷ USD bằng 34% toàn thế giới, giàu hơn cả khối châu Âu và cao hơn nhiều
so với có 9% của nền kinh tế Trung Quốc. Mỹ tiếp tục dẫn đầu trong cuộc cách
mạng khoa học công nghệ lần thứ tư. Ngân sách quân sự của Mỹ hiện nay gần 700
tỷ USD/năm, chiếm gần 50% chi phí quân sự trên toàn cầu, bằng tổng ngân sách
của 12 nước đứng sau. Chi tiêu cho nghiên cứu quốc phòng của Mỹ chiếm 50% tổng
chi dành cho nghiên cứu của tất cả các nước khác.
Trung Quốc với sức mạnh được
tăng lên sau nhiều năm phát triển, đang mở rộng không gian chiến lược để khẳng
định vị thế cường quốc khu vực và quốc tế. Hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”,
Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp chiến lược, như tăng thực lực quân sự,
chú trọng phát triển nhanh chóng lực lượng hải quân để mở rộng hoạt động ra
hướng biển, gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á, Đông Á, từng bước cạnh tranh ảnh
hưởng với Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Tiến bước xa hơn, Trung Quốc đẩy mạnh
thực thi chiến lược “Vành đai và con đường”, tham gia và thúc đẩy nhóm nước
kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), hướng tới xây dựng
cơ chế hợp tác lấy Trung Quốc là trọng tâm, động lực. Căng thẳng, mẫu thuẫn
giữa Trung Quốc với Mỹ đã, đang và sẽ diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới,
nhưng ở châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông theo hướng ngày càng
gia tăng.
Tại liên bang Nga, Tổng thống
V.Putin đẩy mạnh triển khai chiến lược nhằm giành lại vị thế của mình tại các
khu vực ảnh hưởng truyền thống. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng Nga
vẫn khẳng định vai trò của một cường quốc. Trong cuộc khủng hoảng Ucraina,
Ucraina mong muốn trở thành đồng minh NATO, Nga tìm mọi cách buộc Mỹ và phương
Tây muốn giải quyết vấn đề Ucraina phải có sự tham gia của Nga. Đặc biệt, Nga
chủ động sáp nhập Crưm đã gây biến động chính trị lớn ở châu Âu khiến căng
thẳng giữa Nga, Mỹ và phương Tây càng gay gắt. Mỹ và phương Tây áp dụng nhiều
biện pháp trừng phạt về kinh tế và đe dọa về quân sự với Nga… Đối phó với các
động thái của phương Tây, Nga tăng cường lực lượng, vũ khí, triển khai tấn công
và giành nhiều thắng lợi trong việc sử dụng vũ khí công nghệ cao để không kích
lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Điều đó chứng tỏ, Nga có đủ
lực và sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình, đồng thời buộc Mỹ và phương Tây phải
tính tới vai trò của Nga trên thế giới.
Đến năm 2020, Nhật Bản vẫn là
cường quốc kinh tế thế giới nhưng nhiều khả năng sẽ bị Ấn Độ thách thức ở vị
trí số 3. Mục tiêu chiến lược của Nhật Bản là trở thành một cường quốc phát huy
ảnh hưởng cả về kinh tế, chính trị và quân sự trong khu vực và trên thế giới.
Chính phủ Nhật Bản triệt để phát huy công cụ “ngoại giao kinh tế”, sửa đổi Hiến
pháp, gỡ bỏ ràng buộc nội bộ để tăng quyền tự do hành động trong một số vấn đề
liên quan đến an ninh quốc gia, tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, cùng Mỹ
liên kết chặt chẽ và chia sẻ trách nhiệm. Ở khu vực, Nhật Bản tập trung xử lý
quan hệ với Trung Quốc về kinh tế và căng thẳng gia tăng trong tranh chấp vùng
biển. Nhật Bản quan tâm tới Đông Nam Á vì lợi ích chiến lược và lợi ích kinh
tế, tham gia tích cực hơn các cơ chế hợp tác do ASEAN chủ đạo để có vai trò lớn
hơn.
Nhiều dự báo cho thấy, Ấn Độ
ngày càng rút ngắn khoảng cách với Nhật Bản để vượt lên thành nền kinh tế thứ 3
thế giới. Ấn Độ tiếp tục duy trì cân bằng quan hệ với các nước lớn, trước hết
là Mỹ và Trung Quốc, nhưng cạnh tranh lợi ích với Trung Quốc sẽ gay gắt hơn. Ấn
Độ tiếp tục khẳng định ảnh hưởng của mình ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương, đẩy
mạnh chiến lược “hướng Đông” và gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á, quan tâm hơn
tới an ninh biển và bảo vệ trật tự biển.
Tình hình Liên minh châu Âu
(EU) trong những năm qua cho thấy chính sách đang hướng vào bên trong để xử lý
các vấn đề nổi cộm như Brexit, khủng hoảng nợ công, khủng hoảng nhập cư, phòng
chống khủng bố quốc tế, vì vậy sự quan tâm và nguồn lực dành cho khu vực châu Á
– Thái Bình Dương có chiều hướng giảm đi. Tuy nhiên, EU vẫn duy trì quan hệ với
các đối tác ở các khu vực khác trong đó có ASEAN.
Trong bối cảnh chung của thế
giới, ASEAN tiếp tục giữ và khai thác vị trí địa chiến lược của mình, bảo đảm
khả năng thích ứng và tự chủ trong quan hệ với các nước lớn. ASEAN ưu tiên
triển khai tầm nhìn 2025 và các kế hoạch hợp tác trên 3 trụ cột chính trị, kinh
tế và văn hóa xã hội; thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường kết nối; duy
trì đoàn kết nội khối; tăng cường quan hệ đối ngoại với tất cả các đối tác
ngoài khu vực, trong đó có EU.
Như vậy, cạnh tranh quyền
lực, lợi ích và vị thế chiến lược giữa các nước, đặc biệt là giữa Mỹ, Trung
Quốc, Nga đang diễn ra ngày càng quyết liệt. Tình hình đó dẫn tới xu hướng liên
minh, liên kết, tập hợp lực lượng và chạy đua vũ trang mang tính đối đầu có
chiều hướng gia tăng. Từ đó sẽ nảy sinh những điểm nóng tại nhiều khu vực trên
thế giới, làm cho tình hình an ninh thế giới có nhiều biến động.
Sự cạnh tranh quyền lực, lợi ích và vị thế chiến lược giữa các nước, đặc biệt là giữa Mỹ, Trung Quốc, Nga đang diễn ra ngày càng quyết liệt; điều đó cũng làm cho tình hình an ninh thế giới có nhiều biến động.
Trả lờiXóa