Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

Cảnh giác với đề xuất cho người nước ngoài mua bất động sản




Bộ Xây dựng vừa đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng tăng số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép tham gia chuyển nhượng trong mỗi một toà nhà chung cư; cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua các bất động sản du lịch tại Việt Nam. Có thể nói, đề xuất này gây nhiều lo ngại, đây là công tác quản lý.

Vậy, các quốc gia khác họ tự tin thực hiện chính sách này?  bởi vì họ có cơ chế quản lý rất tốt, đảm bảo được quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, ở nhiều nước có cơ chế mở cho cả người nước ngoài sở hữu bất động sản tại những vị trí đắc địa với chi phí rất cao nhưng tất cả các hoạt động mua bán, kinh doanh đều phải tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật của nước sở tại.
Nhưng ở Việt Nam thì sao, vấn đề sở hữu bất động sản, bất động sản du lịch có phức tạp hơn do nhiều lý do như: dân số Việt Nam đông nhưng diện tích đất ở lại hạn chế. Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu về đất ở cho người dân có thu nhập trung bình, thấp hiện đang rất khó khăn. Nếu mở ra cho người nước ngoài sở hữu căn hộ ở, bất động sản du lịch thì có thể sẽ mang lại tác động tích cực trước mắt là tạo sự kích cầu cho nền kinh tế nhưng lại có tác động tiêu cực lớn tới nhu cầu tiếp cận nhà ở của người dân có thu nhập thấp. Đây là vấn đề cần phải tính toán kỹ. Bởi một khi có sự tham gia của yếu tố nước ngoài thì nguy cơ gây sốt ảo, đẩy giá bất động sản sẽ khiến một bộ phận lớn người dân có thu nhập trung bình, thấp không bao giờ có thể có được nhà ở.
Với vấn đề an ninh quốc phòng, điều quan trọng nhất là phải thực thi đúng quy định của pháp luật. Những vị trí đất quốc phòng tuyệt đối không thể xây dựng, mua bán và phải quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, trên thực tế đã có nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng đã xảy ra. Mới đây nhất là thông tin về tình trạng có người nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài sở hữu hàng nghìn hec-ta đất ven biển gây quan ngại.  Nhất là ở những địa điểm như Vân Đồn, Vân Phong  hay Phú Quốc, Đà Nẵng là nơi rất tốt cho phát triển kinh tế nhưng cũng là yết hầu về an ninh quốc phòng. Một khi mở ra, đây sẽ là những khu vực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Như vậy, nếu đề xuất trên của Bộ Xây dựng được chấp thuận thì các vấn đề về quản lý các khu vực “nhạy cảm” cũng phải tính tới. Phải có đánh giá rất cụ thể để so sánh cái được và cái mất, cái lợi và cái bất lợi, phải đánh giá về nhu cầu sở hữu thật của người nước ngoài với bất động sản du lịch Việt Nam đang ở đâu? Nhu cầu này có thật hay lại xuất phát từ lợi ích nhóm, nhằm giúp những chủ đầu tư condotel bán hàng - thu hồi vốn.
Các cơ quan thẩm định, thẩm tra phải hết sức tỉnh táo, thận trọng làm rõ vấn đề này, tránh tình trạng “vận động chính sách” chạy theo lợi ích nhóm, chính sách lại để giải quyết tình trạng ứ đọng sản phẩm cho một nhóm nhà đầu tư là rất nguy hiểm. Đồng thời, phải xử lý dứt điểm các khu đất liên quan tới vấn đề an ninh quốc phòng, trắng đen phải rõ ràng, tránh để tình trạng lẫn lộn, gây hoang mang lo lắng trong dư luận xã hội. Và cùng với đó cũng phải kiến nghị, xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức đã tiếp tay, làm sai.
Bởi khi xác định rõ những vị trí đất quốc phòng không thể xâm phạm thì đây sẽ là những khu vực tuyệt đối không được thực hiện dự án. Trong trường hợp đề xuất này được chấp nhận, với những diện tích có thể được điều chỉnh thì cũng phải có cơ chế kiểm soát và có sự phân loại các dự án bất động sản du lịch mà người nước ngoài có thể tham gia mua bán. Ngoài ra, cần quy định về khống chế thời gian sử dụng các dự án bất động sản du lịch được bán cho người nước ngoài.
Một lần nữa vấn đề này cần phải tính toán kỹ, thận trọng và đặt nó trong tổng thể các vấn đề của đất nước, ưu tiên lĩnh vực quốc phòng an ninh.

1 nhận xét:

  1. Đây là nội dung được đề cấp rất nhiều và có nhiều ý kiến trái chiều; nhưng cũng nên thận trọng và xem xét thật kỹ trước khi quyết định cho người nước ngoài mua bất động sản.

    Trả lờiXóa