Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

Giá trị văn hóa của người lãnh đạo


Chỉ còn ít ngày nữa là chúng ta kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (01/7/1915 - 01/7/2020), một trong những kiến trúc sư kiến tạo công cuộc đổi mới của đất nước.
Một trong những di sản tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là phong cách nói và làm, nói đi đôi với làm, đã nói là làm, làm thực chất, hiệu quả.
Nói đến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không thể không nhắc đến những bài viết “Những việc cần làm ngay” đầy tính chiến đấu nhằm cổ vũ tinh thần đổi mới; đả phá những thói hư tật xấu, các hành vi quan liêu, nhũng nhiễu, tiêu cực, vô trách nhiệm, nói không đi đôi với làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên vào giữa thập niên 1980 của thế kỷ trước. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người cách mạng muốn tiến lên phía trước thì phải kiên quyết đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta. Muốn phòng ngừa, giảm bớt sai lầm, khuyết điểm, muốn để dân quý, dân yêu thì cán bộ, đảng viên phải bám sát thực tiễn cuộc sống ở cơ sở, lắng nghe ý kiến của nhân dân, nói đi đôi với làm, vì làm mới thể hiện giá trị văn hóa cao nhất của người lãnh đạo.

 Ảnh tư liệu
Chữ “làm” của người lãnh đạo mang giá trị văn hóa trước hết là tuyệt đối không được nói suông, nói rồi bỏ đấy, lãnh đạo theo kiểu “chỉ tay năm ngón” quan liêu, áp đặt, mà phải trực tiếp xắn tay giải quyết việc khó, khâu khó để làm chuyển biến tình hình theo chiều hướng tích cực. Hơn thế, nội hàm chữ “làm” của người cán bộ còn thể hiện sâu sắc ở hành vi làm gương về lối sống giản dị, liêm chính. Trong thời điểm đất nước khó khăn, để làm gương về chống tác phong quan liêu, từ bỏ những đặc quyền đặc lợi, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã bỏ chế độ Tổng Bí thư đi chuyên cơ trong nước, hằng ngày đi làm việc, đi công tác bằng xe Lada-xe tiêu chuẩn dùng cho cấp thứ trưởng; vào Nam ra Bắc đi máy bay chung với mọi người. Trong căn phòng làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh ở TP Hồ Chí Minh, mọi tiện nghi trong phòng, từ chiếc quạt bàn, bộ ấm chén, lọ hoa, chiếc đồng hồ treo tường... đều là hàng Việt Nam sản xuất, chất lượng, mẫu mã thuộc loại trung bình.
Nhắc lại chuyện này để thấy, vị thế, tầm vóc, sức ảnh hưởng của những cán bộ lãnh đạo không chỉ thể hiện ở tư duy, tầm nhìn, khả năng lãnh đạo, chỉ đạo đạt hiệu quả cao trong thực tiễn, mà quan trọng còn thể hiện ở phong cách làm gương trong cả lời nói và hành động để tạo sức thuyết phục, sức hút, sức lan tỏa đối với quần chúng. Thực tế cho thấy, không ít cán bộ từng có những năm tháng xông pha, dấn thân, lăn xả trong thực tiễn lao động, chiến đấu và có những cống hiến, hy sinh đáng tự hào, nhưng khi có quyền cao chức trọng đã vội quên, vội bỏ hai chữ “làm gương” về lối sống cần, kiệm, liêm, chính nên sớm tha hóa, biến chất rồi bị kỷ luật, thậm chí vướng vào tù tội./.
Nói đi đôi với làm không chỉ là một trong những nguyên tắc cơ bản trong rèn luyện, giữ gìn đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, mà còn là bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm của những người công tác trong bộ máy công quyền các cấp. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống tiêu dùng, hưởng thụ vật chất đang có nguy cơ làm tha hóa con người, tha hóa quyền lực, thì việc làm gương về đạo đức chính là chiếc “dây neo” có thể níu giữ tâm hồn, nhân cách cán bộ, đảng viên không bị chênh chao trước mọi cám dỗ tầm thường và qua đó góp phần bảo toàn được giá trị văn hóa của người lãnh đạo.


1 nhận xét:

  1. Nói đến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là mọi người dân đều nhớ ngay đến việc nói và làm; đã nói là làm và làm cho được

    Trả lờiXóa