Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020


VƯƠN KHƠI BÁM BIỂN, KIÊN QUYẾT KIÊN TRÌ BẢO VỆ
CHỦ QUYỀN TỔ QUỐC TRÊN BIỂN

Bất chấp việc Trung Quốc tìm mọi cách quấy phá, thậm chí đâm chìm tàu, ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường bám biển. Ra khơi bám biển không chỉ vì mục đích kinh tế, mà còn là hành động thiết thực làm thất bại âm mưu của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông.
Từ chiến thuật “cải bắp” đến “vùng xám” 
Ngày 10-6-2020, khi đang di chuyển cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 7 hải lý về phía Nam, tàu cá QNg 96416 TS bị một tàu sắt mang số hiệu 4006 và một ca nô của Trung Quốc áp sát gây ra sóng lớn, khiến 16 ngư dân cùng nhiều vật dụng trên tàu cá Việt Nam rơi xuống biển; tàu bị nước tràn vào, có nguy cơ chìm. Trước khi rời đi, phía Trung Quốc dùng vũ lực ép thuyền trưởng tàu cá điểm chỉ vào một số giấy tờ bằng tiếng nước ngoài, lấy đi số lượng lớn hải sản, ngư cụ và trang thiết bị của tàu QNg 96416 TS.
Đây là vụ việc mới nhất cho thấy Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chiến thuật “vùng xám” nhằm thâu tóm tài nguyên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực và độc chiếm Biển Đông. Triển khai chiến thuật này, các đội tàu hùng hậu của Trung Quốc, bao gồm tàu hải cảnh, tàu thăm dò và dân quân biển, sẽ tiến hành các hoạt động dọa dẫm, quấy rối, ngăn chặn các nước láng giềng đánh bắt, khai thác tài nguyên trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố thuộc “đường lưỡi bò” 9 đoạn chiếm tới 80% diện tích Biển Đông.
Chiến thuật “vùng xám” có nhiều điểm giống với chiến thuật “cải bắp” mà Trung Quốc áp dụng trước đó. Từ năm 2013, tướng Trung Quốc Trương Triệu Trung từng nhắc đến chiến thuật “cải bắp” mà nước này sử dụng ở các vùng biển tranh chấp. Theo đó, Trung Quốc triển khai rất nhiều tàu với 3 lớp khác nhau gồm tàu cá, dân quân biển, tiếp đến là các tàu ngư chính, hải giám, cảnh sát biển và ngoài cùng là các tàu chiến của hải quân. Các lớp tàu này được tổ chức như các lớp bắp cải, bủa vây các bãi cạn hay đảo chìm với một bán kính rất rộng để ngăn cản tàu của các nước khác có tuyên bố chủ quyền.
Các lực lượng tưởng như vô hại và không cần quá cảnh giác này thực chất lại là công cụ quan trọng để Trung Quốc đẩy ảnh hưởng của nước khác ra khỏi vùng biển của chính họ. Điển hình là vụ Trung Quốc tìm cách cưỡng đoạt bãi cạn Scaborough của Philippines, khu vực nằm cách bờ tây đảo lớn của Philippines 230 km. Trong khi Philippines khẳng định bãi cạn nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của nước này theo Công ước LHQ về Luật Biển, thì Trung Quốc lại cho rằng khu vực này thuộc “đường lưỡi bò”.
Để có thể đẩy mạnh chiến thuật “vùng xám”, từ năm 2014, Trung Quốc đã bồi lấp nhân tạo các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam rồi triển khai trên đó các vũ khí, khí tài quân sự. Chỉ sau vài năm, các bãi đá này đã biến thành căn cứ hậu cần và quân sự tiền phương. Nếu như trước đây, các tàu Trung Quốc phải quay về đảo Hải Nam tiếp tế thì hiện nay chúng có thể tận dụng các đảo nhân tạo này để hoạt động dài ngày. Chính sự hiện diện gần như thường trực của những đội tàu Trung Quốc là cách để Bắc Kinh gây sức ép buộc các quốc gia láng giềng phải chấp nhận yêu sách chủ quyền phi lý của mình ở Biển Đông.
“Tai mắt” cho lực lượng chức năng giữ gìn chủ quyền biển đảo
Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận cấu thành chủ quyền quốc gia, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, là tuyến phòng thủ hướng đông của đất nước, tạo khoảng không gian cần thiết giúp kiểm soát việc tiếp cận lãnh thổ trên đất liền.
Gần 500 năm trước, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dự báo chiến lược: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”. Khi về thăm lực lượng Hải quân năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Những lời dạy đó luôn nhắc nhở chúng ta hôm nay phải luôn ghi nhớ, trong khi đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, không được một giây phút lơ là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chính vì thế, với ngư dân Việt Nam, ra khơi bám biển không chỉ vì mục đích kinh tế, mà còn là hành động thiết thực làm thất bại âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Tượng đài Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đứng hiên ngang giữa biển trời bao la trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, luôn nhắc nhở họ phải kế tục truyền thống vươn khơi xa bao đời nay. Những năm triều đình nhà Nguyễn, đội hùng binh xuất phát từ đảo Lý Sơn đã thực hiện bảo vệ chủ quyền biển đảo trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đánh bắt hải sản để cung ứng lương thực.
Ngày nay, ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục gắn bó, coi ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa như máu thịt. Chỗ dựa cho họ là bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý đầy đủ để Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Không ai có thể ngăn cản các ngư dân Việt Nam đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản, vì đó không chỉ là ngư trường truyền thống mà ông cha họ để lại, mà còn là không gian sinh tồn của họ hiện tại và con cái mai sau. Ngược lại, mọi hoạt động tại 2 quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Trong thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, vai trò của ngư dân hết sức quan trọng. Sự hiện diện của ngư dân không chỉ là sự khẳng định chủ quyền lãnh hải, mà ngư dân còn là “tai mắt” cho lực lượng chức năng giữ gìn chủ quyền, bình yên biển đảo.
Bởi vậy, để ngư dân yên tâm ra khơi, để mỗi tàu thuyền là “một cột mốc trên biển” góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và phát triển kinh tế biển bền vững, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ như chính sách vay vốn đóng tàu mới, hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển, bảo hiểm tàu cá... Các lực lượng chức năng quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển như cảnh sát biển, kiểm ngư, bộ đội biên phòng và hải quân cũng luôn đồng hành và bảo vệ ngư dân bám biển.
Liên quan đến vụ tàu cá QNg 96416 TS bị tàu Trung Quốc cản trở ở Hoàng Sa, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã trao đổi với phía Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xác minh thông tin vụ việc và thông báo kết quả cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để tiếp tục phối hợp giải quyết.
V.THU

1 nhận xét:

  1. Vụ tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc cản trở ở Hoàng Sa là hành động hết sức ngang ngược của Trung Quốc; chúng ta đã đáu tranh lên án; đồng thời chúng ta vẫn kiên trì bám biển để khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền

    Trả lờiXóa