Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

VIỆT NAM MẤT ĐỘC LẬP DO NHỮNG HÒA ƯỚC NÀO?

Đến cuối thế kỷ thứ 19 so sánh với nền văn minh Âu Tây thì Á Đông sút kém nhiều. Việt Nam bị chinh phục và đô hộ trước sự bành trướng của chính sách thực dân của người da trắng. Việc thất trận của Triều Đình Huế từ Nam ra Bắc và của kháng chiến đã mở đường cho các hòa ước được ký kết mà quan trọng hơn cả là 2 hòa ước Nhâm Tuất (1862) và Giáp Tuất (1874), nền độc lập của Việt Nam đã bị thủ tiêu qua hai hiệp ước này.

1. Hòa ước Nhâm Tuất (1862).
Ngày 9. 5.1862 (Nhâm Tuất) Thiếu Tướng Bonnard và sứ thần Việt Nam là hai ông Phan Thanh Giản, ông Lâm Duy Tiếp ký hòa ước với Pháp những khoản quan trọng là:
KHOẢN I. Nước Nam phải để cho giáo sĩ nước Pháp và nước I Pha Nho được tự do vào giảng đạo và để nhân dân được tự do theo đạo.
KHOẢN II. Nước Nam phải nhường đứt cho nước Pháp tỉnh Biên Hòa, tỉnh Gia Định và tỉnh Định Tường, và phải để cho chiến thuyền của Pháp được ra vào tự do ở sông Mekong.
KHOẢN III. Nước Nam không được đem binh khí, thuốc đạn đi qua những tỉnh đã nhường cho nước Pháp.
KHOẢN IV. Hễ nước Nam có giao thiệp với nước nào khác, thì phải cho chính phủ Pháp biết, và khi nào muốn nhường đất cho nước nào, thì phải tùy ý nước Pháp có thuận cho mới được.
KHOẢN V. Người nước Pháp và nước I Pha Nho được ra vào buôn bán tự do ở cửa Đà Nẵng, cửa Ba Lạt (Nam Định) và cửa biển ở Quảng Yên.
KHOẢN VI. Nước Nam phải trả tiền binh phí 4.000.000 nguyên, chia làm 10 năm, mối năm trả 40 vạn nguyên.
KHOẢN VII. Nước Pháp trả tỉnh Vĩnh Long lại cho nước Nam, nhưng quân Pháp cứ đóng ở tỉnh lỵ cho đến khi dẹp yên giặc giã ở tỉnh Gia Định và tỉnh Định Tường thì mới rút về.
...
Sau khi ký xong rồi thì triều đình sai ông Phan Thanh Giản làm tổng đốc Vĩnh Long, ông Lâm Duy Tiếp làm tuần phủ Khánh Thuận, để giao thiệp với quan nước Pháp ở Gia Định. Bấy giờ nước I Pha Nho cũng nhường quyền lấy đất làm thuộc địa cho nước Pháp, chỉ nhận tiền binh phí và quyền được cho giáo sĩ đi giảng đạo thôi. Tháng 2 năm quý hợi (1863) là năm Tự Đức thứ 16, thiếu tướng Bonard và đại tá nước I Pha Nho là Palanca vào Huế triều yết vua Tự Đức để công nhận sự giảng hòa của ba nước. Xong rồi rồi thiếu tướng Bonard về Pháp nghỉ. Hải quân thiếu tướng De la Grandière sang thay.
2. Hòa ước Giáp Tuất (1874).
Ngày 27 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1874) tức là năm Tự Đức thứ 27, giữa Hải quân Thiếu Tướng Dupré và hai ông Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường có sự ký kết 22 khoản đại lược là:
...
Khoản II. Quan thống lĩnh nước Pháp nhận độc lập của vua nước Nam không phải thần phục nước nào nữa, và khi nào vua nước Nam có cần đến việc gì để đánh dẹp giặc giã thì nước Pháp sẵn lòng giúp mà không cầu điều gì.
Khoản III. Vua nước Nam phải đoan nhận theo ý chính lược ngoại giao của nước Pháp, và Chính lược ngoại giao hiệu lực thì phải để nguyên như thế, không được đổi khác đi.
Quan Thống lĩnh nước Pháp lại tặng vua nước Nam:
1. 5 chiếc tàu có đủ máy móc súng ống.
2. 100 khẩu súng đại bác, và mỗi khẩu có 300 viên đạn.
3. 1000 khẩu súng tay và 5000 viên đạn.
Khoản IV. Quan Thống Lĩnh nước Pháp hứa cho quân binh sang giúp vua nước Nam để dạy tập lính thủy, lĩnh bộ; cho những kỹ sư sang dạy làm mọi việc, và cho những người giỏi việc tài chính sang tổ chức việc thuế má và việc thương chính v.v...
Khoản V. Vua nước Nam phải thuận nhường đứt đất 6 tỉnh Nam kỳ cho nước Pháp.
...
Khoản XI. Vua nước Nam phải mở cửa Thị Nại (Qui Nhơn), cửa Ninh Hải (Hải Phòng), thành Hà Nội và sông Hồng Hà cho ngoại quốc vào buôn bán.
...
Khoản XIII. Nước Pháp được quyền đặt lãnh sự ở các cửa biển và các thành thị, mở ra cho ngoại quốc vào buôn bán.
...
Khoản XV. Người nước Pháp hay là người ngoại quốc, hễ có giấy thông hành của quan lãnh sự Pháp và có chữ của quan Việt Nam phê nhận thì được phép đi các nơi trong nước.
Khoản XVI. Người nước Pháp và người ngoại quốc có điều gì kiện tụng tại đất Việt Nam thì do lãnh sự Pháp phân xử.
...
Khoản XX. Khi nào tờ Hòa ước này ký xong, thì quan Thống lĩnh nước Pháp đặt sứ thần ở Huế để chiếu những điều đã giao ước mà thi hành. Vua nước Nam cũng được quyền đặt sứ thần ở Paris và ở Saigon.
Tờ hòa ước ấy ký xong, thì quan chánh sứ Lê Tuấn mất, ông Nguyễn Văn Tường về Huế. Thiếu tướng Dupré giao mọi việc ở Nam kỳ cho hải quân thiếu tướng Krantz quyền lĩnh, rồi về Pháp. Tháng 6, Triều đình ở Huế lại sai quan Hình bộ Thượng thư là Nguyễn Văn Tường và quan Lại bộ thị lang là Nguyễn Tăng Doãn vào Sài Gòn cùng với thiếu tướng Krantz định các lệ về sự buôn bán ở nước Nam. Đến 20 tháng 7 thì tờ thương ước lập xong.
3. Hòa ước Quý Mùi (1883).
Hay còn gọi là hòa ước Harmand (ngày 23 tháng 7 năm Quý Mùi 1883) có chữ ký của ông Harmand, ông De Champeaux, ông Trần Đình Túc và ông Nguyễn Trọng Hợp. Tất cả có 27 khoản:
Khoản I. Nước Nam chịu nhận nước Pháp Bảo Hộ có việc gì giao thiệp với ngoại quốc thì phải do nước Pháp chủ trương.
Khoản II. Tỉnh Bình Thuận thuộc về Nam kỳ.
Khoản III. Quân Pháp đóng giữ ở núi Đèo Ngang và ở Thuận An.
...
Khoản VI. Từ tỉnh BìnhThuận ra đến Đèo Ngang thì quyền cai trị thuộc về Triều Đình, quan Khâm Sứ ở Huế được quyền tự do ra vào yết kiến nhà vua. Còn đất Bắc Kỳ kể từ Đèo Ngang trở ra thì nước Pháp đặt công sứ ở các tỉnh kiểm soát những công việc của quan Việt Nam. Quan Pháp không can dự vào việc cai trị ở trong hạt.
Khâm sứ Pháp ở Huế được quyền tự do ra vào yết kiến nhà vua. Hòa ước ký xong được gửi về Paris để chính phủ duyệt y, rồi mới hỗ giao, nghĩa là mới tuyên cáo cho thiên hạ biết. Ông De Champeaux ở lại Huế làm khâm sứ, viên toàn quyền Harmand ra Bắc Kỳ để kinh lý việc đánh dẹp.
4. Hòa ước Giáp Thân (1884).
Hay hòa ước Patenôtre ký hồi tháng 5 năm Giáp Thân 1884.
Cả thảy có 19 khoản, đại để thì cũng như tờ Hòa ước của ông Harmand, chỉ đổi có mấy khoản nói về tỉnh Bình Thuận và 3 tỉnh ở ngoài Đèo Ngang là Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa vẫn thuộc về Trung kỳ.
Tờ hòa ước ký xong, ông Rheinart ở lại làm Khâm sứ ở Huế và ông Patenôtre hội cả các quan, bắt đem cái ấn của Tàu phong cho vua Việt Nam nấu lên mà hủy đi, nghĩa là từ đó nước Nam thuộc về nước Pháp bảo hộ, chứ không thần phục nước Tàu nữa. Hòa ước ký năm Giáp Thân là năm 1884, là hòa ước của Triều đình ở Huế ký với nước Pháp công nhận cuộc bảo hộ của Pháp và chia nước ra làm hai khu vực là Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Tuy hai kỳ cũng thuộc về quyền bảo hộ của nước Pháp, nhưng mỗi kỳ có một cách cai trị khác. Về sau dần dần hòa ước năm 1884 cũng mất cả ý nghĩa và thực quyền về chính phủ bảo hộ. Triều đình ở Huế chỉ giữ cái hư vị mà thôi. Nước Việt Nam trước kia, từ Nam chí Bắc là một. Văn hóa, lịch sử, phong tục, ngôn ngữ đều là một cả, mà nay thành ra ba xứ: Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ; mỗi kỳ có một chính sách riêng, luật lệ riêng như ba nước vậy. Thậm chí lúc đầu người kỳ này đi sang kỳ kia phải xin giấy thông hành mới đi được. Kỳ nghĩa là xứ, là khu trong một nước, chứ không có nghĩa là nước. Một nước mà tam phân ngũ liệt ra như thế, thật là một mối đau lòng cho người Việt Nam là dân một nước đã có một lịch sử vẻ vang hàng mấy nghìn năm.
Chính sự của Việt Nam đã do hòa ước này chi phối cho tới ngày 2-9-1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhưng dân tộc vẫn còn phải đi thêm hơn 30 năm nữa mới có hoà bình độc lập thống nhất thật sự
Cho nên tự trách rằng chỉ vì tinh thần bạc nhược của những người lãnh đạo dân tộc trong hơn 80 năm mà chúng ta thua thiệt đến thế không?
___
Ảnh: Chân dung các nhà ngoại giao đại diện 2 nước ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862), Giáp Tuất (1874), Quý Mùi (1883), GiápThân (1884): Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Trọng Hợp, Bonnard, Harmand, Patenôtre.
#HòaướcNhâmTuất #HòaướcGiápTuất #hòaướcHarmand#HòaướcPatenotre #HòaướcQuýMùi #HòaướcGiápThân

1 nhận xét:

  1. Vào thế kỷ 18 Việt Nam bị áp bức, đô hộ nên Việt Nam đã mất độc lập tự do là đúng rồi

    Trả lờiXóa