Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Phong cách làm việc dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh


Phong cách làm việc dân chủ, hay “cách làm việc dân chủ” là đặc trưng chủ yếu, nổi bật trong phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, Người luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên trong công tác phải xây dựng, rèn luyện tác phong làm việc dân chủ. Bởi theo Người, trong công tác lãnh đạo, quản lý mà thực hành được dân chủ, tôn trọng các quyết định của tập thể, biết lắng nghe ý kiến của mọi người thì sẽ phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo và quy tụ được sức mạnh, sự đồng tình ủng hộ của nhiều người, tạo nên sức mạnh to lớn để giải quyết thắng lợi các nhiệm vụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, trong chế độ ta “dân là chủ” và khi dân là chủ thì cách lãnh đạo phải dân chủ. Người cho rằng, không một người nào có thể hiểu được mọi thứ, làm hết được mọi việc. Ngay đến anh hùng, lãnh tụ cũng vậy: “Đem so với công việc của cả loài người trong thế giới, thì những người đại anh hùng xưa nay cũng chẳng qua làm tròn một bộ phận mà thôi” (1). Do đó, Người yêu cầu mỗi cán bộ phải biết cách tập hợp được tài năng, trí tuệ của nhiều người, của tập thể để phấn đấu cho mục tiêu chung. Mà muốn làm được như vậy phải tạo ra được một không khí dân chủ thực sự trong nội bộ. Thực hành dân chủ là chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề. Người nhấn mạnh: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều” (2).
Phong cách làm việc dân chủ của cán bộ, đảng viên không chỉ được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trong quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, mà còn trong quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa lãnh đạo với cán bộ, đảng viên bình thường. Đối với người cán bộ dù ở cương vị lãnh đạo nào, hiểu dân và hiểu cấp dưới đều có tầm quan trọng như nhau. Hiểu dân là để hiểu cấp dưới được chính xác hơn, hiểu cấp dưới là để hiểu dân đầy đủ hơn. Càng gần dân, hiểu dân và hiểu cấp dưới, người cán bộ lãnh đạo càng hiểu chính mình, có thêm điều kiện để hoàn thiện các chủ trương, chính sách và có được phương pháp công tác hữu hiệu.
Với cán bộ lãnh đạo, Người chỉ rõ: “Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế, chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ thật thà trong Đảng. Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hoá ra oán ghét, chán nản” (3).
Tuy nhiên, cách làm việc dân chủ không có nghĩa là mạnh ai nấy làm, mà phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” hay còn gọi là nguyên tắc “dân chủ tập trung”. Người phân tích: Phải tập thể lãnh đạo vì một người có khôn ngoan tài giỏi đến mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến mấy cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hay nhiều mặt của một vấn đề. Vậy nên phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm, người thì thấy rõ mặt này, người thì thấy rõ mặt khác của vấn đề đó. Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người thì vấn đề được thấy rõ mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm. Có thể nói, tập thể lãnh đạo là phương pháp đảm bảo dân chủ nhất, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng bao biện, độc đoán, chủ quan.
Đối lập với phong cách làm việc dân chủ là phong cách làm việc quan liêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh kịch liệt phê phán những cán bộ quan liêu, những người “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối "quan" chủ. Miệng thì nói "phụng sự quần chúng", nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ” (4). Người chỉ rõ, nguyên nhân của căn bệnh quan liêu là xa nhân dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân, không tin cậy nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không yêu thương nhân dân. Để chữa căn bệnh quan liêu, Người khuyên cán bộ phải: “Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là: Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình phải làm gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo” (5).
Một vấn đề quan trọng trong phong cách làm việc dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải chống chủ nghĩa cá nhân. Người phê phán chủ nghĩa cá nhân, cho đó là một thứ vi trùng phá hoại cơ thể người cán bộ, đảng viên, làm cho họ không thể làm việc gì cho sự nghiệp cách mạng, dù người đó tài giỏi mấy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về phong cách làm việc dân chủ. Dù ở cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, có uy tín tuyệt đối trong Đảng và trong nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ phong cách làm việc dân chủ với Bộ chính trị và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể cách mạng, chú ý lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và người dân bình thường. Đến những năm cuối đời, Người vẫn thường làm việc với Bộ Chính trị vào những ngày 01 và 15 hàng tháng để bàn bạc trao đổi tập thể về những công việc của Đảng và Nhà nước, cùng góp ý kiến phê bình một cách nhẹ nhàng thoải mái, nhưng rất hiệu quả. Nhiều bài viết của Người đã được chuyển đến các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đọc và góp ý kiến trước khi công bố. Người còn trao đổi với cả các đồng chí phục vụ hằng ngày về những bài báo ngắn, để sửa chữa những chỗ còn khó hiểu trước khi đăng. Người trân trọng ý kiến của mọi người không phân biệt chức vụ, cấp bậc cao hay thấp. Trong công tác lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Người đã sử dụng nhiều cơ quan, nhiều tổ chức chuẩn bị những việc cần thiết. Trước khi quyết định, Người đều hỏi lại cẩn thận, chu đáo những người đã giúp mình. Tất cả những ai đã được Người giao việc đều cảm nhận sâu sắc điều đó.
                                                                                                                 Theo Báo Tiền phong
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 5, tr. 296
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 5, tr. 284
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 5, tr. 320
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 7, tr. 176
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 7, tr. 177

1 nhận xét:

  1. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cho mọi người dân Việt Nam noi theo

    Trả lờiXóa