Thứ Tư, 28 tháng 6, 2023

 

SỰ CẦN THIẾT, CẤP BÁCH VỀ XÂY DỰNG VÀ THỰC HÀNH
VĂN HÓA TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ ĐOÀN THỂ
 TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội.

Theo cách hiểu này, tất cả những gì không có sẵn trong tự nhiên là kết quả của sự sáng tạo của con người, đều được coi là sản phẩm văn hóa. Nó bao gồm cả hai khía cạnh: khía cạnh tinh thần của xã hội như ngôn ngữ, tư tưởng, giá trị và các khía cạnh vật chất khác như nhà cửa, quần áo, các phương tiện.

Theo một nhìn khác: Văn hóa là hệ thống các giá trị, niềm tin và những biểu tượng được các thành viên trong một cộng đồng chia sẻ.

Văn hoá chính trị là một lĩnh vực, một biểu hiện đặc biệt của văn hoá loài người trong xã hội có giai cấp, văn hoá chính trị được hiểu là trình độ phát triển của con người thể hiện ở trình độ hiểu biết về chính trị, trình độ tổ chức hệ thống tổ chức quyền lực theo một chuẩn giá trị xã hội nhất định nhằm điều hoà các quan hệ lợi ích giữa các giai cấp và bảo vệ lợi ích của giai cấp cầm quyền, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ xã hội.

Đặc trưng nổi bất nhất của văn hoá chính trị là: Văn hoá chính trị có thể được đo bằng lập trường, quan điểm và lòng trung thành với lý tưởng chính trị, tính trung thực và khiêm nhường; kiên quyết, khéo léo, mưu lược, lòng nhân ái và vị tha; hướng về nhân dân, vì nhân dân và phục vụ nhân dân một cách có hiệu quả... Tất cả những điều nêu trên làm rõ bản chất của văn hoá chính trị. 

Đối với văn hóa trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, Văn hóa thể hiện tập trung nhất là văn hóa chính trị trong Nhà nước, trong hệ thống chính quyền các cấp, biểu hiện rõ nhất là văn hóa pháp luật, là đạo đức công chức và kỷ luật công vụ. Cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức phải vừa là tấm gương đạo đức, vừa là hiện thân của nền nếp, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công quyền.

Văn hóa chính trị cũng phải thể hiện trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là liên minh chính trị - xã hội rộng rãi nhất, linh hồn của đại đoàn kết dân tộc, hoạt động theo phương thức hiệp thương dân chủ, là một trong những kênh xã hội rộng rãi, quan trọng nhất để nhân dân thực hiện vai trò và quyền dân chủ của mình trong tham chính, trong xây dựng chính thể (xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền), trong kiểm soát quyền lực, trong giám sát và phản biện xã hội.

Các tổ chức, đoàn thể của nhân dân, do nhân dân lập ra cũng vậy, cũng thể hiện văn hóa chính trị của mình trong các hoạt động, các lĩnh vực công tác đặc thù. Thước đo hiệu quả, tác dụng của hệ thống chính trị là những thước đo văn hóa và văn hóa chính trị. Đó là: Thực hành dân chủ rộng rãi, phổ biến và thực chất; Củng cố đoàn kết, tạo dựng sự đồng thuận; Giảm thiểu và đẩy lùi quan liêu, tham nhũng; Xác lập ổn định chính trị - xã hội tích cực, bền vững để thúc đẩy đổi mới./.

 

1 nhận xét: