Ngày 4/11, Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) đã tuyên bố áp đặt trừng phạt đối với 9 cá nhân và 1 thực thể được cho là “được chỉ định bởi hoặc đã hành động nhân danh” nhà lãnh đạo tối cao Iran – Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei
Trong văn bản được công bố vào đúng dịp 40 năm ngày diễn ra cuộc khủng hoảng con tin ở Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tehran (4/11/1979 – 4/11/2019), OFAC cho biết, các biện pháp trừng phạt mới được áp dụng đối với Bộ Tham mưu Các lực lượng vũ trang Iran và người đứng đầu cơ quan này – Thiếu tướng Mohammad Baqeri, cùng Bộ trưởng Tư pháp Iran Ebrahim Raeisi – người đã được Đại giáo chủ Khamenei bổ nhiệm vào tháng 3/2019. Một số cá nhân khác hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ bao gồm: Cựu Bộ trưởng Quốc phòng và một chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Dehqan, Chánh văn phòng Lãnh tụ tối cao Iran - ông Mohammad Mohammadi Golpayegani, ông Vahid Haghanian - người được Bộ Tài chính Mỹ mô tả là "cánh tay phải của Lãnh tụ tối cao".
Theo lệnh trừng phạt mới của Mỹ, toàn bộ tài sản và các lợi ích của các cá nhân trên tại Mỹ sẽ bị phong tỏa, đồng thời bị cấm giao dịch với các cá nhân và các công ty Mỹ. Trước đó, Mỹ cũng đã liệt nhà lãnh đạo tối cao Iran Khamenei vào bản “danh sách đen” hồi tháng 6/2019.
Trong một tuyên bố vừa đưa ra cách đây ít lâu, Nhà Trắng cảnh báo sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhằm vào Iran, cho tới khi nước Cộng hòa Hồi giáo này thay đổi lối hành xử mà Washington đánh giá mang tính chất “thù địch”.
Giới quan sát nhận định, chính phủ Mỹ đang muốn thông qua các biện pháp gia tăng sức ép nhằm khẳng định lập trường cứng rắn đối với Iran, vào đúng dịp kỷ niệm ngày diễn ra cuộc khủng hoảng con tin làm chấn động nước Mỹ cách đây 40 năm.
Mối quan hệ vốn dĩ không yên ả giữa Mỹ và Iran đã tiếp tục trở nên “nguội lạnh” vào tháng 5/2018, sau khi Tổng thống D.Trump đơn phương rút khỏi bản thỏa thuận hạt nhân Iran (còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện – JCPOA) và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Đáp lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, tăng giới hạn làm giàu urani vượt mức 3,67% và lượng urani làm giàu thấp vượt ngưỡng 300 kg. Thậm chí nước Cộng hòa Hồi giáo này còn cảnh báo kịch bản sẽ tiếp tục cắt giảm các cam kết hạt nhân ở “mức độ sâu hơn nữa” nếu như các nước còn lại trong JCPOA “thất hứa” và không thể đáp ứng yêu cầu mà Iran đưa ra nhằm bảo toàn các lợi ích của nước này trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Cách đây ít lâu, Đại giáo chủ Khamenei cũng đã tỏ rõ lập trường cứng rắn thông qua việc ra chỉ thị cấm đàm phán với Mỹ cho tới khi các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ.
Báo chí Iran đưa tin, ngày 4/11, Iran đã chính thức khởi động việc bơm gas vào các máy li tâm IR-6 tối tân tại một buổi lễ diễn ra ở cơ sở hạt nhân Natanz, với sự tham dự của Giám đốc Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Iran đã có 60 máy li tâm IR-6, mỗi máy có công suất 10 SWU, giúp nâng tổng công suất làm giàu urani của Iran lên mức 600 SWU./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét