Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

Thực trạng thực hiện dân chủ trong những năm qua ở Việt Nam


          1. Dân chủ trong Đảng
         Việc thực hiện dân chủ trong các mặt hoạt động của Đảng, như công tác lý luận, công tác tư tưởng, công tác tổ chức và cán bộ, công tác kiểm tra, v.v. đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể là:
        Thứ nhất, những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của đổi mới trong 30 năm qua là kết quả của việc thực hiện các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng. Sở dĩ có các chủ trương, đường lối đúng đắn là do có dân chủ thảo luận và Đảng biết lắng nghe ý kiến đóng góp của hàng triệu cán bộ, đảng viên, của các nhà khoa học và của nhân dân.
       Thứ hai, về công tác tư tưởng, Đảng ta đã thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, thuyết phục và vận động quần chúng. Trong thực tế, kết quả của công tác tư tưởng thể hiện ở chỗ: Tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, người dân ngày càng được biết nhiều hơn về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cùng với việc dân biết, dân cũng được bàn bạc và tham gia ý kiến về nhiều việc quan trọng. Nhờ vậy, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhận được sự đồng tình, ủng hộ của quảng đại quần chúng nhân dân.
       Thứ ba, công tác tổ chức, cán bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực: Các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể được sắp xếp lại, kiện toàn theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả. Nhiều chủ trương, quan điểm, giải pháp về công tác cán bộ được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy chế, quy định. Đảng đã triển khai tương đối đồng bộ các khâu đánh giá, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. Công tác tổ chức, cán bộ chuyển hướng theo hướng dân chủ hóa.
       Thứ tư, công tác kiểm tra, giám sát phải thực hiện trong cả hệ thống chính trị, kiểm tra, giám sát từng người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; kiểm tra, giám sát việc chấp hành các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và Nhà nước. Trong thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát được cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng.
       Thứ năm, thực hành dân chủ thông qua các quan hệ trong nội bộ Đảng. Đảng phải gương mẫu thực hành dân chủ không chỉ trong các hoạt động của Đảng, mà cả trong quan hệ nội bộ đảng mà chủ yếu là quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới. Mặt ưu điểm của thực hành dân chủ trong quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới trong nội bộ đảng thể hiện: (1) Sau khi có nghị quyết Đại hội và các hội nghị Trung ương, các cấp dưới thực hiện việc cụ thể hóa nhanh, gọn hơn trước; (2) Nhìn chung các cấp ủy đảng đã thể hiện sự chủ động, năng động cao hơn trong việc tổ chức chỉ đạo thực hiện nghị quyết và đưa nghị quyết vào cuộc sống; (3) Các cấp ủy đảng đã coi trọng công tác tổng kết thực tiễn và kiểm tra việc thực hiện nghị quyết để báo cáo lên cấp trên; (4) Cấp trên đã chịu khó lắng nghe các ý kiến đóng góp của cấp dưới; cấp dưới đã mạnh dạn đóng góp ý kiến phê bình, xây dựng với cấp trên; (5) Cùng với việc kiểm tra từ trên xuống, đã bắt đầu có sự kiểm tra từ dưới lên; (6) Khắc phục được một bước tình trạng cấp trên quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, dọa nạt cấp dưới, đồng thời khắc phục được phần nào tình trạng cấp dưới hối lộ, nịnh bợ cấp trên.
       2. Dân chủ trong Nhà nước
       Dân chủ trong Đảng gắn liền với dân chủ trong Nhà nước. Nói về những thành tựu và hạn chế của việc thực hành dân chủ trong Đảng cũng tức là nói về thành tựu và hạn chế của việc thực hành dân chủ trong Nhà nước. Tuy nhiên, dân chủ trong Nhà nước cũng có những nét đặc thù.
Nhà nước đã tạo những điều kiện thuận lợi để nhân dân nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nắm được các thủ tục hành chính giải quyết các công việc liên quan với nhân dân, biết được quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước về sử dụng đất đai, về dự toán, quyết toán ngân sách, v.v.. Đồng thời, cùng với việc dân biết, dân còn được bàn bạc nhiều việc quan trọng, như những dự án, mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch dân cư, điều chỉnh địa giới hành chính, phương án đền bù giải phóng mặt bằng, v.v..  Nhà nước đều hỏi ý kiến nhân dân.
         Quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân có nhiều tiến bộ trên một số mặt, dần dần thể hiện đúng Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Các cơ quan nhà nước đã từng bước đổi mới tổ chức và hoạt động, thích ứng và tổ chức tốt hơn yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở cửa, hội nhập và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong những năm qua, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã có những tiến bộ nhất định trên cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội có những đổi mới quan trọng trong công tác lập pháp, đã thông qua một số lượng lớn luật, bộ luật, pháp lệnh mới với chất lượng ngày càng được nâng cao, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước và thực hành dân chủ. Tăng cường một bước tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước, tránh được tình trạng ôm đồm, cồng kềnh và quan liêu trước đây, thực hiên sự phân cấp, giảm bớt phiền hà trong bộ máy hành chính. Dần dần thực hiện được tư tưởng quan trọng là tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để bảo đảm dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương; đồng thời, chỉ có thực hành dân chủ mới xây dựng được Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân.
        3. Dân chủ trong xã hội
        Dân chủ trong Đảng, dân chủ trong Nhà nước và dân chủ trong xã hội có liên quan chặt chẽ với nhau, trong đó dân chủ trong Đảng có ý nghĩa quyết định. Nếu dân chủ trong Đảng chưa tốt thì dân chủ trong Nhà nước và trong xã hội cũng chưa thể tốt được.
Nhờ có những chủ trương đúng đắn của Đảng, nhờ việc thể chế hóa của Nhà nước về những chủ trương đó nên dân chủ trong xã hội đã có những bước tiến đáng kể. Điều đó thể hiện:
       Một là, nhân dân ta cảm nhận bầu không khí dân chủ hơn, cởi mở hơn trong xã hội. Ở cơ sở, người dân đã chủ động bàn bạc, tham gia ý kiến, thực hiện quyền làm chủ, bày tỏ chính kiến của mình; đồng thời, tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền, thể hiện tốt vai trò giám sát đối với cán bộ, đảng viên, thẳng thắn góp ý kiến về hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương.
       Hai là, trong 30 năm đổi mới vừa qua, việc thực hành dân chủ trong xã hội đã có những bước tiến căn bản trong các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa và xã hội. Quyền công dân, quyền con người được khẳng định rõ ràng trong Hiến pháp năm 2013. Có thể nói, một trong thành tựu quan trọng của đổi mới là nền dân chủ đang được hình thành, đang đóng vai trò là động lực của sự phát triển xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét