Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2020


ĐẤU TRANH VỚI CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI,
XẤU ĐỘC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG HIỆN NAY
   
Hiện nay, thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những phát triển về dữ liệu lớn, kết nối vạn vật, và trí tuệ nhân tạo đã tác động mạnh mẽ đến xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoài sự phát triển đó với nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội mà đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông đang có tốc độ phát triển vượt bậc.  
Theo thống kê của VNETWORK, năm 2019 dân số Việt Nam đạt mốc xấp xỉ 97 triệu dân có 64 triệu người sử dụng Internet, có tới 58 triệu người dùng mạng xã hội trên thiết bị di động (tính đến đầu năm 2019), số thuê bao điện thoại đã được đăng ký lên tới 143.3 triệu số. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới 6 giờ 42 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet. Báo cáo cũng đề cập thêm, người dùng Việt Nam dùng trung bình 2 giờ 32 phút cho mạng xã hội, 2 giờ 31 phút để xem các stream hoặc các video trực tuyến và dùng 1 giờ 11 phút để nghe nhạc, 94% người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày và 6% là số người sử dụng Internet ít nhất một lần trong tuần. Nhìn vào số liệu thống kê, ta có thể thấy: người dùng Internet ở Việt Nam không tách rời các hoạt động liên quan đến Internet quá một tuần.
Những số liệu thống kê trên thể hiện sự phát triển của xã hội Việt Nam và cụ thể là trên lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông. Song  lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của internet, các trang mạng xã hội và sự tham gia của đông đảo của người dân vào hoạt động mạng internet, các thế lực thù địch đã triệt để, tăng cường đăng tải, trích dẫn, phát tán, chia sẻ các thông tin sai trái để chống phá ta quyết liệt, nhằm tuyên truyền kích động nhân dân bằng các thông tin xấu độc, tin giả. Chúng lợi dụng mạng xã hội để lan truyền nhanh các thông tin phản động có nguồn từ máy chủ đặt ở nước ngoài khó kiểm chứng và các cơ quan chức năng ta khó xử lý, lợi dụng các thông tin thật bức xúc trong xã hội để lồng tin giả, tin xấu độc, phản động . Chúng coi đây là cách thức nhanh nhất, hiệu quả nhất để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, Nhà nước và Quân đội, làm cho Quân đội xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng, hòng “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa”, vô hiệu hóa vai trò của Quân đội, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện cách mạng đường phố, “cách mạng màu”, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, thời gian qua, các thế lực thù địch đưa nhiều thông tin tuyên truyền, luận điệu xuyên tạc về nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa;  bôi nhọ lãnh tụ, nói xấu cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước; đưa các thông tin thất thiệt về kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; xuyên tạc các đường lối chủ trương của Đảng,  nhà nước; đưa thông tin sai lệch về các vấn đề xã hội nổi cộm như chính sách về đất đai, chống tham nhũng tiêu cực, chính sách tôn giáo dân tộc… gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là đối với một bộ phận trí thức và thanh niên, sinh viên - đối tượng thường xuyên tiếp cận với phương tiện này.
Vì vậy, chủ động nắm bắt và định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và toàn thể quần chúng nhân dân, nhất là giới trẻ trước những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trên mạng internet là vấn đề cấp thiết, có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, sự ổn định về chính trị, xã hội đất nước hiện nay. Để đấu tranh làm thất bại âm mưu thủ đoan của các thế lực thù địch trên không gian mạng hiện nay,chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào những vấn đề sau:
Một là, Giáo dục, nâng cao nhận thức của mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhằm đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet
Đây là việc làm phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài nhằm làm thất bại các hành động chống phá của các thế lực thù địch. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền rộng rãi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến mọi người dân; phát huy dân chủ, tôn trọng các ý kiến đóng góp phản biện của nhân dân trong việc đưa ra và thực hiện các chủ trương, chính sách. Giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng làm cho mọi người dân biết được lợi ích của internet trong cuộc sống hiện đại, song cũng hiểu rõ những tác hại, mặt trái của nó, nhất là đối với mạng xã hội để mỗi người dân có một bộ lọc cho mình trước các thông tin giả, tin xấu độc, kích động chia rẽ, lôi kéo của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù; ngăn ngừa mọi sự yếu kém, sai lầm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp lãnh đạo, điều hành Nhà nước. Kiên quyết loại trừ những xu hướng cơ hội, xét lại, hữu khuynh giáo điều, bảo thủ tả khuynh, cũng như mọi biểu hiện sai trái, tiêu cực và tham nhũng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể quần chúng và toàn xã hội. Đẩy mạnh phát triển, xây dựng tiềm lực kinh tế, quốc phòng an ninh vững mạnh, giữ vững ổn đinh xã hội, định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng hợp tác quốc tế đi đôi với tăng cường quyền tự chủ và an ninh quốc gia.
Hai là, Nâng cao cảnh giác; kiên quyết đấu tranh với mọi luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng
Internet là một thành tựu của nền văn minh nhân loại làm thay đổi thế giới giúp kết nối và đưa tri thức nhân loại đến với mọi người trên toàn thế giới... Vì vậy, không thể cấm nhân dân sử dụng internet, khai thác thông tin trong một xã hội thông tin hiện đại. Vấn đề là, chúng ta phải làm sao để người dân luôn cảnh giác và nhận biết được những thông tin giả, thông tin xấu độc và luôn có ý thức không truy nhập, tìm kiếm thông tin sai trái và tác động của nó đối với nhận thức của những người tiếp cận thông tin. Để làm tốt việc này, cần nâng cao kiến thức về mọi mặt, nhất là đối với cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên,… để họ giữ vững bản lĩnh chính trị, có phương pháp xem xét, tiếp cận thông tin một cách đúng đắn, khoa học. Luôn cảnh giác, đấu tranh với những nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các nguồn thông tin ngược chiều với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Bản thân mỗi người có ý thức tự giác, kỷ luật trong quá trình tiếp xúc thông tin; chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin, tích cực đấu tranh chống phao tin đồn nhảm, lưu truyền thông tin xấu, thông tin thất thiệt. Các cơ quan hữu quan, cơ quan chuyên trách cần có biện pháp phân loại thông tin, ngăn chặn cho phù hợp; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất phát những thông tin đó; nếu thấy bất lợi, cần thiết dùng biện pháp kỹ thuật ngăn chặn kịp thời.  Phải đẩy mạnh cung cấp, cập nhật và tích cực truyền bá thông tin chính thống để thỏa mãn nhu cầu và quyền tiếp cận thông tin của nhân dân trong nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài. Đẩy mạnh công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, nhất là các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận. Ngoài ra, nên tăng cường hợp tác văn hóa thông tin với các nước, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế nhưng cần giữ thế chủ động; đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia nhưng không làm tổn hại đến quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.
Ba là, Đẩy mạnh hoạt động trên internet của báo chí, truyền thông
Báo chí, truyền thông là lực lượng đi đầu, công cụ sắc bén trong công tác đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên internet. Thông qua internet, các cơ quan báo chí, truyền thông phải tích cực khẳng định những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam của cách mạng Việt Nam và tính đúng đắn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đội ngũ phóng viên báo chí và cộng tác viên của các cơ quan báo chí, truyền thông là những “chiến sĩ xung kích” trên mặt trận này. Vì vậy, cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức tốt, lối sống trong sáng, lòng dũng cảm, ý chí chiến đấu bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Thể hiện ở những bài viết vạch trần được bản chất, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, góp phần đắc lực vào việc tuyên truyền chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến mọi công dân. Các thông tin được đưa ra và đăng tải trên internet, các trang mạng hay blog phải trung thực, khách quan; cách tiếp cận sự kiện, nêu vấn đề cần phải đứng trên lợi ích lâu dài của đất nước, dân tộc; mang tính xây dựng; nói cái xấu để khắc phục, nêu cái tốt để khuyến khích phát triển. Nhà nước cần xây dựng hệ thống truyền thông phong phú, đa dạng, đảm bảo đủ sức mạnh và khả năng đáp ứng một cách tích cực các nhu cầu thông tin ngày càng tăng của nhân dân.
Bốn là, Huy động mọi cấp, mọi ngành và toàn thể nhân dân tham gia đấu tranh với các thông tin xấu độc, phản động trên không gian mạng
Để chống lại sự chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng, chúng ta cần tích cực, chủ động huy động  mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp nhân dân tham gia tạo nên sức mạnh tổng hợp làm thất bại âm mưu của chúng. Làm sao để mỗi người dân là một “chiến sĩ” trên mặt trận này; các cơ quan đơn vị phải đưa nhiệm vụ đấu tranh trên không gian mạng thành một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; định kỳ đánh giá, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm và biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích, nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo thành phong trào sâu rộng.
Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là  một vấn đề rất cấp bách, quan trọng, đòi hỏi trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành và toàn thể nhân dân, góp phần đánh bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, nhằm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thanh Nguyễn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét