Người dân cả nước vừa thở phào nhẹ
nhõm sau 21 ngày không có ca mới mắc COVID-19, khi xã Sơn Lôi (huyện Bình
Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) vừa thoát khỏi tình trạng phải cách ly y tế, thì một ca
nhiễm mới được ghi nhận tại Hà Nội vào ngày 6/3. Điều đáng nói ở trường hợp mắc
nhiễm của cô gái này là việc bệnh nhân trốn khai báo dịch tễ dù ở vùng dịch
châu Âu trở về, không thực hiện các biện pháp cần thiết theo khuyến cáo của Bộ
Y tế dù có những biểu hiện ban đầu của dịch COVID-19.
Thái độ chủ quan, có phần ích kỷ, tâm lý sợ cách ly của bệnh nhân đã
dẫn tới hậu quả khó lường. Trước mắt, 22 hộ dân với 76 nhân khẩu ở cùng phố
Trúc Bạch, 18 nhân viên y tế ở bệnh viện Hồng Ngọc bị cách ly y tế nghiêm ngặt.
Hàng chục trường hợp, trong đó có người thân của cô gái này, rơi vào tình thế
phấp phỏng lo âu khi có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Rồi những người tiếp xúc
gần với những người gần gũi với bệnh nhân; hơn 200 hành khách và phi hành đoàn
trong chuyến bay VN0054 cũng phải kiểm tra sức khỏe, theo dõi dịch tễ…
Khó có thể thống kê những thiệt hại về kinh tế và công sức của
hàng ngàn, hàng vạn người vì một cá nhân thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Đó là
chưa nói đến sự an nguy của cộng đồng và sự xáo trộn xã hội nếu có thêm nhiều
người mắc COVID-19 từ hành vi vô tình “gieo rắc virus” của bệnh nhân này. Điều
quan trọng là chúng ta cần rút ra bài học chung về trách nhiệm xã hội của mỗi
cá nhân trong cộng đồng, nhất là thời điểm hiện nay khi công tác phòng, chống
dịch COVID-19 đang phải đối mặt với những diễn biến mới nhiều khó khăn, phức
tạp.
Điều 8, Chương I của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm do Quốc
hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 21/11/2007 đã quy
định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh
truyền nhiễm; Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền
nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác
nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Che giấu, không khai
báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy
định của pháp luật; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm;
Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền
nhiễm; Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng,
chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này; Không chấp hành các biện
pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền.
Phòng, chống dịch là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, các cấp chính
quyền nhưng cũng là nhiệm vụ của toàn dân, của mỗi cá nhân.
Trước hết, mỗi người có thể “đánh giặc dịch” bằng cách cơ bản mà
thiết thực nhất là tự bảo vệ mình, người thân và những người sống xung quanh –
giữ gìn vệ sinh để không lây bệnh từ người khác và khi mình nghi bị mắc bệnh
thì tránh hết sức để không lây cho người khác bằng cách thực hiện nghiêm túc
việc tự cách ly và cách ly, theo dõi y tế, chấp hành đúng các yêu cầu của các
cơ quan chức năng về phòng, chống dịch.
Virus SARS-CoV-2 với đặc tính không tồn tại lâu ở ngoài môi trường
tự nhiên và không thể sinh sản ở ngoài cơ thể vật chủ, do vậy khi không đủ
nguồn lây, dịch sẽ tự tắt.
Đồng hành cùng Chính phủ chống “giặc dịch” cũng có thể bằng cách
hết sức đơn giản – không đưa lên mạng những thông tin chưa được kiểm chứng,
kiên quyết từ chối bấm nút “thích” hay chia sẻ những thông tin gây hoang mang
dư luận.
Hiện nay, khi ca nhiễm thứ 31 được ghi nhận thì đây chính là thời điểm để mỗi người dân cần
đồng hành cùng Chính phủ, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng đối phó
với dịch COVID-19 thay vì hoảng loạn.
Sự hoảng loạn của số đông có thể làm cho mối nguy cơ của dịch bệnh
tăng theo cấp số nhân. Chẳng hạn, việc mua vét, tích trữ khẩu trang, dịch sát
trùng ở ngoài vùng dịch, những nơi ít bị dịch bệnh đe dọa, khiến cho những
người có nhu cầu thực sự lại không thể tiếp cận với phương pháp phòng dịch tối
thiểu và cơ bản. Chính quyền phải lo xử lý những hệ lụy của sự xáo trộn xã hội,
nạn khan hiếm lương thực – thực phẩm giả tạo, mà không thể tập trung mọi nguồn
lực cho việc phòng, chống dịch.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã nêu rõ: “Lãnh đạo thành
phố chia sẻ lo lắng với người dân, nhưng lo lắng phải bằng hành động thực tế,
tự bảo vệ mình và gia đình bằng cách chủ động thông báo sức khỏe với cơ quan
chức trách chứ không nên hoảng sợ, lo lắng quá mức”. Bí thư Thành ủy Hà Nội
cũng cho biết, lãnh đạo thành phố đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp cung
ứng thực phẩm và họ cam kết đảm bảo cung cấp đủ nguồn hàng. Thành phố đủ nguồn
hàng cung cấp cho dân, vì thế người dân không phải tích trữ thực phẩm, bởi việc
xếp hàng mua thực phẩm quá đông khiến nguy cơ lây nhiễm cao.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như cộng đồng quốc tế đã ghi nhận
những nỗ lực phòng, chống COVID-19 của Việt Nam khi dịch mới khởi phát, khi
Việt Nam phát hiện và chữa khỏi 16 trường hợp mắc bệnh. Từ vạch xuất phát thuận
lợi đó, cộng thêm sự đồng hành của người dân cùng Chính phủ, chính quyền các
cấp và cơ quan chức năng, thì khả năng chiến thắng “giặc dịch” của chúng ta sẽ
là điều không phải nghi ngờ!.
Đa20
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét