Trước khi cả đất nước được độc lập năm 1975, Trung
Quốc đã tấn công quân đội Việt Nam cộng hòa (VNCH) và xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19.01.1974. Sự kiện
này Mỹ đã phớt lờ cho dù Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho 4 phi đội tiêm
kích F-5 bay từ Biên Hòa ra Đà Nẵng (mỗi phi đội có 24 tiêm kích) kết hợp với 1
phi đội ở Đà Nẵng để chuẩn bị giành lại Hoàng Sa. Nhưng lệnh tác chiến không được
ban ra, dù các phi công đều đã tuyên bố sẵn sàng chết để giành lại lãnh thổ đất
nước. Bởi vì, Tháng 2.1972, Mỹ đã thỏa ước với Trung Quốc tại Bắc Kinh cùng đưa
ra tuyên bố chung phản đối "bá quyền" tại châu Á - Thái Bình Dương. Đến
năm 1973, Trung Quốc và Mỹ mở “văn phòng liên lạc”, chẳng khác gì đại sứ quán
ngoại trừ cái tên, nhằm bình thường hóa quan hệ. Mỹ đã ký kết Hiệp định Paris
cũng trong năm 1973, chấp nhận rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, một động thái
đã tiên liệu miền bắc Việt Nam sẽ chiến thắng, nên không can dự đến vấn đề
tranh chấp chủ quyền của VNCH. Việc Mỹ
“làm ngơ” cho Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm Hoàng Sa tạo ra sự thù địch
giữa Hà Nội và Bắc Kinh, dẫn đến sự chia rẻ giữa các nước cộng sản. Đến nay, giữa
Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn tồn tại tranh chấp chủ quyền biển đảo tại biển
Đông.
Mất đi Hoàng Sa vào năm 1974
(cũng như mất Gạc Ma vào năm 1988), và cùng với đó chúng ta đã mất đi vị trí
chiến lược bảo vệ đất nước từ biển, mất đi những người con của dân tộc đã hy
sinh trong những trận hải chiến đó, là nỗi đau lớn cho Việt Nam. Đó là bài học
về một phần cái giá phải trả khi Việt Nam bị chia cắt, ở trong thế yếu bị các
cường quốc lớn chi phối, kinh tế yếu kém, không có sự quan tâm và chuẩn bị đúng
mức để bảo vệ được đảo. Lịch sử Việt Nam cũng cho thấy dù có 1.000 năm Bắc thuộc,
đến cuối cùng ông cha ta cũng khôi phục lại được độc lập cho Việt Nam. Nhưng những
điều đó thành hiện thực là do những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi, ngọn lửa ý
chí được nuôi dưỡng và được truyền qua các thế hệ.
Bởi vậy cho dù đó là công cuộc lâu dài, chúng ta không giây phút
nào được trễ nải hay có suy nghĩ rằng hãy gác lại để thế hệ sau làm tiếp. Luật
quốc tế hiện đại đòi hỏi danh nghĩa chủ quyền cần phải được duy trì liên tục.
Chỉ cần có những hành động hay tuyên bố biểu lộ sự thiếu quan tâm đối với chủ
quyền Hoàng Sa-Trường Sa, Việt Nam sẽ bị mất đảo vĩnh viễn một cách hợp pháp.
Trách nhiệm của mỗi thế hệ là bảo vệ toàn vẹn và làm mạnh hơn lập luận pháp lý
của Việt Nam, trách nhiệm với tiền nhân và hậu thế, giảm nhẹ gánh nặng cho con
cháu của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét