Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA MỖI CÔNG DÂN


Thông tin Trung Quốc đưa tàu vào gây hấn ở vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam đã râm ran trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội. Đây đó cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều chê bai báo chí và cơ quan chức năng của Việt Nam “chậm chân”, “che giấu thông tin”, thậm chí có người còn nặng lời cho rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam là “nhút nhát”, là “không quan tâm đến lợi ích quốc gia” khi để chủ quyền trên biển bị xâm phạm… Thế nhưng, có ai biết rằng, đó là thời gian chúng ta đã tận dụng tất cả các kênh khác nhau để tiếp xúc với phía Trung Quốc, “trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ 2 nước và ổn định, hòa bình ở khu vực” như lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nói.

      Không chỉ gây sự trên biển theo kiểu bá quyền nước lớn, Trung Quốc còn lu loa trên các diễn đàn, dùng truyền thông để vu vạ Việt Nam xâm phạm vùng biển của họ, gây hiểu nhầm cho dư luận trong nước và quốc tế, mặc dù khu vực bãi Tư Chính cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) hơn 600 hải lý, tức gấp 3 lần vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Trong khi địa hình thềm lục địa khu vực này cho phép Việt Nam được quyền mở rộng ngoài 200 hải lý đến vị trí mà Ủy ban Ranh giới thềm lục địa khuyến nghị.
      Trên thực tế, các báo cáo quốc tế đều khẳng định rằng, khu vực bãi Tư Chính-Vũng Mây hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam (chứ không phải trên thềm lục địa Trường Sa). Vùng biển này đã được xác định bởi Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tháng 5-1977 và được khẳng định trong Luật Biển Việt Nam 2012.
       Cực chẳng đã, chúng ta mới phải lên tiếng gọi đích danh, yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi khu vực bãi Tư Chính và chấm dứt các hành động khiêu khích, cản trở hoạt động khai thác kinh tế hợp pháp của Việt Nam.
      Những gì họ làm hôm nay, họ đã làm trước đó nhiều lần như kiểu cắt đứt cáp của tàu thăm dò dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển nước ta để thăm dò. Mới đây, họ cũng đã ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia trên thềm lục địa của nước này. Trung Quốc đang rắn lên để khẳng định quyền kiểm soát tuyệt đối “sân sau của mình”, gây sức ép để các nhà thầu nước ngoài rút lui khiến các nước trong khu vực bắt buộc phải chấp nhận sáng kiến gác tranh chấp cùng khai thác của họ.
      Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ liên quan đến biển khiến các nước nhỏ như Việt Nam sẽ luôn ở thế yếu hơn và đi sau bởi thiếu năng lực và nguồn lực để đầu tư nghiên cứu và triển khai các công nghệ hiện đại. Vì vậy, đòi hỏi Chiến lược biển mới của Việt Nam cần thay đổi tư duy, chú trọng vào việc nghiên cứu khoa học công nghệ để không chỉ giúp khai thác tốt nguồn lợi từ kinh tế biển mà còn góp phần bảo vệ môi trường biển và gìn giữ an ninh, chủ quyền quốc gia, để Việt Nam phát triển mạnh từ biển, giàu từ biển.
      Biển Đông “nóng” lên là mối quan tâm của tất cả mọi người. Nhưng cần lắm một cái đầu “lạnh” bình tĩnh gìn giữ môi trường hòa bình để phát triển. Bởi một khi chiến tranh xảy ra thì tất cả đều thua! Thể hiện tình yêu nước là điều đáng trân trọng của mỗi công dân. Thế nhưng, nhân danh lòng yêu nước để xuyên tạc đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước và chiến lược gìn giữ chủ quyền quốc gia là điều không nên. Tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng về quốc phòng là cách thể hiện lòng yêu nước có trách nhiệm. Bởi lẽ, ai cũng phải thừa nhận rằng, gần 9 thập kỷ đồng hành cùng dân tộc, sự tồn vong của dân tộc, sự hưng thịnh của quốc gia luôn là mục tiêu sống còn của Đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét