NHẬN DIỆN VỀ CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Trong đấu tranh chống "DBHB", việc nhận diện chính
xác đối tượng đấu tranh, tức "các thế lực thù địch" có ý nghĩa vô
cùng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Biết địch, biết ta, trăm trận
trăm thắng". Biết địch là ai, âm mưu, thủ đoạn của nó thế nào, là cơ sở để
chúng ta tìm ra cách thức, biện pháp chế ngự điểm mạnh, khai thác điểm yếu để
đánh bại chúng.
Quan niệm "các thế lực thù địch" được hiểu là
"các cá nhân hay tổ chức, nhà nước hay phi chính phủ, hợp pháp hay bất hợp
pháp, ở trong nước hay ở nước ngoài... có mưu đồ chống phá Chế độ XHCN, phá hoại
chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc
và thành quả cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam". Khi
nhận diện "các thế lực thù địch" ở nước ta hiện nay, cần lưu ý 3 vấn
đề:
Một là, "tiêu chí" để phân biệt "thù địch"
và không phải "thù địch". Tiêu chí này được xác đinh trên cơ sở bản
chất của đấu tranh chống "DBHB" là cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh
dân tộc. Vì thế quan điểm, lập trường chính trị là là "dấu hiệu" đặc
trưng, là "tiêu chí" phân biệt đâu là "thù địch" và không
phải "thù địch". Song cần hết sức tỉnh táo, bởi chính trị là vấn đề rộng
lớn, rất phức tạp. Do đó cần phân biệt và khoanh rõ, những tư tưởng, hành vi
chính trị phục vụ mục đích lật đổ Đảng Cộng sản, xoá bỏ chế độ XHCN, đi ngược lại
lợi ích cơ bản của quốc gia - dân tộc và cách mạng mới được coi là thuộc
"thế lực thù địch". Còn những bất đồng, chưa đồng thuận về một số vấn
đề nào đó trong nội bộ Đảng, Nhà nước, trong nhân dân, thậm chí trong gia đình,
nhóm xã hội, thì không thể quy kết là "thế lực thù địch" để rồi đấu
đá triệt hạ lẫn nhau.
Hai là, thấy rõ vấn đề "ý thức hệ" khi nhận diện về
"các thế lực thù địch". Đất nước ta hiện nay đã và đang đi theo con
đường CNXH, vì thế hầu hết các nước tư bản chủ nghĩa đều không "mặn
mà" với chúng ta. Bề ngoài, họ có thể nói "tôn trọng thể chế chính trị,
định hướng phát triển của Việt Nam", song thực chất bên trong họ đều muốn
chuyển hoá, hướng lái Việt Nam theo mô hình chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, trong
quan hệ quốc tế ở thời đại toàn cầu hoá hiện nay, chúng ta cần quán triệt phép
biện chứng giữa đối tượng và đối tác để tránh mơ hồ về chính trị, tránh lẫn lộn
ta - địch, có đối sách thích hợp "thêm bạn, bớt thù".
Ba là, trong thành phần "các thế lực thù địch", cần
đặc biệt quan tâm đến "thành phần thứ 3" như Đảng ta đã xác định, đó
là thành phần nguy hiểm nhất. Sở dĩ nói như vậy, là bởi thành phần này vốn nằm
trong nước, trong hệ thống chính trị. Đó là những phần tử thoái hoá biến chất về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trở thành những kẻ cơ hội. Chúng vốn là
những kẻ nằm trong nội bộ ta, có chức, có quyền, nhiều kẻ lắm tiền do tham ô,
tham nhũng mà có. Chính thành phần này thực hiện "tự diễn biến",
"tự chuyển hoá" trong nội bộ ta, là nội ứng của "DBHB".
ĐÌNH
QUANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét