Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

CHUYỆN “VẬN ĐỘNG HÀNH LANG” HAY LÀ “CHẠY”



Như để thử xem việc quán triệt các văn bản, chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định của trên cũng như thăm dò về hiểu biết về chuyện xã hội của mọi người trong tập thể thế nào, nhân lúc rảnh rỗi, anh Ngố là người cùng làm việc với chúng tôi nẩy ra một ý tưởng là lạ, đưa ra cùng tranh luận: chuyện “vận động hành lang” hay là “chạy” mà đôi khi đài, báo có nói đến.
Sự hiểu biết của mọi người trong tập thể chúng tôi về chuyện này xem ra cũng chẳng ngọn ngành gì. Mỗi người góp một ý, cuối cùng vấn đề chỉ dừng lại ở mức độ tàm tạm. Đó là việc tìm cách tiếp cận với một vài yếu nhân nào đó để qua họ có thể tác động tới một quyết sách về chính trị, kinh tế,... đặc biệt là việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng sắp tới; tính sao cho có lợi cho mình nhất. Có điều “vận động hành lang” thường là hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và chỉ diễn ra ở một số nước phương Tây.
Nghe chúng tôi luận giải, anh Ngố phán rằng: đúng, song mới đúng một nửa. “Vận động hành lang” đâu phải là cái gì xa lạ; hiện nay nó đã trở thành chuyện thường ngày, lúc ẩn, lúc hiện với nhiều “nhãn mác” khác nhau, khi là cảm ơn, chúc tụng, hỏi thăm, có lúc chỉ là điều tâm sự... Nếu vì mục đích tình cảm thì lại là một nhẽ, nhưng đa phần mục đích thực sự đằng sau chỉ là chuyện nhờ vả, chạy... Nhà riêng của anh làm công tác phân phối đất, nhà ở hay nhà của chị giữ trọng trách về đề bạt, bổ nhiệm, nâng lương, xét biên chế... thường ngày khách khứa vào ra cũng chỉ như bao nhà khác, nhưng sẽ nhộn nhịp lạ thường cứ mỗi dịp xét lên cấp, lên lương, làm biên chế, nhất là cân nhắc, bố trí sắp xếp vị trí vào cấp ủy nhiệm kỳ tới... Nhiều người trong số ấy ắt hẳn phải vất vả lắm vì chuyện hỏi thăm lên xuống để tìm ra nơi mình cần đến. Những lời chúc tụng, hỏi thăm tuy có vồn vã, toàn những lời hay, ý đẹp, song vẫn nặng về phép tắc xã giao; chỉ có những điều nhờ vả, cậy xin (chạy)... xem ra là rất thật! Theo anh Ngố: những việc làm ấy nếu gọi là việc “vận động hành lang” - “chạy” quả là rất đúng nghĩa làm sao? Chỉ có điều chuyện “vận động hành lang” - “chạy” ở nước ta chưa pháp luật cho phép, mà cũng không có một lực lượng, cơ quan hay cấp ủy nào mà kiểm soát hết cho được!
Mọi người nghe những điều anh Ngố nói đều cho là: có lý! Có người còn nhanh nhẩu bổ sung vào: được cái người Việt Nam vốn ưa giản dị nên đã thay cái khái niệm “vận động hành lang” mà một số nước phương Tây hay dùng bằng chỉ một từ “chạy!”. Trong bất cứ lĩnh vực nào, cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng xuất hiện quá nhiều cái phải chạy: chạy đất, chạy nhà, chạy trường, chạy điểm; chạy văn bằng, học vị, chạy cô-ta, chạy dự án, chạy án, chạy tội, chạy danh hiệu, chạy khen thưởng, chạy chức chạy quyền, chạy phiếu bầu,... Có cái xem ra không hẳn là “chạy” nhưng vẫn là tranh thủ, vận động ngầm cho mình hoặc cho người thuộc cánh hẩu của mình được vào một vị trí “đắc địa” nào đó mỗi khi có bầu bán, cất nhắc...
Mỗi người chỉ mới đưa đẩy một vài lời mà nghe như chuyện “vận động hành lang” hay là “chạy” xem ra đã thiên hình, vạn trạng rồi. Điều suy ngẫm có lẽ chung nhất của mọi người khi kết thúc cuộc tranh luận là: chuyện “chạy” ở ta bây giờ không chỉ dừng lại ở việc lo “miếng cơm manh áo” hay lo công việc, học hành thuần tuý nữa mà phần nhiều đã nhuốm màu tiêu cực. Chuyện “chạy” xem ra chỉ như là thường tình; song nhiều khi nó đã làm đảo lộn cả những điều phải trái, đạo lý... Một khi những tiêu cực đó xâm nhập vào bộ máy điều hành các cấp thì hậu quả sẽ khôn lường. Điều nghịch lý là rất nhiều người đâu có muốn “chạy” nhưng tình trạng “chạy” vẫn tiếp tục gia tăng. Có chặn đứng được tình trạng tiêu cực từ việc “vận động hành lang” hay là “chạy” như cách ta thường nói hay không, đó không còn là vấn đề nhỏ đối với xã hội nữa rồi. Hy vọng, đồng thời cũng là điều tin tưởng của mọi người là: nếu mỗi chúng ta có ý thức và trách nhiệm đúng với hiện tượng đó, cùng với những nỗ lực và quyết tâm của toàn Đảng, Nhà nước và toàn dân thực hiện tốt Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thay mặt Bộ Chính trị, đã ký ban hành Ngày 23/9 vừa qua, nhất định xã hội ta sẽ lành mạnh, trong sáng hơn. Nhiều người trong chúng ta sẽ thoát khỏi nỗi ám ảnh phải “chạy”, phải bắt buộc dạo trên những “hành lang” ngoằn ngoèo, ngoắt ngoéo nữa

























NHẬN DIỆN VỀ CƠ HỘI CHÍNH TRỊ, CHỐNG CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN
Cơ hội chính trị là 1 hiện tượng xã hội xuất hiện cùng với quá trình xã hội loài người phân chia thành giai cấp, hình thành nhà nước. Trong xã hội phong kiến, bên cạnh các đấng Minh Quân, quần thần thanh liêm thì cũng luôn xuất hiện những kẻ “quan lộ” bằng thủ đoạn không chính danh, với bề ngoài luôn tỏ ra là trung thần, ái quốc. Cơ hội chính trị với tính cách là một chủ nghĩa (Opportunnism), có hệ thống lý luận thì phải đến khi chủ nghĩa Mark hình thành, truyền bá rộng rãi trong phong trào công nhân. Chủ nghĩa cơ hội núp dưới vỏ bọc “phát triển chủ nghĩa Mark để áp dụng vào điều kiện cụ thể ở châu Âu”, nhưng thực chất là cải lương, xuyên tạc, chống chủ nghĩa Mark, bảo vệ cho chủ nghĩa tư bản. Khi những kẻ cơ hội (Becstanh, Cauxky) nắm được quyền lực tại Quốc tế II (sau khi Ph.Ăngghen mất), chúng đã biến tổ chức Quốc tế cộng sản này thành tổ chức cải lương, thành công cụ của giai cấp tư sản, cổ vũ cho Thế chiến I. Ngoài chủ nghĩa cơ hội có hệ thống lý luận và tổ chức, thì cũng xuất hiện khá nhiều và thường xuyên những phần tử cơ hội chính trị trong phong trào cộng sản, trong hệ thống chính trị và các thành phần xã hội của các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Nhận định về những phần tử cơ hội chính trị, theo C.Mark đó là những kẻ: “dốt nát về lý luận, nhưng lại giàu có về thủ đoạn”. Còn theo V.I.Lênin cơ hội chính trị “nó mang tính chất không rõ ràng, lờ mờ và không thể nào hiểu được...”.
Thực chất của cơ hội chính trị biểu hiện ở 2 đặc trưng: Một là, thái độ chính trị không rõ ràng “gió chiều nào che chiều nấy”. V.I.Lênin gọi đó là những “con rắn nước”, luôn tìm mọi cách để cầu lợi trước mắt. Hai là, xem xét trong hệ thống chính trị và trong xã hội xã hội chủ nghĩa, cơ hội chính trị biểu hiện ở hai khuynh hướng đối lập: (1) Cơ hội “hữu khuynh”, bản chất là tìm cách phủ định vai trò giai cấp công nhân nắm quyền lãnh đạo cách mạng; (2) Cơ hội “tả khuynh”, chủ trương cực đoan, phiêu lưu, thể hiện duy ý chí, sùng bái bạo lực trong tiến hành cách mạng. Hai khuynh hướng trên, bề ngoài có vẻ đối lập nhau, song đều có điểm chung là tìm cách phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Trước đây, khi cách mạng còn trong trứng nước, thời kỳ Đảng mới ra đời, vào những năm 30 của thế kỷ trước, những kẻ cơ hội chính trị nổi lên như một thế lực chống phá Đảng quyết liệt từ bên trong, nhưng chúng ta đã sớm nhận diện, phát hiện, phê phán đến cùng, đấu tranh quyết liệt và đã loại chúng ra khỏi đời sống chính trị. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, những kẻ cơ hội chính trị mà người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta ví như “con lươn, con chạch” không dễ nhận diện, vạch mặt chỉ tên một cách chính xác, vì những đối tượng này thường có những lời nói, cử chỉ, hành vi rất tinh vi, nếu ai không tỉnh táo thì dễ bị họ lấy lòng, mua chuộc.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 123 tổ chức đảng và 7.923 đảng viên vi phạm; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái. Đặc biệt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 1 tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thi hành kỷ luật Đảng trên 53.000 đảng viên vi phạm và xử lý hình sự hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Để phòng ngừa, ngăn chặn những kẻ cơ hội chui vào cấp ủy khóa mới và bộ máy công quyền, các cấp ủy, tổ chức đảng phải thực hiện đầy đủ, tuân thủ nghiêm túc, chấp hành triệt để các chỉ thị, quy định của Đảng về công tác cán bộ; trước hết cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải bảo đảm tính dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng trong nhiệm kỳ tới.
Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” nêu rõ: “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”. Kết luận số 55-KL/TW ngày 15-8-2019 của Ban Bí thư “Về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng”, trong đó cảnh báo một số nơi cấp ủy viên, ủy viên thường vụ, người đứng đầu cấp ủy còn đủ điều kiện tái cử có hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm; đồng thời yêu cầu không đưa vào cấp ủy khóa mới những người có biểu hiện “thiếu tích cực trong công tác, sợ trách nhiệm, dĩ hòa vi quý”. Đặc biệt, ngày 23-9, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền: có 15 điều quy định rất cụ thể
Lơ là, mất cảnh giác với những kẻ cơ hội cũng là một tội ác đối với Đảng, với nước, với dân. Do vậy, các cấp ủy, ban thường vụ, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải hết sức tỉnh táo với những đối tượng “nói hay, diễn giỏi, hùng biện khéo” và tìm mọi cách “vòng vèo” để lọt vào cấp ủy khóa mới với động cơ háo danh, vụ lợi. Vì vậy việc nhận diện và đấu tranh chống cơ hội chính trị luôn là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết; làm tốt việc này cũng chính là hoàn thành tốt công tác chuẩn bị nhân sự, góp phần tích cực cho sự thành công cho Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét