CẢNH GIÁC
VỚI BỆNH CÔNG THẦN VÀ KIÊU NGẠO CỘNG SẢN
Bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản là những thói hư
tật xấu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn
mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tránh những căn bệnh công thần, kiêu
ngạo, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt cuộc đời, khi đương chức cũng như khi
nghỉ hưu. Thế nhưng, vẫn có những người xao nhãng, để những căn bệnh ấy không
chỉ làm méo mó hình ảnh, nhân cách, vinh quang của chính họ mà còn tạo ra dư
luận xấu, ảnh hưởng đến niềm tin, tình cảm của nhân dân, đồng đội...
Có cán bộ cấp cao lúc nghỉ hưu vẫn không giữ được mình, có
nhiều sai phạm ảnh hưởng đến thanh danh họ, như cựu quan chức mạt sát cảnh sát
giao thông; cựu bộ trưởng đòi đặc quyền đặc lợi... Đáng buồn hơn, có cả cán bộ
kinh qua rèn luyện, cống hiến, lập nhiều chiến công nhưng lúc nghỉ hưu lại
thiếu tỉnh táo, nói và viết không đúng đường lối quan điểm của Đảng; tiếp xúc
với nhiều đối tượng cơ hội chính trị, thậm chí cả đối tượng phản động, bị chúng
lợi dụng, kích động, dẫn đến tán phát nhiều thông tin xấu, gây hoang mang, bức
xúc trong dư luận. Trước góp ý chân thành của đồng chí đồng đội, những người này
lại không tiếp thu, sửa chữa, cho rằng cách nghĩ, cách làm của họ mới là cấp
tiến, là “trở về với nhân dân”.
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ II
của Đảng năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến bệnh công thần: “Cậy mình có
một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công
thần” của Đảng. Theo Người: “… Có những người cậy mình là “công thần cách
mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết
của Đảng...”.
Soi rọi những lời căn dặn trên vào các biểu hiện mắc
bệnh của một số cán bộ, có thể thấy rất rõ những điều các bậc tiền bối cách
mạng căn dặn dường như đã nói đúng, nói trúng tim đen của ai đó xa rời đạo đức,
danh dự người cộng sản chân chính. Người cộng sản cần có dũng khí để đấu tranh
với những điều sai trái, những thói hư tật xấu trong xã hội nhưng phê bình phải
trên tinh thần xây dựng, phải có cái tâm.
Đã là người cộng sản, là đồng chí, đồng đội, thì khi
góp ý, phê bình phải với tinh thần người cộng sản, đồng chí, đồng đội chứ không
thể bịa đặt thông tin, đổi trắng thay đen, gây hoang mang, suy giảm niềm tin
của nhân dân. Càng không thể phê phán khi chính mình chưa đủ tâm, đủ tầm, đủ
thông tin và nhận thức về những lĩnh vực mình còn nông cạn, chưa trải nghiệm.
Không thể chấp nhận những kiểu phê bình tùy tiện như biến người từng trải
nghiệm, kinh qua chiến đấu, được đào tạo bài bản, có trình độ, năng lực chỉ huy
quân sự cao thành người “không hiểu quân sự, không qua chiến tranh”. Không thể
phê bình kiểu thầy bói xem voi phủ nhận cả thành tích, nỗ lực của toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân bằng ý kiến chủ quan, lệch lạc.
Đây cũng là vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa
XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề cập, chỉ rõ để mỗi cán bộ, đảng viên
không sai phạm. Nghị quyết chỉ rõ, những biểu hiện suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức lối sống có việc nói và viết không đúng với quan điểm,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với
làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói
ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về
nghỉ hưu... Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm
của Đảng, Nhà nước, quân đội; Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ
tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội.
Nghị quyết cũng không cho phép “kích động tư tưởng bất
mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử
dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi
nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong
cán bộ, đảng viên và nhân dân. Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản
động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm
đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà
nước...”.
Vì vậy, một vài hiện tượng cán bộ nghỉ hưu gần đây
giao lưu, cấu kết với các thế lực phản động hoặc bị chúng lợi dụng để xuyên
tạc, chống phá, tán phát thông tin sai sự thật trên mạng xã hội là điều không
thể chấp nhận, chính là việc vi phạm Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng;
vi phạm pháp luật về tội vu khống, nói xấu, bôi nhọ danh dự, tuy tín của
người khác và phải chịu trách nhiệm hình sự về việc làm đó.
Vũ Đại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét