Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

Nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực đấu tranh, ngăn ngừa cổ súy tư tưởng dân chủ cực đoan

Nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực đấu tranh, ngăn ngừa cổ súy tư tưởng dân chủ cực đoan
Hiện các tổ chức cơ sở đảng đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị đại hội và tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trên các diễn đàn mạng xã hội (MXH) lại xuất hiện những luận điệu nhảm nhí, cổ súy, tuyên truyền chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam của những kẻ cuồng tín, tôn thờ tư tưởng dân chủ, cực đoan, bất đồng chính kiến với Nhà nước thông qua các bài viết. Trong đó có bài “Vài suy nghĩ trước thềm Đại hội XIII” và một số bài bình luận về các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
Đáng chú là, những bài viết với những luận điệu nhàm chán, không có gì mới nhưng khi xuất hiện lại nhận được hàng chục lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận của người theo dõi với những từ ngữ cực đoan, phản động, thể hiện nhận thức lệch lạc, méo mó, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây là hiện tượng rất nguy hiểm, giống như thứ vi-rút độc hại lan truyền trong xã hội, ngấm vào tâm can con người, dẫn tới những hệ lụy khó lường, thúc đẩy “tự diễn biến, “tự chuyển hóa”, ảnh hưởng đến sự ổn định đất nước.
Khi xem những bài viết này thì những nội dung ở trong đó chẳng có gì mới so với sự đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta từng ngày, từng tháng. Tuy nhiên, điều lo ngại ở đây là, trong số những kẻ tự khoác áo dân chủ cực đoan ấy lại có cả các trí thức, nhà khoa học có thâm niên cống hiến đã về nghỉ hưu, những người đã từng ăn cơm dân, được Đảng nuôi dưỡng học hành để phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Vì họ là những người có ít nhiều ảnh hưởng đến xã hội nên không lạ gì khi những bài viết của họ lại được nhiều người đọc, chia sẻ và bình luận. Và biết đâu trong đó những tài khoản chia sẻ, bình luận ấy có cả cán bộ, đảng viên, công chức đang công tác trong các cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương, những người từng biết, từng kết bạn với những nhà “tư tưởng dỏm”. Bởi có một thực tế là rất khó có thể xác định được danh tính những lời bình luận trong “ngôi nhà ảo” trên internet.
Từ lâu, những nội dung chất chứa trong các bài viết chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực, thù địch phản động và cả của những nhà “tư tưởng dỏm” ở trong nước đã không còn quá lạ lẫm với xã hội Việt Nam. Điều mới mẻ dễ thấy là mỗi khi có một vụ việc tiêu cực nào đó được đưa ra ánh sáng là chúng chộp lấy, khoét sâu và quy chụp cho đó là bản chất, là lỗi hệ thống. Ví dụ như việc ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông bị truy tố là họ chộp lấy, rồi vội quy kết ngay rằng, nguyên nhân chính là do Đảng dung nạp và sử dụng toàn những cán bộ, đảng viên vụ lợi, thiếu đức, thiếu tài...  
Một trong những chiêu thức vô cùng nguy hiểm mà các nhà “dân chủ dỏm” hướng tới là kêu gào thúc đẩy hình thành “xã hội dân sự” theo mô thức phương Tây. Núp dưới chiêu bài “dân chủ hóa”, họ câu kết để hình thành “kênh phản biện” và cho ra đời các tổ chức đối trọng với các cơ quan, tổ chức trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, đòi giám sát hoạt động của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Họ lợi dụng các diễn đàn tư tưởng, thông qua hoạt động hợp tác, nghiên cứu khoa học,... để tuyên truyền về “xã hội dân sự”, đề cao dân chủ tư sản, nhằm chuyển hóa lập trường, tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Tuy nhiên có một thực tế là, việc đấu tranh với những bài viết có tư tưởng lệch lạc và phản động ấy của chúng ta lại chưa hiệu quả và cá biệt có một số cán bộ, đảng viên còn thờ ơ với việc đấu tranh này.
Chúng ta đã biết, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất cứ xã hội nào cũng tồn tại những kẻ “bơi ngược”, chống đối với nhiều cách thức, chiêu bài, trong đó có hiện tượng đấu tranh dân chủ cực đoan. Đó là những đối tượng luôn ảo tưởng, khẳng định những nhận định của họ là đúng và theo đuổi mục tiêu đến cùng. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà họ nuôi trong mình những tư tưởng trái ngược với nền tảng tư tưởng chính trị, thể chế nhà nước cũng như nhận thức chung của toàn xã hội. Ở Việt Nam, họ tìm đến nhau để có “tiếng nói chung”, kết bè, kết bạn, thảo luận những vấn đề to lớn liên quan tới vận mệnh quốc gia mà chẳng có gì để bảo đảm ngoài vỏ bọc “yêu nước, thương dân”, “dân chủ, nhân quyền”. Theo các nhà khoa học, tư tưởng cực đoan có thể lây lan nhanh trong xã hội nếu không có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Do vậy, để không bị nhiễm độc bởi những tư tưởng lệch lạc, đồng thời không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và đặc biệt là để luôn có được động cơ làm việc đúng đắn, hướng tới sống tốt, cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì rất cần có những giải pháp căn cơ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên ở mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương.
Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là phải quán triệt phương châm chỉ đạo trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là: Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; và để “chống” có hiệu quả, Nghị quyết đã chỉ rõ phải: “Chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị”.
Cần tích cực, chủ động trong công tác tuyên truyền để thu hút cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia đấu tranh trên cơ sở hiểu rõ bản chất của những kẻ dân chủ cực đoan, đặc biệt là về âm mưu, thủ đoạn và các biện pháp tiến hành. Các cấp ủy cần quán triệt tình hình, thông báo, dự báo sát mọi thủ đoạn của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, có đối sách thích hợp để vạch trần, chứng minh, bác bỏ những luận điệu vu khống, bịa đặt.
Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ đồng thời phải phân tích làm rõ bản chất vấn đề, giúp mọi người trong xã hội luôn nêu cao cảnh giác. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có hành vi tiếp tay, chia sẻ, bình luận các bài viết phản động, làm tổn hại lợi ích của xã hội, lợi ích của Nhân dân.
Cơ quan chức năng cần kiểm tra, duy trì và thực hiện tốt Luật An ninh mạng đã ban hành, trong đó nổi bật là kiên quyết xử lý các mạng xã hội cố tình dung túng, chứa chấp các nội dung bịa đặt, phản động.
Trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang rã sức thi đua xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ và giàu mạnh, vì hạnh phúc của Nhân dân thì những kẻ “chọc gậy bánh xe” ở cả trong và ngoài nước lại tăng cường tuyên truyền, đặt điều, nói xấu và vu khống, xuyên tạc đường lối đổi mới và cả những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng vag Nhà nước ta. Vì vậy, nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ vững trận địa tư tưởng, tham gia mạng xã hội một cách thông minh, xây dựng đoàn kết nội bộ và đoàn kết toàn dân tộc chính là phương cách tốt nhất để đấu tranh với các thủ đoạn tuyên truyền của những nhà “dân chủ dỏm”.
Tham gia thế giới ảo có bản lĩnh và chừng mực chính là cách tốt nhất để không vô tình trở thành phương tiện, tay chân cho những mưu đồ phản động, bán nước hại dân.
                                                                                                                          NVH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét