Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân.




Đây là luận điểm thể hiện sự phát triển sáng tạo của Hồ Chí Minh đối với một Đảng cầm quyền ở một nước thuôc địa nửa phong kiến như ở Việt Nam.
Khi đề cập đến mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng, các nhà kinh điển Mác - Lênin đều quan niệm rằng, Đảng là người lãnh đạo và quần chúng nhân dân là đối tượng lãnh đạo của Đảng. Từ chỉ đạo xây dựng Đảng cộng sản ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến kinh tế chậm phát triển, tàn dư tư tưởng lạc hậu của người sản xuất nhỏ; thấy rõ nguy cơ của chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, xa rời quần chúng khi cách mạng đã giành được chính quyền, Đảng cộng sản trở thành Đảng cầm quyền. Từ thực tiễn chỉ đạo xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam và bằng nhãn quan chính trị sắc bén, Hồ Chí Minh đã bổ xung vào luận điểm của Mác - Lênin một mệnh đề mới về mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng: Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền vừa là người lãnh đạo,vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Đảng là người lãnh đạo quần chúng
Với tư cách là người lãnh đạo, Đảng phải thuyết phục, thu phục, chinh phục được quần chúng nhân dân. Điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng đường lối, chủ trương đúng đắn, cách mạng và khoa học của Đảng, đó là ngọn cờ để dẫn dắt, tập hợp quần chúng hành động; Bằng hành động gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng; Bằng lợi ích thiết thực mà Đảng đem lại cho mỗi con người.
Trong Sách lược vắn tắt của Đảng (2/1930) Hồ Chí Minh xác định: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”.. Trong tác phẩm Thường thức chính trị, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới, đề ra những khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh... Khẩu hiệu chính trị đúng, thì toàn dân thấy rõ phương hướng, nhận rõ ai là bạn, ai là thù, đoàn kết chặt chẽ xung quanh Đảng”
Đảng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Đảng không phải là tổ chức thăng quan phát tài, không phải là vị cứu tinh của nhân dân. Đảng sinh ra là để đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, ngoài ra Đảng không có lợi ích nào khác. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã viết: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hoá, chính trị của nhân dân. Vì toàn dân được giải phóng, tức là Đảng được giải phóng”. 
Đảng phải làm tròn bổn phận là người đầy tớ trung thành của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên từ suy nghĩ đến hành động đều phải tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân: Việc gì có lợi cho nhân dân thì cố gắng làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân. Đảng lãnh đạo, dân là chủ. Trong bài Gửi Uỷ ban nhân dân các Kỳ, Tỉnh, Huyện và Làng, Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải đè đầu dân như trong thời kỳ thống trị của Pháp - Nhật.
 Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm
 Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh
 Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta kính ta.
Theo Hồ Chí Minh, Đảng là người lãnh đạo tập thể và cũng là người đầy tớ tập thể của nhân dân. Hai tư cách ấy có mối quan hệ chặt chẽ thống nhất với nhau trong một quy trình hoạt động của Đảng, đó là sự thống nhất giữa hai mặt trong nhân cách của người đảng viên. Cùng với việc thực hiện vai trò của người lãnh đạo Đảng phải làm tròn bổn phận của người đầy tớ nhân dân. Lãnh đạo giỏi cũng là đầy tớ giỏi và ngược lại đầy tớ giỏi cũng là lãnh đạo giỏi.
Để làm tròn trọng trách là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân, cần phải:
Không ngừng chăm lo xây dựng nội bộ Đảng trong sạch vững mạnh cả về chính trị tư tưởng và tổ chức.
Đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng phải tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, ra sức học tập nâng cao trình độ, năng lực để làm việc, làm người, làm cán bộ.
Phải chăm lo xây dựng Nhà nước thực sự là của dân, do dân, vì dân, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những căn bệnh kiêu ngạo, dốt nát, tham ô, xa hoa, lãng phí tiền bạc của cải của nhân dân, quan liêu, hống hách, xa rời nhân dân…
Hồ Chí Minh là người rất nhạy cảm, đã nhìn thấy nguy cơ tha hoá trong nội bộ Đảng, trong các cơ quan Nhà nước ngay sau khi giành được chính quyền.
Ngày 2/9/1945 Khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì đến 17/10/1945 Người đã có thư gửi Uỷ ban nhân dân các cấp, Người đã chỉ rõ 6 lỗi lầm của cán bộ chính quyền dễ sai phạm như: Trái phép, cậy thế, hủ hoá, tù túng, chia rẽ , kiêu ngạo. Ngày 01/03/1947 Trong thư gửi các đông chí bắc bộ Người yêu cầu kiên quyết tẩy sạch các khuyết điểm như: Địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc quân phiệt quan liêu, óc vô kỷ luật, óc hẹp hòi, ham chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, ích kỷ hủ hoá....
Trong Di chúc để lại, Người đã căn dặn Đảng ta: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiêm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

1 nhận xét:

  1. Nếu không có Đảng CSVN lãnh đạo thì chúng ta không thể đánh thắng được tất cả giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước phát triển như ngày hôm nay

    Trả lờiXóa