Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020

BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG



Hầu hết trẻ em nước ta hiện được thừa hưởng cuộc sống no đủ, được chăm lo chu đáo, được đến trường học hành thuận lợi. Cuộc sống con trẻ tưởng như viên mãn trong tình yêu thương, nâng niu của các bậc phụ huynh sẽ trở nên hạnh phúc, nhưng còn đó những nỗi lo về môi trường sống an lành cho trẻ. Một trong những nỗi lo đó là mặt trái của xã hội thông tin bùng nổ và môi trường mạng đã và đang tạo ra nhiều nguy cơ đối với trẻ em.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người dùng internet nhiều nhất thế giới. Hiện nay, phần lớn các gia đình, nhất là các gia đình ở khu vực đô thị có nhiều thiết bị, công nghệ có thể kết nối với internet một cách dễ dàng. Điều đó khiến không chỉ một bộ phận người lớn mà cả trẻ em cũng có thể “nghiện” mạng, “nghiện” iPhone, iPad... Trong khi việc quản lý, kiểm soát thông tin trên môi trường mạng còn lỗ hổng, ý thức nhiều người sử dụng mạng xã hội (MXH) kém cỏi, trẻ em rất dễ bị “ngộ độc” những thông tin, hình ảnh thiếu lành mạnh trên môi trường mạng.
Thời gian qua, dư luận có lúc không khỏi bàng hoàng, đau xót khi nhiều hình ảnh bạo lực, xâm hại trẻ em bị kẻ xấu đưa lên lan truyền, chia sẻ trên MXH. Theo nhận định của các chuyên gia tâm lý, nếu xâm hại ngoài xã hội chỉ có một vài người chứng kiến trong phạm vi hẹp thì khi hình ảnh trẻ bị bạo lực, xâm hại bị tung lên môi trường mạng sẽ để lại di chứng lâu dài cho người bị hại. Nhiều vụ trẻ em tự tử, tự hại mình cũng bắt nguồn từ áp lực dư luận trên MXH.
Điều đáng nói hơn, do tâm lý thích khoe mẽ, nhiều bà mẹ, ông bố hồn nhiên chụp nhiều ảnh và tùy tiện đưa thông tin của con lên MXH. Hành vi này không những xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em đã được quy định tại Luật Trẻ em mà vô hình trung còn tạo cơ hội cho những kẻ xấu có thể khai thác thông tin, hình ảnh của trẻ để thực hiện những mục đích không lành mạnh. Trong cuộc hội thảo góp ý xây dựng Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã đưa số liệu mang tính cảnh báo: Vào bất cứ thời điểm nào, trên khắp thế giới có khoảng 750.000 đối tượng đang ngồi tìm kiếm các hình ảnh, video về tình dục trẻ em.
Phiên họp trực tuyến của Quốc hội diễn ra tuần qua, khi thảo luận Báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị các cấp, ngành và cộng đồng phải có những việc làm thiết thực để chủ động phòng ngừa những tác hại của môi trường mạng đối với trẻ em. Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội đề nghị Chính phủ trong năm 2020 ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ban hành văn bản về “Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng”.
Để bảo vệ sự an toàn về thể chất, tâm hồn cho con trẻ trong bối cảnh “thế giới phẳng” hiện nay quả là điều không đơn giản đối với mỗi quốc gia và cả cộng đồng xã hội. Trong khi chờ đợi một chương trình tổng thể, khả thi về phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, ngay từ bây giờ, các bậc phụ huynh phải biết tự bảo vệ con em mình bằng cách thường xuyên giáo dục, quản lý, theo dõi sát sao để trẻ không bị sa đà vào những thông tin, hình ảnh độc hại trên mạng; đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường, giáo viên và các tổ chức đoàn, đội, hội để hướng trẻ em tiếp cận, thụ hưởng những không gian mạng thật sự an toàn, bổ ích.
Khi bảo vệ sự an toàn của trẻ em ở mọi lúc, mọi nơi, chúng ta mới hiện thực hóa được niềm tin trẻ em là hồng phúc và tương lai của mỗi gia đình, là triển vọng của quốc gia, dân tộc.


1 nhận xét:

  1. TRẻ em là tương lại của đất nước; do đó phải được bảo vệ và che trở

    Trả lờiXóa