Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

HÌNH THÀNH VĂN HOÁ SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (CNTT) và giao dịch điện tử (gọi tắt là Nghị định 15) có hiệu lực từ ngày 15-4-2020, được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt hạn chế “đại dịch” tin giả, tin xấu độc trên mạng xã hội (MXH). Mạng xã hội không còn là ảo Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), năm 2019, 64 triệu người Việt Nam sử dụng internet, trong đó có tới 58 triệu người dùng MXH. Những con số trên phản ánh quy mô, mức độ sử dụng MXH Việt Nam đang phát triển mạnh, ngày càng giống như một xã hội trên môi trường internet. Bên cạnh những lợi ích to lớn, MXH tiềm ẩn rất nhiều nguy hại, đặc biệt là vấn nạn tin giả, xấu độc, lừa đảo… gây mất an ninh trật tự, tạo bất ổn trong xã hội. Ý thức được mặt trái của MXH, năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, trong đó đã có những quy định khá cụ thể về hành vi thông tin sai sự thật trên môi trường viễn thông. Khoản a và b, Điểm 3, Điều 64 Nghị định 174 nêu rõ việc xử phạt hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước. Đây chính là những căn cứ quan trọng để các cơ quan chức năng xử phạt hành chính hơn 800 trường hợp tung tin giả về đại dịch Covid-19 trước khi Nghị định 15 có hiệu lực. Nghị định 15 thay thế Nghị định 174 có nhiều quy định chi tiết hơn, nhất là xử lý các thông tin sai lệch, giả mạo trên MXH. Điều 101 quy định trách nhiệm cá nhân của người tham gia MXH. Người sử dụng MXH sẽ bị xử phạt với các hành vi cung cấp, chia sẻ: Thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, đưa ra lời khuyên: “Người sử dụng MXH hết sức cẩn thận khi đăng tải, chia sẻ, bình luận những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa có các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí lên tiếng, loan tin. Thậm chí, nếu một thông tin đăng tải trên báo chí “có vấn đề” bị gỡ xuống thì người sử dụng phải có trách nhiệm xóa đường dẫn đã chia sẻ trước đó. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền để người dân biết điều gì được làm và không được làm một cách cụ thể. Chẳng hạn, nếu chia sẻ đường dẫn tin, bài của cơ quan báo chí kèm theo lời bình ngắn gọn không làm sai ý tác giả thì không vi phạm nhưng nếu trực tiếp sao chép nội dung tin bài rồi đăng tải mà chưa xin phép tác giả và cơ quan báo chí thì không được phép”. Các chuyên gia dự báo Nghị định 15 sẽ khiến không gian MXH không còn ảo nữa. Giờ đây, bất cứ ai dù vô tình đăng tải, chia sẻ trên MXH ảo sẽ phải gánh hậu quả thật sự, nhiều trường hợp sẽ phải trả giá rất đắt nếu bị khởi tố hình sự. Song hành hai biện pháp Ngay sau khi Nghị định 15 có hiệu lực, hai trường hợp đầu tiên bị xử phạt đều ở tỉnh Quảng Ninh. Trong đó đáng chú ý là trường hợp Đinh Văn Huynh (sinh năm 1984, trú tại huyện Đầm Hà) đã bị xử phạt 7,5 triệu đồng do bình luận trên một trang MXH, gán ghép bị can trong vụ án là con ruột lãnh đạo tòa án tỉnh Thái Bình. Đinh Văn Huynh làm nghề tự do, đọc thông tin trên mạng rồi “vô tư” gán ghép quan hệ hai người này do có cùng... họ và tên đệm giống nhau. Sau khi làm việc với cơ quan công an, Đinh Văn Huynh đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật, tự giác xóa bỏ các thông tin sai sự thật trên MXH. Điều đáng nói là không hiếm trường hợp cán bộ, công chức nhà nước “hồn nhiên” đưa tin tức từ các trang MXH, tin nghi là dựa vào nguồn tin báo chí. Chính chúng tôi đã không ít lần phải giải thích với những người quen rằng: Thông tin họ dẫn lại không phải từ ấn phẩm báo chí chính thống mà chỉ là trang thông tin tổng hợp bất cứ ai cũng có thể tạo ra. Ấn phẩm báo chí phải được Bộ TT&TT cấp giấy phép hoạt động và phải có cơ quan chủ quản. Đồng thời, cảnh báo họ sẽ bị xử phạt nếu thông tin chia sẻ là thông tin xấu độc, tin giả gây hoang mang trong xã hội. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Thanh tra viên chính, Phòng Thanh tra Viễn thông và CNTT (Thanh tra Bộ TT&TT) cho biết: “Đa phần những người sử dụng MXH có hành vi vi phạm đều do thiếu hiểu biết. Thanh tra bộ, thanh tra các sở TT&TT sẽ xử lý những vi phạm ảnh hưởng tiêu cực với mức độ rộng lớn, đặc biệt liên quan đến đại dịch Covid-19. Lúc này, công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ Nghị định 15 sẽ được chú trọng hơn. Sau một thời gian nhất định, sẽ tiến hành xử lý nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng để Nghị định 15 phát huy tác dụng như mục tiêu đã đề ra”. Nhìn từ góc độ văn hóa, các nhà nghiên cứu từ lâu đã chỉ ra bản chất văn hóa Việt Nam là văn hóa làng xã, con người Việt Nam duy tình, tính cố kết cộng đồng cao. Yêu cầu khi sử dụng MXH lại đòi hỏi phải lý tính, biết suy xét nên đăng tải, bình luận, chia sẻ thông tin nào là thiết thực, bổ ích; đồng thời, không nên soi mói, quá tò mò chuyện cá nhân người khác để tỏ vẻ mình là người thạo tin, có sức ảnh hưởng. PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: “Để có văn hóa sử dụng MXH tích cực, đúng đắn, không thể hình thành trong ngày một ngày hai mà là cả một quá trình, đôi khi thời gian phải tính bằng một, hai thế hệ. Hiện nay, cần song hành hai biện pháp xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật; đồng thời kiên trì tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho người dân, nhất là giới trẻ về yêu cầu, chuẩn mực khi tham gia MXH là hết sức cần thiết”. Hy vọng rằng, với việc thực hiện quyết liệt hai biện pháp nêu trên, văn hóa sử dụng MXH sẽ sớm hình thành, qua đó góp phần ngăn chặn “đại dịch” tin giả, xấu độc trên MXH.

1 nhận xét:

  1. Thời buổi công nghệ thông tin phát triển, người sử dụng MXH phải hết sức tỉnh táo và có vă hoá khi sử dụng MXH

    Trả lờiXóa