Đến Trường Đại học Sư phạm Hà
Nội, nếu hỏi thăm về TS Đinh Minh Hằng, Bí thư Đoàn trường, Trưởng phòng Phòng
Công tác chính trị-Học sinh sinh viên, chắc chắn ai cũng sẽ nhận được những
nhận xét tốt đẹp về cô. Đây là một giảng viên hết mình vì công việc, hết lòng vì
đồng nghiệp và sinh viên, học viên.
Nhìn
những danh hiệu, giải thưởng mà TS Đinh Minh Hằng đạt được có thể thấy
những đóng góp tích cực của chị trong công tác: Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp
Trung ương lần thứ nhất, năm 2019; bằng khen của Trung ương Đoàn vì có
thành tích xuất sắc trong công tác đoàn và phong trào thanh niên năm học
2017-2018; danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác của Thành đoàn Hà
Nội... Trong công tác khoa học, TS Đinh Minh Hằng còn là tác giả của nhiều
bài báo khoa học, bài báo hội thảo trong nước và quốc tế, chủ
biên của hai cuốn sách dùng làm tài liệu tham khảo cho học sinh phổ thông ngành
ngữ văn, chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp trường đạt xuất
sắc năm 2019.
Cũng
có thể nói, Đinh Minh Hằng là con nhà nòi. Sống trong gia đình có
nhiều thế hệ làm nghề dạy học, Hằng tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm
Hà Nội năm 2008 với vị trí thủ khoa nên được giữ lại trường. Đinh Minh
Hằng vào Đảng ngày 19-5-2010. Sau khi học hết cao học, Hằng lại được học
bổng toàn phần làm nghiên cứu sinh tại Anh. Về nước, từng có nhiều cơ hội
việc làm, nhưng chị một mực trở về trường để làm công việc mà mình yêu
thích: Được đứng trên bục giảng.Về nước chưa được bao lâu, TS Đinh Minh Hằng
được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học
Sư phạm Hà Nội; đồng thời đảm nhiệm cương vị Phó bí thư Đoàn trường phụ
trách công tác NCKH.
Cô
Bùi Thị Hà Giang, Phó bí thư Đoàn trường kể: Hồi sinh viên, cô Hằng làm lớp phó
học tập lớp chất lượng cao của trường. Từ bấy giờ, cô Hằng đã đứng ra thành lập
nhiều câu lạc bộ hoạt động rất sôi nổi. Khi ở cương vị Phó bí thư Đoàn trường,
cô Hằng càng có điều kiện phát huy sáng tạo, tổ chức nhiều buổi tọa đàm khoa
học, trong đó có cả những buổi tọa đàm bằng tiếng Anh với sự tham gia của không
ít nhà khoa học là người nước ngoài. Phong trào NCKH của cán bộ, đoàn
viên, sinh viên vì thế cũng rất phát triển như: Tổ chức thành công hội
thảo khoa học cán bộ trẻ các trường sư phạm toàn quốc; tổ chức thi nghiệp vụ sư
phạm dành cho sinh viên dưới hình thức sân khấu; thi xử lý các tình huống
nghiệp vụ sư phạm; thi tìm hiểu về ngành nghề hay thi hùng biện, thi tiếng Anh…
Năm
2019, TS Đinh Minh Hằng được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn trường. Ở cương vị
mới, cô càng sáng tạo ra nhiều hình thức hoạt động thiết thực, hấp dẫn hơn để
lôi cuốn đoàn viên, sinh viên tham gia. Tiêu biểu phải kể đến các lớp kỹ năng
nói, kỹ năng giao tiếp, ứng xử do các MC truyền hình từng là cựu sinh viên của
trường trực tiếp truyền đạt; mở các lớp dạy miễn phí tiếng Anh do cộng tác viên
người nước ngoài dạy; các lớp kỹ năng phỏng vấn xin việc, kỹ năng viết đơn xin
việc, kỹ năng hoạt động nhóm, thuyết trình…
Trong
công tác tư vấn tuyển sinh, cô Hằng cũng có sáng kiến thay đổi cách làm bằng
việc tổ chức chương trình Open Tour: Một ngày làm sinh viên Trường Đại học Sư
phạm Hà Nội. Theo đó, Đoàn trường tổ chức để các em học sinh THPT đến thăm, làm
sinh viên ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong một ngày. Tùy theo sở
thích của từng em để ban tổ chức chương trình sắp xếp, bố trí các hoạt động phù
hợp. Ví dụ, học sinh nào thích học chuyên ngành Vật lý có thể vào thăm các
phòng thí nghiệm của khoa Vật lý, thực hành cùng các anh chị sinh
viên; hay xem triển lãm sách của khoa Ngữ văn; tham gia “Rung chuông
vàng” cùng khoa Công tác Xã hội. Hoặc em nào thích học ngành kỹ thuật thì thăm
triển lãm kỹ thuật, điều khiển robot… Kết quả cuối ngày, ban tổ chức nhận được
rất nhiều tình cảm của học sinh bày tỏ ước mong sẽ trở thành sinh viên của nhà
trường.
TS
Đinh Minh Hằng tâm sự: "Trước đây, hoạt động đoàn hay tập trung vào tình
nguyện mùa hè, đi xa... Giờ đây, các hoạt động đó không còn phù hợp.
Nhiều sinh viên coi hè là học kỳ 3, các em thường tranh thủ đăng ký học
thêm kỹ năng và một số môn học để rút ngắn thời gian học đại học. Vì vậy, hoạt
động đoàn sẽ chủ yếu diễn ra tại trường hoặc gần trường và phải thật sự thiết
thực. Chỉ có như thế, hoạt động của đoàn mới lôi cuốn được các em tích cực tham
gia".
Đến
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nếu ai hỏi thăm về Đinh Minh Hằng chắc chắn ai
cũng sẽ nhận được những nhận xét đẹp đẽ về cô với thái độ cảm phục, yêu
mến. Sau này, khi biết thêm một số bạn bè, học sinh của cô, tôi càng hiểu
vì đâu Đinh Minh Hằng được mọi người yêu mến đến vậy.
Cô
giáo Phí Thị Phương Thanh, bạn học thời đại học và cao học với Đinh Minh Hằng
tâm sự: “Hằng là nguồn năng lượng của mọi người trong lớp em đấy ạ”. Cô Thanh
giải thích: "Anh biết đấy, sinh viên thì nhiều lúc… hết cả tiền ăn. Minh
Hằng nhà ở Hà Nội, những lần biết hoàn cảnh của tụi em như vậy thường mua rất
nhiều mì, đồ ăn đem đến nói là “để ăn cho vui”, thực ra là muốn giúp chúng em
nhưng tế nhị không nói".
Cô
Phương Thanh kể thêm: "Việc học ở lớp chất lượng cao tính cạnh
tranh cũng rất lớn nên không phải ai cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác,
nhưng Hằng là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của lớp, thì không như
vậy. Hằng luôn khiêm tốn, giúp ai được gì là Hằng giúp vô tư, chân
thành. Nói chung, bạn bè có gì vui buồn cũng hay tâm sự với nhau và sau
khi nói chuyện với Hằng, mọi người đều vui vẻ hơn. Tụi em thường bảo nhau, thực
sự trong đời có một người bạn như thế rất may mắn".
Một
học viên khác đang học cao học ở ký túc xá của nhà trường kể: "Em biết cô
Hằng khi là sinh viên năm cuối đại học và được cô hướng dẫn làm khóa luận tốt
nghiệp. Trước đây, em nghĩ các thầy cô ở đại học khó gần, nhưng cô Hằng gần
gũi, thân tình lắm. Em nhớ mãi lần đầu khi gọi điện nói muốn được gặp cô để hỏi
ý kiến về đề tài em làm, cô không muốn em phải đi xa vì không có phương tiện,
cô lại hỏi em ở đâu để cô đến trao đổi. Một hành động tuy nhỏ nhưng để lại ấn
tượng rất lớn trong em".
Là
người sống hết lòng với mọi người nhưng trong công việc, cô Đinh Minh Hằng lại
vô cùng nghiêm túc. Nhận hướng dẫn học viên cao học nào cô đều yêu cầu học viên
đó phải làm việc tập trung hết sức để đạt kết quả cao nhất.
Cô
Ngô Thị Thùy Linh, giáo viên Trường THPT Yên Thành (Tân Kỳ, Nghệ An) đang học cao
học tại trường xúc động kể lại: "Em làm đề tài về nhà thơ Phan Vũ và may
mắn được cô Hằng hướng dẫn. Biết em chưa có tập thơ của Phan Vũ, cô Hằng tìm
mua tặng khiến em rất bất ngờ. Nhưng bất ngờ hơn là một lần cô đi dự hội thảo
khoa học ở miền Nam thấy có bài báo viết về Phan Vũ, cô cũng chụp lại gửi cho
em làm tư liệu. Cô Hằng thực sự là tấm gương mà mọi giáo viên như chúng em
phải học tập".
BVT
Cần biểu dương và khuyến khích các đảng viên trẻ tiểu biểu đi đầu trong các phong trào do các cơ quan, đơn vị phát động
Trả lờiXóa