Thứ Tư, 7 tháng 10, 2020

KHÔNG THỂ NGỘ NHẬN VỀ TẦM NHÌN CỦA ĐẢNG VỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC THEO ĐỊNH NGHĨA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

 

Mục tiêu nhất quán không thay đổi của các thế lực thù địch là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN, phi chính trị hóa, vô hiệu hóa các lực lượng vũ trang, tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. Đảng ta đã quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045, đây là một điểm mới trong chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, nhằm đánh dấu mốc quan trọng, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cùng với những ý kiến tham gia đóng góp đầy trách nhiệm vào việc hoàn thiện mục tiêu đó, không ít kẻ lại cố tình xuyên tạc, bóp méo, hòng gây hoang mang, ngộ nhận trong quần chúng nhân dân.

Hiện nay, các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị ở cả trong nước và nước ngoài thường xuyên chống phá Đảng, Nhà nước, công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN của nhân dân ta, nhất là trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu đưa nước ta đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng cho rằng, Đảng ta xác định như vậy là “viển vông”, không có nền kinh tế nào là nền KTTT định hướng XHCN; KTTT, các quy luật của KTTT và định hướng XHCN là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; ghép định hướng XHCN vào KTTT là sự gán ghép chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học, không thuyết phục, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn; nếu bỏ, không có cái đuôi “định hướng XHCN” thì kinh tế đất nước còn phát triển nhanh hơn, kết quả đạt được còn lớn hơn. Do đó, mặc dù Việt Nam đã tuyên truyền, vận động, nhưng nhiều nước vẫn chưa công nhận kinh tế Việt Nam là KTTT. Một số kẻ lại lớn tiếng: chỉ cần đặt vấn đề xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh là đủ và ở chừng mực nào đó, chưa cần đề cập tới “định hướng XHCN”, nên dừng lại và xây dựng theo mô hình CNXH dân chủ là tốt nhất. Bởi theo chúng, kinh tế thị trường và định hướng XHCN không có mẫu số chung và nằm ngoài mọi lý thuyết kinh tế thế giới. Họ còn cho rằng: Một mặt, Nhà nước ta chủ trương phát triển KTTT, phát triển kinh tế nhiều thành phần, đa dạng các hình thức sở hữu; doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nhưng mặt khác, Nhà nước ta lại xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế thì như vậy là có sự phân biệt đối xử, không thể bình đẳng. Do đó, không thể có KTTT thật sự, KTTT theo thông lệ quốc tế. Hơn nữa, Nhà nước ta lại xác định KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển thành các tổng công ty, tập đoàn kinh tế mạnh, hoạt động cả trong nước và ngoài nước thì nền KTTT sẽ phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa như các nước tư bản khác chứ không phải phát triển theo định hướng XHCN. Nói định hướng XHCN chỉ là chủ quan, duy ý chí hay là tự lừa dối chính mình, lừa dối người khác mà thôi...

Hơn 90 năm qua, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã luôn thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH nhưng hết sức linh hoạt trong từng bối cảnh cụ thể. Tầm nhìn đúng đắn, nhìn xa, trông rộng của Đảng là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định, đưa đến những thành tựu vĩ đại trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng đất nước hiện nay. Và như vậy, tầm nhìn – năng lực dự báo của Đảng có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ XXI. Việc dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng không chỉ xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong 5 năm (2021 – 2025), mà còn xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là sự chỉ đạo có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện rõ sự kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu của Đảng, kể từ khi ra đời cho đến nay.

Sai lầm của những người cho rằng không thể có nền KTTT định hướng XHCN, thứ nhất, là do họ đã đồng nhất KTTT với KTTT chủ nghĩa tư bản, cho rằng, chỉ có một loại KTTT là KTTT tư bản chủ nghĩa (TBCN). Song, thực chất các quan hệ KTTT và các quan hệ tư bản là hoàn toàn khác nhau. Nguồn gốc và bản chất của KTTT là kinh tế hàng hóa; các phạm trù giá trị, giá cả, hàng hóa, tiền tệ, các quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu, quy luật giá trị của kinh tế hàng hóa cũng là các phạm trù và quy luật của KTTT. Các phạm trù, quy luật này có trước chủ nghĩa tư bản, được chủ nghĩa tư bản nắm lấy, sử dụng để phát triển thành KTTT TBCN. Giá trị và tư bản là những phạm trù khác nhau, cũng như quy luật giá trị và quy luật giá trị thặng dư là những quy luật khác nhau. Thứ hai, sai lầm của những người này là dường như cho rằng KTTT TBCN từ khi ra đời đến nay là không thay đổi, “nhất thành, bất biến”. Họ không thấy rằng trải qua thời gian, KTTT TBCN cũng có nhiều biến đổi. Thời kỳ đầu khi mới ra đời, KTTT TBCN là KTTT tự do cạnh tranh, chưa có sự can thiệp của nhà nước. Sự điều tiết của “bàn tay vô hình” của thị trường đã đưa đến nhiều hệ quả tiêu cực, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ, đòi hỏi phải có bàn tay quản lý của nhà nước để hạn chế, khắc phục những khuyết tật do điều tiết tự phát của cơ chế thị trường. Ngày nay, nền KTTT hiện đại của các nước tư bản phát triển trên thế giới đều là nền KTTT có sự quản lý của nhà nước, vừa có điều tiết bởi “bàn tay vô hình” của thị trường, vừa có điều tiết bằng “bàn tay hữu hình” của nhà nước; trong đó, điều tiết của thị trường là cơ sở, nền tảng và điều tiết của nhà nước trên cơ sở tôn trọng điều tiết của thị trường (công cụ quản lý, điều tiết kinh tế của nhà nước là luật pháp, chính sách và các nguồn lực kinh tế của nhà nước).

Do tính chất của thời đại, một nước kinh tế chưa phát triển, chưa qua giai đoạn phát triển TBCN, cũng có thể quá độ lên CNXH. Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở những nước này, sử dụng cả KTTT và cả kinh tế TBCN để xây dựng nền tảng cơ sở vật chất cho CNXH. Từ bỏ “định hướng XHCN” chính là từ bỏ mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam phát triển, từ bỏ khát vọng vươn lên thực hiện mục tiêu: dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của dân tộc Việt Nam. Họ không thấy hoặc cố tình không thấy một sự thật hiển nhiên là mọi nền kinh tế thị trường hiện đại, kể cả của các nước tư bản phát triển trên thế giới đều là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, vừa có điều tiết bởi “bàn tay vô hình” của thị trường, vừa có điều tiết bằng “bàn tay hữu hình” của nhà nước.

Như vậy, những luận điệu hết sức nguy hiểm không phải là không có tác động đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, làm một số người băn khoăn, ảnh hưởng xấu đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội; làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào con đường đi lên CNXH; ảnh hưởng tới việc thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cần cảnh giác, đấu tranh, phản bác, loại bỏ những lập luận suy diễn của chúng ra khỏi đời sống tinh thần của xã hội./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét